>> Nhật: Phát hiện mức phóng xạ cao ngoài vùng di tản
Lực lượng chữa cháy chuẩn bị phun nước vào các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Ảnh: Kyodo. |
Hôm qua, Cty Điện lực Tokyo (Tepco), đơn vị vận hành nhà máy Fukushima, thông báo, nồng độ phóng xạ trong mẫu nước ngầm lấy gần lò phản ứng số 1 của nhà máy cao kỷ lục - gấp 10.000 lần mức cho phép.
Trong khi đó, Cơ quan An toàn Công nghiệp và Hạt nhân Nhật Bản (NISA) thông báo, hàm lượng i-ốt phóng xạ 131 trong mẫu nước biển lấy chiều thứ tư cách nhà máy Fukushima 330m gấp 4.385 lần mức cho phép, tăng so với con số gấp 3.355 lần một ngày trước đó. Phát ngôn viên NISA, ông Hidehiko Nishiyama, thừa nhận khả năng phóng xạ tiếp tục rò rỉ ra biển.
Các nhà khoa học Nhật Bản vẫn cho rằng, tình trạng nhiễm xạ hiện nay chưa gây nguy hại tức thì đối với sức khỏe con người. Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản thông báo kế hoạch tăng cường theo dõi dữ liệu phóng xạ quanh khu vực nhà máy dọc bờ biển, cách thủ đô Tokyo khoảng 220km về phía đông bắc. NISA nói rằng, cơ quan này đã quyết định theo dõi thêm 3 khu vực cách bờ biển 15km.
Ngày 31-3, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan nói rằng, ông sẽ xem xét lại kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 14 lò phản ứng hạt nhân từ nay đến năm 2030. Ông cũng nói rằng, nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 phải dừng hoạt động. |
Ngày 31-3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, Yukio Edano, cho biết, chính phủ nước này có thể thúc giục người dân sống trong vùng đi sơ tán nếu kết quả nghiên cứu cho thấy đất nhiễm xạ sẽ có tác động lâu dài đối với sức khỏe con người.
Để ngăn bụi phóng xạ phát tán, Tepco định thử nghiệm phun một dạng keo lỏng vào nhà máy Fukushima để nguyên liệu này bắt bụi, nhưng phải tạm hoãn kế hoạch này vì trời mưa. Cty nói rằng, mưa sẽ làm chậm tiến độ công việc và gây khó khăn cho công tác đánh giá hiệu quả của việc phun keo. Tepco đang cân nhắc thời điểm phun keo vào phía nam và phía tây của lò phản ứng số 4. Cty định phun 60.000 lít keo lỏng trong vòng 2 tuần.
Mấy ngày qua, Tepco nỗ lực thu gom nước nhiễm xạ trong các tòa nhà lò phản ứng và cống thoát nước. Việc này vừa để tránh rò rỉ phóng xạ ra ngoài, vừa giúp khôi phục hệ thống làm mát của các lò phản ứng cũng như bể chứa thanh nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Cty đang dùng bơm điện và xe chữa cháy phun nước từ xa.
Một quan chức của Tepco nói rằng, lượng phóng xạ cao trong nước biển có thể do nước tiếp xúc với các thanh nhiên liệu hoặc lò phản ứng gây ra, nhưng chưa rõ tại sao nước nhiễm xạ lại chảy ra Thái Bình Dương.
Nhiều chuyên gia cho rằng, lõi của lò phản ứng số 1, 2 và 3 đã bị hư hại nên thải chất phóng xạ ra ngoài, trong khi các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở lò số 4 đã có thời điểm tiếp xúc với không khí, xả bụi phóng xạ vào môi trường khi nước trong bể cạn do hệ thống làm mát bị động đất, sóng thần hôm 11-3 làm hỏng.
Thu gom xác nạn nhân chết do thiên tai ở gần nhà máy Fukushima. Ảnh: Kyodo. |
1.000 xác chết gần nhà máy
Ngày 31-3, cảnh sát tỉnh Fukushima cho biết, nỗi lo phóng xạ và đống đổ nát gây khó khăn cho việc thu gom khoảng 1.000 xác nạn nhân động đất, sóng thần trong khu sơ tán có bán kính 20km tính từ nhà máy Fukushima số 1.
“Chúng tôi thấy xác chết ở khắp nơi, trong xe, trong đống đổ nát, trên đường phố…”, một cảnh sát nói. Một nguồn tin khác cho rằng, các xác chết “phơi nhiễm phóng xạ hàm lượng cao”.
Giới chức Nhật Bản đang tìm cách thu gom 1.000 xác chết này. Nhiều người lo ngại rằng, cảnh sát, bác sĩ và người thân nạn nhân có thể phơi nhiễm phóng xạ khi tiếp xúc xác chết ở hiện trường hoặc trong nhà xác.
