Hoàng Sa, một thời chưa xa...

Hoàng Sa, một thời chưa xa...
TP - Đòi lại chủ quyền Hoàng Sa bằng giải pháp hòa bình như lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc hội, là đối sách mang tính nhân văn quốc tế và tinh thần hòa hiếu của dân tộc.

"Hoàng Sa của An Nam là không tranh cãi"
> Khẳng định chủ quyền trên Biển Đông

Ý chí đó thể hiện ở mọi người Việt Nam yêu nước. Từ những người lính Hoàng Sa thời Quốc trưởng Bảo Đại, những người lính Sài Gòn giữ đảo thời Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) tới những nhân viên khí tượng, xây dựng công trình dân sinh trên đảo mà PV tiếp xúc, tất cả đều đau đáu về Hoàng Sa, đất đai của tổ tiên. Phóng viên Tiền Phong đã tìm gặp họ - những nhân chứng sống một thời - để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về một phần máu thịt, chủ quyền của Tổ quốc, nơi nhiều thế hệ Việt bao đời đã gìn giữ và xác lập.

Bình minh Hoàng Sa trên tàu Cảnh sát Biển Việt Nam Ảnh trong bài: Nguyễn Huy - Nam Cường
Bình minh Hoàng Sa trên tàu Cảnh sát Biển Việt Nam Ảnh trong bài: Nguyễn Huy - Nam Cường.

Kỳ 1: Quyết giữ chủ quyền

Tháng 1-1974, Trung Quốc tăng cường các hoạt động xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ý thức bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam luôn được quyết tâm giữ gìn.

Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Văn Cúc (60 tuổi, trú tổ 11, Phước Mỹ, Sơn Trà, TP Đà Nẵng), thuộc đơn vị công binh kiến tạo thuộc quân đội VNCH, người có mặt trên đảo Hoàng Sa ngày xảy ra hải chiến. Đây là lần thứ 3 Trung sĩ Cúc ra đảo. Kết thúc công việc lấy mẫu đất, khảo sát để xây dựng sân bay, ngày 18-1-1974, trung sĩ Cúc lên tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ - 16 để chuẩn bị vào đất liền. Chưa kịp xuất phát, tàu bất ngờ đụng tàu chiến Trung Quốc đang cố tình vây ráp, xâm chiếm đảo.

Cuộc đấu đại bác

Ông Cúc kể, từ sáng 18-1, tàu hai bên liên tục ép nhau trên biển. Ông cùng 4 thành viên trong đơn vị công binh kiến tạo được đưa xuống boong tàu. Mỗi lần ép nhau, chiếc tàu nghiêng mạnh, rồi rồ máy phóng nhanh phía trước để đánh lại chiến hạm Trung Quốc. Mãi đến chiều tối, chiến hạm Trung Quốc mới chịu rút ra phía ngoài quần đảo. Ông Cúc được đưa lại đảo trung tâm. Cả đêm, không khí chiến sự mỗi lúc một căng thẳng. Qua ống nhòm, lực lượng trên đảo phát hiện nhiều đốm sáng của hải quân Trung Quốc đang tìm cách tiến sâu vào quần đảo Hoàng Sa. Lúc này các chiến hạm hải quân VNCH được tăng cường yểm trợ. Hộ tống hạm Nhật tảo HQ – 10 và khu trục hạm Trần Khánh Dư HQ - 4, HQ - 5 sẵn sàng chuẩn bị các tình huống đối phó.

“Trời vừa hửng sáng, chúng tôi lấy ống nhòm quét qua khu vực đảo phía Tây. Đây là một bãi cát, bình thường mọi người vẫn dùng bo bo ra để nhặt trứng chim về ăn. Nhưng giờ đã thấy vài tốp lính cùng cờ Trung Quốc xuất hiện. Một số tàu chiến của hải quân Trung Quốc tiến sâu vào đảo trung tâm, phía bắc đảo hàng trăm quân Trung Quốc ồ ạt từ thuyền đổ bộ vào đảo”, ông Cúc kể.

