> 'Hoàng Sa của An Nam là không tranh cãi'
Giải pháp hòa bình
Theo Th.s Hoàng Việt (Giảng viên ĐH Luật TPHCM), chuyên gia nghiên cứu biển Đông, Việt Nam có chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa từ khi chúng chưa thuộc về bất cứ quốc gia nào và liên tục, thực sự thực hiện chủ quyền với danh nghĩa Nhà nước mà qua lịch sử mấy trăm năm không hề có một quốc gia nào lên tiếng phản đối. Dư luận quốc tế cũng mặc nhiên công nhận điều này. “Quần đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ rất lâu, và bị Trung Quốc chiếm một phần phía đông (Nhóm An Vĩnh) năm 1956, còn phần phía tây (Nhóm Trăng Khuyết) cũng bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm năm 1974. Hành động dùng vũ lực như vậy là trái tinh thần của Điều 33 Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như Nghị quyết 2625 của Liên Hợp Quốc, và như vậy, mặc dù đã chiếm đóng từ năm 1974, Trung Quốc vẫn không thể có chủ quyền hợp pháp đối với Hoàng Sa”, Th.s Hoàng Việt nói.
Cũng theo Th.s Việt, biện pháp đàm phán hòa bình là cách tốt nhất hiện nay để lấy lại Hoàng Sa. Đầu tiên, cả hai nước có thể tạm gác vấn đề chủ quyền trên Hoàng Sa để hợp tác cùng nhau phát triển, bảo tồn cũng như khai thác tài nguyên tại vùng tranh chấp này. Biện pháp này đang gặp trở ngại lớn khi toàn bộ Hoàng Sa đang nằm trong sự kiểm soát của Trung Quốc. Th.s Việt phân tích, biện pháp này hơi khó, vì thế, nếu bất đắc dĩ có thể đưa ra một tòa án quốc tế nào đó, hoặc tòa án trọng tài quốc tế để phân xử. Tuy nhiên điều khó khăn nhất đối với phương án này là mặc dù Trung Quốc luôn khẳng định mình có rất nhiều bằng chứng lịch sử và pháp lý cho chủ quyền đối với Hoàng Sa, nhưng họ lại luôn từ chối việc nhờ phân xử tại tòa.
Th.S Hoàng Việt Ảnh: Nguyễn Huy. |
Việc lấy lại chủ quyền trên Hoàng Sa không thể một sớm, một chiều, nhưng chúng ta phải luôn nhắc nhở mọi thế hệ về chủ quyền quốc gia mà ông cha ta đã xác lập tại vùng lãnh thổ này. Để lấy lại được Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình, nên xây dựng những chiến lược về giáo dục, xây dựng đội ngũ nghiên cứu mạnh mẽ, về mọi mặt, đặc biệt là công pháp quốc tế để có thể giới thiệu cho nhân dân toàn thế giới biết về sự thật lịch sử về chủ quyền của chúng ta đối với Hoàng Sa, qua đó có thể nhận được sự hỗ trợ trên toàn thế giới.
Công dân Hoàng Sa
Trụ sở UBND huyện đảo Hoàng Sa đặt tại TP Đà Nẵng. Ở đó, hai người đúng danh chính ngôn thuận là công dân huyện đảo Hoàng Sa: ông Đặng Công Ngữ - Chủ tịch UBND và ông Lê Phú Nguyện – Chánh văn phòng UBND huyện đảo Hoàng Sa. Trụ sở chưa bảng hiệu, chỉ là một phòng nhỏ trưng bày nằm trong Sở Nội vụ Đà Nẵng.
Công việc của GĐ Sở Nội vụ đã bù đầu, lại kiêm nhiệm thêm lãnh đạo huyện Hoàng Sa, ông Ngữ hầu như chẳng còn thời gian để tiếp khách. Riêng việc chuẩn bị cho cuốn Kỷ yếu Hoàng Sa sắp ra mắt công chúng mà ông làm chủ biên đã mất 2 năm trời dày công nghiên cứu, đọc tài liệu, rồi cùng anh em lăn lê bò toài ra mà làm. Tất cả đều phải đọc lại sử liệu, thu thập chứng cứ, đọc nát sách, rồi tìm kiếm nhân chứng… Phải đảm bảo không sai một chữ, không lẫn lộn một dấu chấm phẩy, bởi đây là câu chuyện hệ trọng quốc gia.
