> Những biên đội tàu cá Hoàng Sa, Trường Sa
> 'Sói biển' lại ra Hoàng Sa
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến chuẩn bị ra Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường. |
1 - Hai thuyền trưởng nổi tiếng ở Đà Nẵng đã giải nghệ, một già một trẻ ngày ngày vẫn thơ thẩn ở của biển Xuân Hà, dõi mắt ra khơi xa, hồi tưởng tháng ngày oanh liệt, đạp trên sóng bạc Hoàng Sa. Già - ông Nguyễn Văn Trọng (Xuân Hà - nguyên thuyền trưởng tàu ĐNa 90449) vẫn còn oai phong quắc thước. Trẻ - anh Đỗ Văn Xin đã tứ tuần còn cuồn cuộn cơ bắp. Hai số phận khác nhau, nhưng chiều chiều cùng nhìn về một hướng.
Khi giải nghệ, ông Trọng ngót nghét 30 năm làm thuyền trưởng, quãng thời gian đủ để ông thuộc lòng từng mét nước Hoàng Sa. Ông kể rằng, 30 năm làm chỉ huy trên thuyền, số lần quyết định sai lầm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hồi đó, bằng thuyền trưởng, tài công là điều xa xỉ, nhưng lời ông nói ai nấy răm rắp nghe theo. Biển dữ dội khôn lường, nhưng kinh nghiệm sóng gió của ông luôn biến nguy thành an.
Con trai ông Trọng không nối nghiệp cha, thì đã có hai chàng rể phát triển cơ nghiệp nhạc phụ để lại. Trong đó, Hồ Ngọc Thạnh (tự Phước) được xem như một Mai Phụng Lưu của Đà Nẵng. Dù không giống sói biển Lý Sơn về số lần bị Trung Quốc bắt vào đảo, nhưng độ gan lỳ, dũng cảm thì Phước cũng chả thua kém anh Lưu.
Năm 2010, sau thời gian dài làm ăn thất bát, Phước đổi chiến thuật, cùng bạn tàu là hai thuyền trưởng Lê Văn Dũng và Nguyễn Xuân Dũng chuyển sang phương án đánh nhanh thắng nhanh. Mỗi chuyến ra khơi chỉ độ 10 - 15 ngày, siêng năng, kinh nghiệm tìm luồng cá cộng với may mắn, mấy tháng gần đây, tàu ĐNa 90449 liên tiếp trúng đậm.
Phước kể rằng, thời gian nghỉ giữa hai chuyến độ 4 ngày, tào lao nhậu nhẹt rồi chuẩn bị ngư lưới cụ, như thế là cả năm và cũng có thể gần như cả đời, chén cơm anh cùng ngư dân bưng lên luôn dập dềnh giữa đại dương bao la.
“Bạn thuyền có thể nghỉ lên bờ tìm việc khác, nhưng với mình, khi đã là thuyền trưởng tức là nắm vận mệnh con tàu, mọi thành bại đều do mình quyết định. Có thể nói, mỗi lời nói, hành động của mình đều gắn với đói no, tiếng cười hay nỗi buồn của cả tàu. Tất nhiên, công sức là của tập thể, nhưng khi không may, vẫn thấy, lỗi của mình rất lớn” - Phước tâm sự.
Thuyền trưởng Đỗ Văn Xin trong nỗi nhớ biển khơi. |
Không được giải nghệ bình an như ông Trọng, thuyền trưởng Đỗ Văn Xin - một trong những anh hùng trong bão Chanchu (2006) phải bán tàu trả nợ trong sự ấm ức. Từng được lên sóng VTV ở ghế ngồi Người đương thời, kể về sự can trường của đời thuyền trưởng trên sóng biển, giờ đây công việc chính của anh Xin là nuôi gà và thơ thẩn trên biển, ngóng Hoàng Sa.
Với biệt danh “Xin nhà quê”, tàu ĐNa 90152 của anh một thời từng là niềm mơ ước đi bạn của nhiều lao động Đà Nẵng, Quảng Nam. Đội siêu tàu câu mực xà Hoàng Sa tan tác, “Xin nhà quê” cũng bán tàu, kết thúc 40 năm lênh đênh trên biển, trong đó có 30 năm đeo băng thuyền trưởng ở Hoàng Sa.
Cứ chiều tà lại ra ngóng biển, “Xin nhà quê” tâm sự, không phải bởi biển bạc, cũng không mong lợi nhuận, mà buồn bởi đã lâu rồi, anh không được nếm vị mặn nước Hoàng Sa, không còn được đứng trên mũi tàu, la hét anh em chuẩn bị thúng, đồ câu, không còn được ngả nghiêng, bưng những chén cơm có khi chan đầy nước biển. Mặn, nhưng đầy hào sảng và nghĩa tình…
“Xin nhà quê” đã gần 50, ở nhà nuôi gà, uống bia khiến da trắng ra đôi chút, nhưng cơ bắp vẫn cuồn cuộn như ngày nào. Dòng máu thuyền trưởng vẫn chảy dạt dào, bởi trong tâm can “Xin nhà quê”, anh luôn mong một ngày trở lại Hoàng Sa, trong vai trò thuyền trưởng…
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến: Gần cả cuộc đời sau bánh lái tàu. |
2 - Nhà báo Nguyễn Minh Sơn (Báo SGTT) sau chuyến đi Lý Sơn vừa rồi, canh cánh một nỗi niềm với tôi, rằng anh lo nhất là chuyến trở lại Hoàng Sa của sói biển Mai Phụng Lưu liệu có gì bất trắc, bởi báo chí quân mình quá thật thà, đưa luôn cả ngày giờ xuất phát, số hiệu tàu của anh Lưu lên báo.