Ngoài biển, tuần dương hạm Lý Thường Kiệt HQ-16 và hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 đang tiến về rìa tây nam đảo, theo sau là bốn tàu chiến Trung Quốc đang tiến vào đội hình của ta. Tình hình căng thẳng. Khoảng 8g30, một loạt đạn đại liên và cối 82 của Trung Quốc đã khai hỏa mở màn trận hải chiến, bắn vào đội hình người nhái Việt Nam đang áp sát đảo.

Đúng 10g20, bốn chiến hạm HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16 đồng loạt nổ súng. Chiến hạm HQ-4 vừa lánh đạn vừa vững vàng đáp trả hành động công kích của Trung Quốc. Lúc này, HQ-5 áp lại yểm trợ HQ-4, bắn loạt đạn về phía tàu Trung Quốc, khiến một chiếc trúng đạn bốc cháy. Tàu HQ- 5 dính loạt đạn từ đối phương, một ụ tháp đại bác bị hỏng.

Sơ đồ hải chiến Hoàng Sa 1974 do ông Rê sưu tầm
Sơ đồ hải chiến Hoàng Sa 1974 do ông Rê sưu tầm .

Ông Cúc nhớ lại: Từ vị trí đảo nhìn rõ nhất tàu HQ-10 bị hai tàu Trung Quốc rượt đuổi. Sau vài cột sóng từ các đợt công kích, đài chỉ huy HQ-10 dính đạn bốc cháy. Chỉ trong vòng chưa đầy chục phút, con tàu chìm nghỉm giữa biển nước. Các tài liệu ông Cúc thu thập được ghi lại cuộc hải chiến cho thấy hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ trên đài chỉ huy tàu HQ-10 đều bị tử thương và bị thương rất nặng. HQ-5 bị dính đạn, nghiêng mạn tàu 15 độ. Trên biển HQ-4 chống trả đơn lẻ. Để bảo toàn lực lượng, các chiến hạm được lệnh trực chỉ rút về Đà Nẵng.

“Hơn 30 phút giao tranh, hải chiến kết thúc. Do chênh lệch lực lượng quá lớn, các chiến hạm VNCH phải rút vào phía đất liền. Nhìn Hoàng Sa từng bước rơi vào tay đối phương, chúng tôi chỉ biết ôm nhau khóc nức”, ông Cúc bồi hồi.

Máu, nước mắt hòa biển khơi

Chiều 19-1-1974, Thiếu tá Lê Đình Rê, thuyền trưởng tàu QV 9708 (thuộc căn cứ chuyển vận Đà Nẵng) nhận lệnh tức tốc điều tàu ra cứu hộ các tàu bị nạn sau hải chiến. Trung tướng Ngô Quảng Trưởng, Bộ Tư lệnh hải quân vùng I trực tiếp xuống tàu ra lệnh. Đúng 21 giờ cùng ngày, thuyền trưởng Rê cùng một tàu kéo Hải vận (thương cảng Đà Nẵng) nhổ neo trực chỉ phía Hoàng Sa làm nhiệm vụ.

Hơn 60 tuổi, ông Rê (đường Núi Thành, Hải Châu, TP. Đà Nẵng) hiện là nhân chứng duy nhất trên tàu cứu hộ đang sinh sống tại Đà Nẵng, rành rọt về ngày nhận nhiệm vụ quan trọng của mình: Tàu QV 9708 đạp sóng hơn 6 tiếng đồng hồ tiếp cận chiến hạm HQ-4 trên đường vào đất liền, vài tiếng sau, ông Rê gặp HQ–5, gần trưa tiếp tục tiếp cận chiếc HQ–16. Các tàu đều bị dính đạn pháo, nghiêng mạn được tàu cứu hộ, quân vận lai dắt hộ tống vào bờ an toàn.

