Đã đến lúc công khai tài sản cá nhân

GS - TSKH Đặng Hùng Võ
GS - TSKH Đặng Hùng Võ
TP - Góp ý Đại hội Đảng lần thứ XI, GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, sau thời gian dài thực hiện kê khai tài sản trong cán bộ đảng viên, đây là thời điểm cần tiến thêm bước nữa trong công cuộc chống tham nhũng: Công khai tài sản đã kê khai.
GS - TSKH Đặng Hùng Võ
GS - TSKH Đặng Hùng Võ .

Ông có thể nói rõ hơn lý do?

Đảng ta rất quyết tâm chống tham nhũng. Ngay trong dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nêu rõ: Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Coi đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.

Theo số liệu điều tra tôi biết, hầu hết ý kiến được hỏi đều cho rằng, tham nhũng hiện nay đang có xu hướng tăng, có nghĩa là việc chống tham nhũng cho đến nay chưa thực sự hiệu quả. Kê khai tài sản chỉ làm cho một số cán bộ xấu chùn tay, có hiệu quả ở mức độ nhất định thôi. Ở Việt Nam hiện nay, có 4 lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao.

Thứ nhất và lớn nhất vẫn là lĩnh vực đất đai, vì đó là cơ chế thông qua một quyết định thuần túy hành chính để giao đất, cho thuê đất. Thứ hai là việc giao ngân sách cho các doanh nghiệp nhà nước dưới dạng này hay dạng khác.

Trước đây, Chính phủ có chủ trương thực hiện nhanh quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại rất ít các doanh nghiệp kinh doanh một số ít ỏi mặt hàng liên quan an ninh quốc gia. Đến nay, việc tổ chức lại một số doanh nghiệp dưới dạng tập đoàn lại có vẻ như hướng doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế xin - cho chứ không theo tính bình đẳng trong cơ chế thị trường. Vinashin là một ví dụ, và cũng còn nhiều doanh nghiệp khác tương tự.

Thứ ba, hiện còn nhiều thủ tục hành chính không cần thiết trong quản lý nhưng vẫn tồn tại trong thực tế như các thủ tục giao dịch bất động sản, thủ tục nộp thuế... Giá trị tham nhũng ở khu vực này không lớn nhưng lại có số lượng nhiều, sát với mọi người dân và phổ biến ở hầu hết các nơi.

Thứ tư là việc mua sắm của Chính phủ bằng ngân sách thông qua cơ chế thực hiện các dự án của Nhà nước. Chỉ định doanh nghiệp thực hiện hay đấu thầu cũng còn nhiều nguy cơ tham nhũng.

Ông đánh giá gì trên thực tế về việc xây dựng cơ chế để cán bộ không thể tham nhũng, không muốn tham nhũng?

GS-TSKH Đặng Hùng Võ nói: Mức đánh thuế vừa rồi trong Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không thể chống được đầu cơ đất đai. Tôi đã tính thử mức thuế lũy tiến cao nhất đối với 100m2 đất ở tại nơi có giá đất cao nhất của Hà Nội cũng chỉ 1,5 triệu đồng/ năm.

Số tiền này chỉ như hạt cát so với siêu lợi nhuận thu được từ đầu cơ. Vậy làm sao kiềm chế được đầu cơ bất động sản, tức là không làm giảm được tham nhũng trong quản lý đất đai. 

Học tập Singapore chống tham nhũng bằng cơ chế lương, thu nhập thỏa đáng để cán bộ không muốn tham nhũng, chúng ta chưa thể làm được. Vậy phải đi theo một cơ chế khác. Tôi cho rằng, phải tăng cường khả năng giám sát của nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp.

Muốn giám sát được thì phải thực hiện tuyệt đối cơ chế công khai, minh bạch thông tin, trong đó có thông tin về tài sản cá nhân như đã nói ở trên. Mọi thông tin liên quan quá trình quản lý, các quyết định của cơ quan nhà nước đều phải công khai, từ đâu ra, ai trình, trình như thế nào, với nội dung gì.

Theo lý thuyết về tham nhũng, nguy cơ tham nhũng chủ yếu xảy ra ở cơ quan hành pháp. Tuy nhiên, ở nước ta, Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng đặt ở Chính phủ, rồi chạy dọc cơ quan hành chính các cấp.

Trước đây, khi chưa có Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng theo Luật Phòng chống tham nhũng, nước ta có Ban chỉ đạo Trung ương 6 (2) đặt ở bên Đảng. Hồi đó, Ban chỉ đạo Trung ương 6 (2) làm được nhiều việc tốt, đã tạo nên một không khí phòng chống tham nhũng rất hiệu quả.

Việc giao cho cơ quan Đảng, cũng có lý ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, hiện nay tốt nhất phải chuyển Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng về Quốc hội và hệ thống Hội đồng nhân dân các cấp. Vừa qua, chúng ta đã chuyển cơ quan kiểm toán nhà nước từ Chính phủ sang Quốc hội, hiệu quả khá cao.

Tương tự, một số cơ quan thực hiện chức năng giám sát việc điều hành của hệ thống hành pháp nên đặt tại Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.

Ngân Hà
MỚI - NÓNG