Chuyện nữ điệp viên nổi tiếng nhất lịch sử nhân loại

Chuyện nữ điệp viên nổi tiếng nhất lịch sử nhân loại
… Họ rón rén đi trong hành lang dẫn đến phòng 12. Bà xơ Léonide, đã 52 năm phục vụ ở nhà tù Saint – Lazare này, lặng lẽ mở cửa cho họ.

Rồi bà giơ tay chỉ cho vị đại diện một trong ba hình người nằm dài trên các giường sắt. Nữ phạm nhân đang ngủ giữa hai phạm nhân nữ khác có nhiệm vụ theo dõi chị.

Buổi sáng thảm sầu

Đột ngột chị đứng vụt dậy, nhăn nhó mỉm cười nhìn khắp lượt những kẻ vây quanh. Cho lần trình diễn cuối cùng, Margaretha Geertruida Zelle, người Hà Lan, 41 tuổi, bị kết án tử hình “vì làm gián điệp và liên hệ mật với quân thù”, lại trở thành Mata Hari, người đàn bà phóng đãng có hạng mười năm trước trong các phòng khách tư nhân và trên các sân khấu nhà hát các thủ đô lớn ở châu Âu.

“Đừng sợ gì cả, thưa xơ-chị bảo bà xơ vừa đến nắm tay mình-Tôi biết chết không yếu đuối. Xơ sắp chứng kiến một cái chết đẹp”.

Không có buổi sáng ảm đạm ngày 15/10/1917 ấy, chắc chắn không bao giờ Mata Hari đi vào được lịch sử. Chị cũng sẽ, nếu không có nó, rơi vào quên lãng như tám người phụ nữ khác đi trước và đi sau chị đến cột xử bắn trong Đại chiến I.

Không có buổi sáng ấy, chị không thành nữ điệp viên nổi tiếng nhất lịch sử. Cho đến nay, chị vẫn chiếm một chỗ trong các đại bách khoa toàn thư bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới với nội dung cơ bản: vũ nữ Hà Lan, làm tình báo cho quân Đức!…

Để kiếm sống, Mata Hari từng phải khiêu vũ thuê, chủ yếu là các vũ điệu Indonesia và Malaysia mà chị học được. Đôi khi chị thậm chí phải làm tiền. Nhưng chị cũng muốn làm nghệ thuật thực sự.

Bằng chứng là sau thời gian mấy năm ở Pháp, chị quay sang Đức mong nhờ một tình nhân cũ giúp đỡ cả về tài chính lẫn nghệ thuật-nghĩa là được biểu diễn khiêu vũ-Việc nghệ thuật không thành, chị lại trải nhiều cuộc trăng gió khác.

Nhớ Paris, tháng 12/1915, chị quay về đây một tháng. Vừa đến nơi, chị đã yêu cầu ông bầu của mình xin một hợp đồng trong làng balê Nga. Thất bại!

Hơn nữa, trong thẳm sâu của người đàn bà tưởng hoàn toàn hư hỏng này vẫn âm ỉ một nhu cầu lớn: yêu và được yêu thực sự. Điều này chị đã đạt được trong quan hệ với một sỹ quan Nga, 23 tuổi mà chị đã gặp ở Paris và yêu đắm đuối.

Chuyện nữ điệp viên nổi tiếng nhất lịch sử nhân loại ảnh 1
Mata Hari ở trường bắn

Chẳng may cho chị, anh ta đóng quân ở thành phố Vitel gần một sân bay quân sự (nên bị coi là vùng cấm). Muốn đến đó, phải có giấy thông hành. Do đó, chị buộc phải gặp viên đại úy Ladoux, trưởng phòng 5 (tình báo và chống tình báo) của quân đội Pháp, nói dối xin đến Vitel để “chữa bệnh”.

Viên sỹ quan cấp thông hành cho chị, nhưng không quên yêu cầu chị “phục vụ” quân đội Pháp, như hắn từng lợi dụng nhiều chị em khác, nghĩa là, chị hợp tác với tình báo Pháp khi từ Vitel về, sau thời gian hưởng những ngày vui sướng nhất trong vòng tay của chàng sỹ quan Vadime đẹp trai mà chị giới thiệu là cháu gọi bằng dì.

Chị chấp nhận yêu cầu và đặt giá: một triệu francs. Thực ra, chị muốn có một món hồi môn để có thể cưới chàng sỹ quan trẻ tuổi!

Thế là chị vô tình tự ký cho mình bản án tử hình, mặc dù không bao giờ chị hoạt động tình báo một cách thực sự. Tháng 11/1915, biết chị sắp về Pháp, một nhân viên lãnh sự Đức ở Hà Lan tên là Kramer đã trao cho chị 20.000 francs để sẽ nhận được từ chị tin tức đủ loại về nước Pháp.

Đồng thời chị có một biệt danh là H21. Ngoài tiền, thực ra chị cũng còn một lý do khác: “Người Đức đã giữ của tôi ở Berlin nhiều bộ lông thú giá trị. Tôi phải tìm cách lấy lại chúng”.

