Thẳng thắn với trách nhiệm

Thẳng thắn với trách nhiệm
TP - Trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 24-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thắng thắn trả lời nhiều câu hỏi của ĐBQH xung quanh vấn đề trách nhiệm, xử lý trách nhiệm, những vấn đề đặt ra khi thực hiện tái cơ cấu Vinashin.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn trả lời tất cả câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn trả lời tất cả câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng nói: Những việc làm sai trái của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin đã gây hậu quả nghiêm trọng. Thực trạng này có trách nhiệm của Chính phủ, thành viên Chính phủ có liên quan trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu: nhất là chưa tập trung hoàn thiện được đầy đủ, chặt chẽ hệ thống cơ chế chính sách trong quản lý đầu tư, sử dụng vốn, lập mới doanh nghiệp, mở thêm ngành nghề kinh doanh và trong giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước.

Mặt khác, việc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, xử lý sau giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng thuộc Chính phủ còn kém hiệu lực, hiệu quả nên chưa phát hiện được đầy đủ và ngăn chặn kịp thời những việc làm sai trái và báo cáo không trung thực của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin.

Công khai kết quả kiểm điểm trách nhiệm

Trong báo cáo giải trình đọc trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng làm rõ nhiều vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm như: các giải pháp kiềm chế lạm phát và kiểm soát giá cả; vấn đề Vinashin; bảo đảm cung ứng điện cho sản xuất và đời sống nhân dân; khắc phục hậu quả thiên tai tại các tỉnh miền Trung và một số nhiệm vụ chủ yếu về ứng phó với biển đổi khí hậu; đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn…

Mở đầu phiên chất vấn, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) nêu vấn đề, mỗi năm Vinashin phải trả lãi ngân hàng 15.000 tỷ đồng. Sau 5 năm, số nợ 86.000 tỷ đồng sẽ tăng gấp đôi. Theo tính toán, kể cả sau tái cơ cấu, Vinashin không thể tự trả được nợ nếu không được bơm vốn từ bên ngoài và bán bất động sản. Vinashin có cách gì để tự vay tự trả món nợ này?

Tiếp đó, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng chất vấn về trách nhiệm của Thủ tướng trong sự việc Vinashin.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo tái cơ cấu Vinashin và Thủ tướng đã phê duyệt đề án tái cơ cấu Vinashin. Nhưng từ đề án đến khi thành hiện thực là một quá trình đòi hỏi tập trung giải quyết quyết liệt. Nguyên tắc đặt ra là phải thực hiện đúng quy định pháp luật. “Nội dung trả nợ cụ thể thế nào, hội đồng quản trị sẽ trình bày rõ ràng với đại biểu. Chúng tôi thấy đề án này rất khả thi, chúng tôi sẽ nỗ lực làm hết sức mình” - Thủ tướng nói.

Không hề né tránh, Thủ tướng nói: “Chuyện trách nhiệm, tôi đã trình bày nghiêm túc trước Quốc hội. Tôi xin được nói lại: Việc cố ý làm trái của lãnh đạo tập đoàn, các cơ quan chức năng xử lý đúng pháp luật. Còn Thủ tướng, Phó Thủ tướng có trách nhiệm trong quản lý của đại diện chủ sở hữu. Trách nhiệm đó là gì, chúng tôi cũng đã nói trong báo cáo. Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó”.

Về việc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin, Thủ tướng cho biết: Việc chọn ông Phạm Thanh Bình thực hiện từ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, đến Thủ tướng Phan Văn Khải quyết định cho ông Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc.

“Khi lập tập đoàn, lúc đó là Phó Thủ tướng, tôi có nhiều công văn yêu cầu tìm Tổng giám đốc, nhưng cả tập đoàn và các bộ đều nói chưa tìm được ai, dự kiến sẽ thuê Tổng giám đốc. Nên tôi mới đồng ý cho tiếp tục bổ nhiệm ông Bình làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc cho đến khi tìm được người mới”, Thủ tướng nói.

Trả lời ĐB Vũ Hoàng Hà (Bình Định) cũng về vấn đề kiểm điểm trách nhiệm, Thủ tướng khẳng định: Không có chuyện kiểm điểm qua loa mà sẽ làm nghiêm túc, theo đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước. “Khi chủ trì phiên họp Chính phủ, tôi đã kết luận sẽ báo cáo Trung ương trước Hội nghị Trung ương 14. Kết quả thế nào sẽ công khai” - Thủ tướng trả lời.

Siết chặt kỷ cương hành chính

Trả lời ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) về kỷ cương hành chính, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giải thích lại: “Không phải Thủ tướng không dám kỷ luật ai. Bởi không kỷ luật cũng không được, Thủ tướng phải hành động theo quy định của pháp luật”. Đồng thời nhấn mạnh đối với Vinashin, những lãnh đạo làm trái quy định đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, của Đảng, Nhà nước. Như vậy là nghiêm minh.

Theo Thủ tướng, Vinashin có lỗ hổng cơ chế, có lúng túng trong điều hành vì mô hình tập đoàn chưa có trong thực tế nước ta. “Qua vụ việc này, vừa thấy có kẽ hở của cơ chế, vừa có trách nhiệm như tôi đã trình bày. Mức độ tới đâu, xử lý thế nào thì sẽ công khai”. Thủ tướng đánh giá, việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu Vinashin còn rất khó khăn. Chính phủ rất mong được các vị đại biểu Quốc hội chia sẻ, ủng hộ và giám sát.

Giám sát thực hiện lời hứa

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng Ảnh: H.V
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: H.V.

Chốt lại 2 ngày rưỡi chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: kỳ chất vấn này của Quốc hội đã thành công tốt đẹp, đạt chất lượng tốt. Vấn đề hậu chất vấn phải tiếp tục có những bước tiến mới trong chỉ đạo thực hiện, xử lý công việc mà Quốc hội đã nêu ra. Đề nghị các đại biểu Quốc hội theo dõi, giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội cũng giải thích rõ việc chưa cần thiết lập ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong vụ Vinashin. Hiện vụ việc đang được xem xét, Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm đang hết sức khẩn trương triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị. Các cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán đang làm. Do vậy, nếu Quốc hội lập ủy ban lâm thời có khi lại “làm rối thêm tình hình, khó làm việc, không khả thi”. 

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
Tri thức may, mặc áo dài Huế là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia
TPO - Theo Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là thành quả thực hiện đề án Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam là điều kiện, cơ sở quan trọng để tỉnh tiếp tục lộ trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.