Ông Rê bộc bạch: Không ít lần cứu hộ tàu gặp nạn do thiên tai, chiến trận nhưng lần gặp các anh em sau trận hải chiến là ký ức khó quên. Nhiều người bị thương, kiệt sức nhưng chẳng ai lo cho bản thân ngoài nỗi buồn bị mất Hoàng Sa vào tay đối phương.

Ông Rê trên con tàu cứu hộ năm 1974
Ông Rê trên con tàu cứu hộ năm 1974 .

Ông Phan Ngọc Chung (khu phố 5, phường Minh An, TP.Hội An, Quảng Nam), lúc đó là lính truyền tin của quân đội Sài Gòn được điều động ra tiếp cứu Hoàng Sa ngay sau trận hải chiến, không cầm nước mắt nhìn Hoàng Sa bị xâm chiếm. Ông Chung kể: chiến hạm vừa tiếp cận đảo đã bị 4 máy bay MIG của Trung Quốc truy đuổi. Đối phương hung hãn dùng hỏa pháo tấn công, chiến hạm ông Chung nhiều lần dạt về trú tránh tại khu vực Lý Sơn (Quảng Ngãi). Khi có điều kiện, cả tàu tức tốc tìm đường quay lại Hoàng Sa để cứu hộ, vớt thi thể lính bị chìm. “Hoàng Sa đã bị chiếm. Cả vùng biển đượm màu tang tóc, bi tráng. Mọi người trên tàu nín lặng, thầm khóc vĩnh biệt những người lính ở lại cùng Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ-10 bị đánh chìm” - ông Chung nói.

Ông Cúc kể lại sự kiện hải chiến Hoàng Sa 1974
Ông Cúc kể lại sự kiện hải chiến Hoàng Sa 1974 .

Là nhân chứng trực tiếp trên đảo, ông Cúc nhớ rõ: Tối 19-1-1974, Trung Quốc rút quân khỏi khu vực đảo trung tâm. Nhưng tờ mờ sáng hôm sau, tàu chiến Trung Quốc dàn trận, tiếp tục vây đánh Hoàng Sa. Trên đảo chỉ còn một số lính thông tin, đơn vị kiến tạo và chừng hơn 20 binh lính thuộc trung đội giữ đảo. Đối phương nã từng loạt đạn uy hiếp. Không thể chống trả, mọi người tìm cách lui về phía sau, nấp trong các hầm (lô cốt) do lính Pháp xây dựng. Trung Quốc đổ bộ lên đảo, chiếm đóng và bắt sống toàn bộ lính giữ đảo. Ông Cúc và hơn 30 đồng đội bị địch đưa lên tàu về đảo Hải Nam, tới trạm thu dung tù binh Quảng Châu.

Ông Cúc tâm sự: “Hơn 1 tháng bị giam giữ, chúng tôi được đưa qua Hồng Kông và bàn giao, trả tự do về nước. Nhiều anh em phải mất hơn 3 tháng mới được thả. Khi bay ngang qua Hoàng Sa, nhìn lại hòn đảo nơi mình công tác, làm việc, cả nhóm lại rưng rưng xúc động. Một nỗi buồn trào dâng cùng nước mắt, cảm nhận sự mất mát cái gì rất đỗi thiêng liêng, máu thịt”

Ngay sau hải chiến Hoàng Sa, không khí phản đối hành động xâm chiếm Trung Quốc lan rộng. Theo các tài liệu ông Rê sưu tầm, ngày 19 - 1- 1974, chính quyền Sài Gòn đã ra tuyên cáo về việc Trung Quốc “xâm lăng trắng trợn bằng quân sự” và tái khẳng định về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa; ngày 26-1-1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng đã ra tuyên bố phản đối hành động xâm chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc và công bố lập trường “về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Việt Nam”…

(Còn nữa)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.