Đã từ lâu, sói biển như một biểu tượng của sự quật cường, không cam chịu trước chèn ép mà phía Trung Quốc tạo ra cho ngư dân Việt trên biển Đông. Hoàng Sa thiên la địa võng giăng giăng, liệu anh Lưu, người thông thuộc biển khơi, người thuyền trưởng can trường có thoát được kiếp nạn thứ 5 luôn chực chờ rình rập?
Cũng chung tâm trạng, nhưng tôi tin rằng, dù có bao nhiêu kiếp nạn đang rình rập, sói biển vẫn quyết không gục ngã. Trên con tàu QNg 66478 hồi đó, nếu Mai Phụng Lưu là thuyền trưởng, là người quyết định số phận của con tàu thì lão ngư Nguyễn Đảng có thể coi là quân sư số 1. Sức khỏe phi thường, kinh nghiệm biển khơi dạn dày giúp ông luôn có những sáng kiến đưa về sự sống cho cả tàu.
Mai Phụng Lưu ngay lúc đó, tâm sự rằng, tàu anh có 2 thuyền trưởng, anh và ông Đảng. Chỉ có 2 con sói biển đó mới có thể đưa QNg 66478 vượt qua bão tố kinh hoàng 5 ngày đêm liên tiếp. Tiếc rằng, giờ đây linh hồn và thân xác lão ngư Nguyễn Đảng đã mãi mãi nằm lại với Hoàng Sa.
Một điều kỳ lạ là dù liên tiếp bị Trung Quốc bắt, tịch thu tàu, nhưng cứ mỗi lần ra khơi, lao động Lý Sơn lại nài nỉ theo tàu anh Lưu. Chuyến này, anh chỉ đưa người nhà, bà con đi theo, có vẻ như anh đã cảm nhận được hơi nóng ở Hoàng Sa chăng?
Ngày sói biển Mai Phụng Lưu xuất hành, đông đảo người thân, chính quyền đi tiễn. Còn tôi lại liên lạc với một số phận khác, cũng là thuyền trưởng Hoàng Sa giờ đây đang chiến đấu với bệnh tật: Tiêu Viết Là. Bốn lần bị Trung Quốc bắt và đánh đập, thuyền trưởng Là đã chính thức bỏ biển bởi không còn sức lên tàu.
“Mỗi người một số phận, số tui thế phải chấp nhận. Cả đời lênh đênh trên biển, giờ nằm bẹp ở nhà nhớ nghề vô cùng. Nhưng sức không còn để làm thuyền trưởng thì đi làm gì” - Ông Là rưng rưng. Cái chức danh thuyền trưởng ông chẳng ham hố gì, nhưng nó cứ như một sức mạnh vô hình, để ông đứng trên mũi thuyền, chỉ huy anh em đạp sóng thẳng tiến Hoàng Sa.
3 - Đại úy Biên phòng Đà Nẵng Hà Thị Phượng kể rằng, mỗi lần chị hát cho ngư dân nghe qua ICOM, nhiều thuyền trưởng hưởng ứng hát theo. Điều bất ngờ là họ có giọng hát rất hay, ngọt ngào, đặc biệt là những bài hát về biển, tình yêu…
Thuyền trưởng Lê Văn Chiến (Xuân Hà, tàu ĐNa 90351) với bài Thuyền và biển được mệnh danh là giọng ca sát thủ. Ít ai ngờ được, trong vóc dáng to lớn, đen sạm nắng gió kia lại là một tâm hồn đầy lãng mạn. Cũng vì phiêu lưu lãng mạn, nên anh Chiến và tàu ĐNa 90351 luôn đi đầu, chỉ huy những đội tàu tiên phong bảo vệ, gìn giữ chủ quyền trên biển.
“Tui quan niệm, dù mình có là chủ tàu nhưng cảm thấy không đủ tư chất thuyền trưởng thì nhường ngay. Đời thuyền trưởng lênh đênh năm tháng giữa trùng khơi, hạnh phúc nhất là những đêm trăng, nằm ngả mình bên mạn thuyền, giữa anh em lao động. Thấy trăng như chao đảo theo nhịp lắc lư sóng biển. Mỗi lần như thế, chưa bao giờ thấy Hoàng Sa đẹp nhường ấy” - anh Chiến tâm sự ngày ra khơi.
Sóng dữ và hiểm nguy từ những toan tính đang khiến tàu xa bờ miền Trung hao hụt dần ở vùng biển Hoàng Sa. Nhưng vẫn còn đó hàng trăm con tàu đạp sóng thẳng tiến vùng biển này. Trên mỗi con tàu, trái tim thuyền trưởng luôn hừng hực cháy với sự can trường và lòng quyết tâm bám biển. Họ chưa bao giờ run sợ !