Trong tám tháng làm gián điệp “thời vụ” này, chị bị theo dõi từng ngày qua việc đọc và phân tích (bằng hóa chất) các tin tức chị viết, qua việc nghe các buổi chị nói chuyện qua điện thoại. Nhưng tình báo Pháp không thu được gì chính xác ngoài sưu tập các tình nhân của chị hay các cuộc tình chốc lát.

Những bí ẩn

Nếu số phận là sự gặp gỡ của môi trường và cá tính thì định mệnh của Mata Hari là một ví dụ sinh động. “Tôi thích các sỹ quan-chị thổ lộ như thế trong một buổi hỏi cung-Suốt đời, tôi thích họ. Tôi ưng là người tình của một sỹ quan nghèo hơn là của một chủ nhà băng giầu. Ham muốn lớn nhất của tôi là được ngủ với các sỹ quan mà không nghĩ đến tiền…”.

Chính ham mê này khiến chị bị nghi ngờ. Một trong những tình nhân của chị, Jack de Beaufort, người Hà Lan gốc Mỹ, tự giới thiệu là đại tá quân đội Bỉ, liền bị cảnh sát Pháp coi là một “phần tử khả nghi”. Sau khi gặp anh ta, trở lại Pháp Mata Hari liền bị các nhân viên phản gián Pháp theo dõi.

Việc tóm con “bôtsờ (boche – người Đức, gọi một cách khinh bỉ) được tung hô như một chiến thắng. Mata Hari bị coi là một tình báo viên Đức đáng sợ nhất. Người ta quy cho chị đủ tội. Thậm chí cả tội thích thú tắm bằng sữa ngay trong tù, khi trẻ em không có sữa ăn!

Bốn tháng sau, ngày 24/7, vụ Mata Hari được đưa ra xét xử giữa cơn khủng hoảng nội các và dân tộc chủ nghĩa. Thực ra số phận của chị đã được định đoạt từ trước. Sau hai ngày xét xử và mười phút thảo luận, tòa tuyên phạt chị án tử hình, với tội “làm tình báo và liên hệ mật với kẻ thù!”…

Bản án vừa được công bố, một cơn bão giai thoại về chị đã bùng nổ ở Paris, nào là Mata Hari đã trao cho quân “boche” (Đức) các kế hoạch phòng thủ vùng Champgne, nào chị đã đem mời khách ở Gallieni những hạt dẻ tẩm độc ướp lạnh, nào chị chủ mưu giết chết hàng ngàn người…

Một quan tòa không ngần ngại viết: “Tôi dựa vào những tài liệu tôi có trong tay, vào những lời thú tội của con gián điệp bẩn thỉu này để khẳng định rằng nó đã ra lệnh giết có lẽ đến năm mươi ngàn con trẻ của chúng ta, không kể những người trên các tầu bị chìm vì trúng ngư lôi Đức chắc chắn do chỉ điểm của H21. Hơn nữa, cần nhớ rằng H21 thực tế là một tình nhân của một hoàng thân Đức”…

Linh hồn của huyền thoại

“Tôi mặc coócxê được chứ?”, Mata Hari hỏi, gần như thư thái. Chị còn yêu cầu tấm áo cánh khoác bên ngoài  coócxê và “Cái khăn đẹp để kia, trên tấm ván”.

Chị quỳ dưới chân cha đạo, và tiếp tục chải đầu trong khi cha rửa tội cho mình. Chị bận áo dài rồi đi giày, xỏ tiếp tay vào găng, và đội mũ lên đầu. ở phòng lục sự của nhà tù, chị viết ba bức thư: cho con gái, cho chồng chưa cưới, cho bạn trai ở Quai d’Orsay.

Ở trường bắn Vincennes hình lục lăng, đội tử hình mười hai người thuộc trung đoàn 4 bộ binh Algérie chống súng đứng chờ. Một đội danh dự đang đứng nghiêm. Khi xuống xe ôtô, Mata Hari khinh khỉnh nhìn đám quân lính từ chiều cao 1,75m của chị. Chị qua các đám lính hình vuông, vịn vào cánh tay bà xơ và đi về phía cột xử tử.

“Ồ không! – chị kêu lên và đẩy người lính muốn bịt mắt chị – Tôi muốn nhìn thẳng cái chết!”. Thân bị buộc, chị giơ bàn tay gửi một cái hôn gió tới các quan chức, đăm đắm nhìn vào mắt xơ Léonide, và thét lên “cảm ơn ông” với viên sĩ quan giơ kiếm lên để ra lệnh.

Chỉ ba viên đạn tiếp cận mục tiêu. Một trong số này xuyên qua tim. Bị buộc không chặt, Mata Hari như ngồi thụp xuống rồi ngã chuồi ra chân cột. Một hạ sĩ quan tiến đến, bắnphát kết liễu cày nát mặt chị. Lúc ấy là 6h15’ ngày 15/10/1917. Vài giờ sau, xác chị được giao cho cơ quan y tế Paris, và sau khi bị “mổ xẻ”, được đem ném xuống huyệt chung…

Bị lợi dụng, lăng nhục, vu khống mà chết được như thế thì kể cũng lạ! Cái chết còn rung động các thế hệ mỗi khi biết đến cuộc đời đau khổ của chị. Jean – Pax Méfret, đồng hương của Mata Hari làm việc ở Cục lưu trữ chống gián điệp, Hà Lan.