Trước đây, họ có kế hoạch xét nghiệm các xác chết trước khi vận chuyển ra khỏi khu sơ tán. Nhưng nay, trước nguy cơ phơi nhiễm, họ phải xem lại kế hoạch này. Một số chuyên gia lo ngại rằng, sau khi thi thể được trao cho gia đình nạn nhân, việc hỏa táng có thể phát tán khói chứa vật liệu phóng xạ. Nếu xác chết được chôn thì đất quanh đó có nguy cơ nhiễm xạ.
Cơ quan chức năng đang xem xét khả năng khử nhiễm xạ và xét nghiệm xác chết ngay tại nơi thi thể được tìm thấy. Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cho rằng, việc làm sạch xác chết đang phân hủy không dễ dàng gì và khiến tình trạng của thi thể xấu đi.
Các chuyên gia cho rằng, có thể nhận dạng nạn nhân qua phân tích ADN từ mẫu móng tay, móng chân, nhưng mất rất nhiều thời gian, công sức để khử nhiễm xạ, làm sạch mẫu. Mức phóng xạ tăng cao được phát hiện trên thi thể một nạn nhân ở thành phố Okuma chủ nhật tuần trước buộc cảnh sát địa phương phải từ bỏ việc gom xác chết này.
“Tùy mức độ phóng xạ mà áp dụng biện pháp phù hợp, nhưng nhất thiết phải dùng đến các nhà chuyên môn - những người có thể kiểm soát được phóng xạ. Một giải pháp là đưa xe khử nhiễm xạ đến các khu vực và làm sạch từng thi thể một”, một chuyên gia về xử lý người nhiễm xạ nói.
Hôm qua, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thông báo, một đội kiểm soát phóng xạ gồm 140 người của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ sẽ sớm đến Nhật Bản để giúp xử lý sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima số 1. Nhiệm vụ chính của đội là giám sát vật liệu phóng xạ, khử nhiễm xạ và chữa bệnh. Các đội kiểm soát phóng xạ của Mỹ và Nhật Bản có thể đến những khu vực bị ảnh hưởng để tiến hành khử nhiễm xạ.
Sẽ đề ra tiêu chuẩn an toàn hạt nhân mới
Ngày 31-3, Nhật Bản và Pháp nhất trí rằng, hai nước này sẽ hợp tác soạn thảo bộ tiêu chuẩn an toàn hạt nhân quốc tế mới vào cuối năm nay. Thỏa thuận này đạt được trong cuộc hội đàm tại thủ đô Tokyo giữa Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - vị lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm Nhật Bản từ khi vùng đông bắc nước này hứng chịu thảm họa động đất, sóng thần ngày 11-3.
Tại buổi họp báo sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Pháp cho biết, vấn đề hạt nhân sẽ là tâm điểm của Hội nghị thượng đỉnh G8 tổ chức cuối tháng 5 ở Pháp. Ông Sarkozy, chủ tịch G-8 năm 2011, nói rằng, ông sẽ cố gắng ra thông cáo về an toàn hạt nhân tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới. “Chúng ta cần nâng cao tiêu chuẩn an toàn, không phải thảo luận xem liệu chúng ta có nên ngừng phát triển năng lượng hạt nhân”, Tổng thống Pháp nói.
Ông Sarkozy nói rằng, Pháp muốn tổ chức hội nghị dành cho quan chức an toàn hạt nhân của G-20 vào tháng 5 và thông báo kết quả tại hội nghị bộ trưởng của IAEA vào tháng 6. Ông nói rằng, Pháp cam kết tăng cường trợ giúp Nhật Bản khống chế rò rỉ phóng xạ ở nhà máy Fukushima số 1. Điện hạt nhân hiện chiếm gần 80% sản lượng điện của Pháp.
Hôm qua, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản thông báo, thịt bò ở tỉnh Fukushima (nơi có nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1) chứa chất phóng xạ có hàm lượng vượt giới hạn cho phép. Hàm lượng cesium phóng xạ trong thịt bò lên tới 510 becquerel, trong khi luật vệ sinh thực phẩm quy định ngưỡng tối đa là 500 becquerel. Cùng ngày, chính phủ Singapore tuyên bố bổ sung tỉnh Shizuoka của Nhật Bản vào danh sách những địa phương có sản phẩm tươi sống không được nhập khẩu vào nước này vì nỗi lo nhiễm xạ. Ngày 30-3, Singapore phát hiện lượng i-ốt phóng xạ 131 trong rau chân vịt của Nhật Bản nhập khẩu vào nước này cao gấp 6 lần mức cho phép. Trước đó, Singapore cấm nhập khẩu hoa quả, sữa, hải sản, rau và thịt từ các tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi, Gunma, Ehime, Chiba, Kanagawa, Tokyo và Saitama của Nhật Bản. |
Thái An (tổng hợp)