Chánh văn phòng huyện Lê Phú Nguyện là cán bộ Đoàn, từng tốt nghiệp ĐH Sử nên rất hiểu về Hoàng Sa. Anh tìm hiểu tài liệu, dày công nghiên cứu Hoàng Sa từ hồi còn học đại học. Như một cơ duyên, khi ông Ngữ làm Chủ tịch huyện thì anh cũng được đề bạt làm Chánh văn phòng.
Vừa làm công tác Đoàn của Sở, vừa kiêm thêm Chánh văn phòng Hoàng Sa, những ngày làm cuốn kỷ yếu, hầu như Ban thanh niên Sở Nội vụ luôn phải căng sức. Chẳng phải là công việc quá tầm hay nặng nhọc, nhưng bởi hai chữ trách nhiệm lớn lao về một Hoàng Sa luôn đau đáu nên ai cũng gắng hết sức mình. Từ việc sưu tầm, đọc tài liệu, tìm đến thỉnh giáo các nhà nghiên cứu, tìm và gặp gỡ nhân chứng, tổ chức trưng bày hiện vật…, tất cả đều phải chính xác. Trong lần triển lãm trưng bày các kỷ vật Hoàng Sa, nhiều lãnh đạo cũng như nhân dân, đặc biệt các bạn trẻ đã để lại những lưu bút xúc động. Ông Ngữ lần giở những bút thư tâm huyết, kể với tôi rằng, ngoài bằng chứng pháp lý mà chúng ta có được bấy lâu nay thì niềm tin về một ngày nào đó, Hoàng Sa trở về với đất mẹ đến từ những tâm thư này.
Bia chủ quyền trên đảo Hoàng Sa do người Pháp dựng năm 1938 (Hàng chữ trên bia: CH Pháp - Vương quốc An Nam đảo Hoàng Sa năm 1816-1938 (năm 1816 là năm vua Gia Long thực hiện chủ quyền của VN đối với các đảo Hoàng Sa) Ảnh: T.L. |
Một bức thư ngắn, của một cô gái có tên Tạ Thị Bình gửi đến Chủ tịch huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ: “Hoàng Sa là huyện đảo của Đà Nẵng, là một phần lãnh thổ không thể chia cắt, tách rời của chúng ta. Tôi, bạn cũng như tất cả những người con Việt Nam hãy đấu tranh để thực hiện cho bằng được điều đó”.
Th.s Trần Văn Quyến (Giảng viên ĐH Phú Xuân, Huế), chuyên nghiên cứu Hoàng Sa: Tăng cường giới thiệu Hoàng Sa đến với người trẻ Mới đây việc phát hiện sách giáo khoa Khải đồng thuyết ước, dạy trẻ vỡ lòng từ thời Tự Đức về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa, cho thấy ý thức về chủ quyền đối với các quần đảo này liên tục được các thế hệ cha ông chú trọng giữ gìn. Thực tế, trong nhiều bộ sách giáo khoa, chương trình giảng dạy hiện nay, vấn đề dạy chủ quyền chưa được nhấn mạnh thành các bài, chương riêng cho học sinh, sinh viên. Nhiều bạn trẻ ngày nay vẫn còn thiếu các kênh thông tin chính thống để tiếp cận các vấn đề về Hoàng Sa, Trường Sa. Do đó, việc tổ chức các giờ giảng dạy chủ quyền, sinh hoạt ngoại liên quan đến biển đảo là vấn đề thiết thực vừa nâng cao hiểu biết, ý thức chủ quyền vừa có định hướng đúng đắn cho giới trẻ trước thực tiễn cuộc sống. |