Anh đã phải lần theo dấu vết của chị, kiên nhẫn và khôn khéo truy tìm bằng chứng và tài liệu, sàng lọc vô vàn thông tin trái chiều, quyết tìm ra sự thật. Hướng dẫn và nâng đỡ anh trên bao chặng đường gian nan và nguy hiểm ấy là niềm tin rằng Mata Hari không phải người xấu, rằng chị cũng chỉ là một quả chanh dùng xong thì vứt đi.

Anh nhất quyết lên đường đi tìm chân lý, sau khi nhận ra nhiều phi lý quanh vụ Mata Hari trên báo chí Pháp và Hà Lan thời bấy giờ. Nếu không có anh, không biết đến bao giờ, sự thật mới được sáng tỏ, bởi vì hồ sơ vụ Mata Hari vẫn được coi là “tuyệt mật”, đến năm 2017 mới được công khai!…

Một người nữa có công trong việc tìm ra sự thật là ông San Wagenaar, người đã viết quyển tiểu sử của chị được dịch ra mười lăm thứ tiếng. Chuyện này xảy ra trước cuộc “phiêu lưu” của Jean-Pax Méfret gần mười năm.

Cũng trong gần mười năm ấy, người ta đã đúc cho Mata Hari một bức tượng đồng. Bức tượng nhỏ rất đẹp này đã được dựng trên một cây cầu bắc ngang con sông đào ở Leeuwarden, thành phố quê hương của chị.

Cần nhớ rằng bấy giờ, bức tượng vẫn phải “giữ bí mật”. ở thành phố quê hương chị, Mata Hari vẫn luôn luôn là một con người đáng yêu thương trân trọng, chứ không đáng bị phỉ nhổ như ở xứ người.

Dân chúng Paris  truyền tụng ngay rằng chị hoàn toàn vô tội, một lẽ đơn giản là phần lớn quan tòa là tình nhân lén lút hay công khai của chị. Sau bước mở đầu của Jean-Pax Méfret, nhiều nhà nghiên cứu đi sâu hơn và sự thật nhức nhối đã bị phơi bày.

Hóa ra, năm 1917, dân chúng đã quá mệt mỏi, ngoài chiến trường, bất kỳ chuyện không đâu nào cũng khiến binh lính nổi loạn, ở hậu phương, nạn đói và tang tóc khiến mỗi người đều muốn phát điên.

Chính phủ Pháp phải tìm những biện pháp trấn an. Một trong những biện pháp đó là màn kịch những kẻ phản bội. – Chính vì những kẻ này mà chiến thắng đến chậm – và Mata Hari được chọn là một tên tội phạm lý tưởng.

Như vậy không phải ngẫu nhiên, chỉ hai năm sau khi qua đời, chị đã đi vào sân khấu và điện ảnh và suốt từ bấy đến giờ, chị liên tục hiện hình qua Asta Nielson (1920), Gréta Garbo và Marlene Dietrich (1931), Jeanne Moreau (1964), Louis Martini (1966), Sylvia Kristel (1985), Shanna Mc Cullough (1989), Maruchka Detmers (2005). Hiện, Hãng HBO Hoa Kỳ đang làm một phim về chị với sự thủ vai của nữ diễn viên nổi tiếng Cate Blanchett.

Có thể nói đã xuất hiện một nền văn học Mata Hari với những bộ sách gần đây nhất như Mata Hari-Người phụ nữ bị hy sinh (2000), Mata Hari-Chuyện thực (2003) Mata Hari vô tội (2004). Những tình nhân của Mata Hari (2005)...

Ngày hôm nay, với Bảo tàng Mata Hari, Leeuwarden là một địa chỉ du lịch hấp dẫn của Hà Lan. Mata Hari trở thành một niềm kiêu hãnh của đất nước này và của phái đẹp, của mọi người…

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn kiểm tra công tác Đoàn và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tại Lào Cai
Trung ương Đoàn kiểm tra công tác Đoàn và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè tại Lào Cai
TPO - Ngày 24/6, đoàn công tác của Trung ương Đoàn, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam do anh Nguyễn Kim Quy - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam làm trưởng đoàn đã triển khai kiểm tra công tác Đoàn và Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè 2024 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Cổ phiếu lớn sang tay nghìn tỷ
Cổ phiếu lớn sang tay nghìn tỷ
TPO - Chỉ sau 1 tiếng mở cửa phiên giao dịch đầu tuần (24/6), thị trường đột ngột điều chỉnh mạnh và đà giảm tiếp tục nới rộng. VN-Index đóng cửa ở mức 1.254 điểm, tương ứng giảm gần 28 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong hơn 2 tháng trở lại đây.