'Sói biển' lại ra Hoàng Sa

'Sói biển' lại ra Hoàng Sa
TP - Sói biển Mai Phụng Lưu từ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) gọi điện cho tôi, nói như hét vào máy: “Đã làm thủ tục thế chấp nhà. Anh sắp mua được tàu, chuẩn bị ra Hoàng Sa rồi!”. Chị Đợi vợ anh giằng lấy máy, giọng trầm buồn: “Tui lo hơn mừng chú à”...

300 triệu đồng để 'sói biển' Mai Phụng Lưu bám biển
> Tháng rưỡi mỏi mòn và hải trình thần tốc

'Sói biển' Mai Phụng Lưu những ngày mất tàu phải đi giăng lưới ven bờ
'Sói biển' Mai Phụng Lưu những ngày mất tàu phải đi giăng lưới ven bờ.

Hơn nửa năm đi bạn (làm thuê cho chủ tàu), làm biển ven bờ, lặn hải sâm ở Trường Sa có vẻ như đã lấy đi ít nhiều khí chất của một sói biển lừng danh. Nhưng nỗi nhớ Hoàng Sa trong anh Lưu vẫn còn nguyên vẹn. Lần này, được ngân hàng cho vay ưu đãi, anh Lưu cùng mấy con như được sổ lồng, quyết tâm làm lại từ đầu, ra bám trụ Hoàng Sa như thời trước, thời đỉnh cao của anh, mỗi chuyến biển thu về vài trăm triệu đồng.

Anh Lưu tâm sự, được hỗ trợ vay tiền mua tàu mới (tàu trước bị xiết nợ), sẽ lại ra Hoàng Sa, không đi bất kỳ nơi nào khác.

"Làm chi cũng được, tui chấp nhận hết, miễn là được ra Hoàng Sa"

Bốn lần bị phía Trung Quốc bắt, 4 lần khánh kiệt, gia đình ly tán, bản thân bị đánh đập tàn nhẫn nhưng tất cả không thể bẻ gãy ý chí vươn khơi, bám biển Hoàng Sa của anh. Câu chuyện giữa tôi và anh bị ngắt quãng bởi giọng trầm buồn của chị Đợi: “Được vay 300 triệu đồng, một năm 45 triệu tiền lãi...

Họ cho vay ưu đãi, tui cũng mừng, nhưng với khoản nợ này, trước mắt cả nhà vẫn lâm vào cảnh khó. Anh Lưu nói, mong ước của cả nhà anh sắp thành hiện thực, nhưng giờ đến cuối năm là quãng thời gian biển động, đi chuyến nào hòa vốn chuyến đó nên cũng rất khó khăn để trả nợ”. “Họ đã làm thủ tục thế chấp nhà cho tui rồi. Sổ đỏ cũng cầm rồi, căn nhà đó đáng giá 300 triệu mà giờ họ còn muốn có giấy tờ đăng kiểm tàu” - anh Lưu nói.

Khi vào Bình Định để nhận quyết định là ngư dân được hỗ trợ ra khơi, toàn bộ số tiền 30 triệu đồng trong chuyến lặn hải sâm ở Trường Sa đợt trước phải huy động để rút sổ đỏ từ Ngân hàng NN&PTNT. Dù sắp mua được tàu, anh Lưu vẫn lo lắng với số tiền hơn trăm triệu đồng cho chuyến biển đầu tiên của năm 2011 với tư cách thuyền trưởng. “Làm chi cũng được, tui chấp nhận hết, miễn là được ra Hoàng Sa”, anh nói chắc nịch.

Cả đời ngóng đợi chồng con

Chị Phạm Thị Đợi được nhiều người biết đến sau vụ tàu cảnh sát biển 6006 giải cứu 9 ngư dân bị kẹt ở Hoàng Sa trở về hồi tháng 10 năm ngoái. Lần đó, giữa thanh thiên bạch nhật, ngay tại cảng Dung Quất, chị không ngại ngần trao cho chồng, sói biển Mai Phụng Lưu, một cái hôn. Hình ảnh đó chạy trên trang bìa nhiều tờ báo ra ngày hôm sau.

Sau này, chị Đợi ngại ngùng: “Thiệt là ngại lắm, vẫn biết vợ chồng tình cảm, nhưng có hồi mô hun hít giữa đám đông vậy đâu. Chắc lúc đó mừng quá, quên hết mọi người xung quanh”.

Chị xin được đính chính: “Tên tui là Đợi, trong chứng minh thư cũng như tên gọi ngoài đời, tên Lan là hồi nhỏ thôi, giờ không ai dùng nữa”. Cái tên Đợi dường như đã vận vào cuộc đời người đàn bà này, gần cả đời đợi chồng con...

Đầu bạc ngóng đợi đầu xanh
Đầu bạc ngóng đợi đầu xanh.

Ngày tôi ra Lý Sơn thăm gia đình chị, sói biển vẫn đang lênh đênh ở Trường Sa lặn bắt hải sâm. Chồng đi biển, hai cô con gái vào Sài Gòn làm thuê, chỉ còn mình chị với vườn ngô, đồng tỏi. Vật dụng có giá trong nhà đã bán hết, chỉ còn một chiếc chiếu mỏng dùng để… cho khách ngồi.

Vẫn đôi mắt buồn buồn thường nhật, chị Đợi kể: “Vợ chồng thằng Hải và con Huệ (Mai Thị Huệ, con gái thứ) về bên nội nó rồi. Đứa con gái thứ ba lưu lạc vào Nam giúp việc, còn lại đi biển cả.

Anh Lưu thì lúc nào cũng đi biền biệt. Một mình tui ở nhà thôi”. Bởi ở nhà một mình, nên ngoài việc trồng tỏi, bẻ ngô, công việc chính của chị Đợi hằng ngày là tiếp khách… đòi nợ. Cuốn sổ ghi nợ bằng tập vở học sinh của gia đình bây giờ chi chít.

Chị cười khổ sở: “Năm nay ghi 2 cuốn vở thế này rồi, công xá thợ thuyền, rồi nợ nần của những chuyến biển, ôi thôi hoa cả mắt”.

Tính sơ sơ, giờ đây nhà chị Đợi nợ ngân hàng khoảng 40 triệu đồng, nợ ngoài hơn 150 triệu đồng. Khi chưa bị bắt, tịch thu tàu, những khoản nợ đó có thể trả được, nhưng giờ thì bó tay rồi. May mà bà con thương tình, kẻ giúp qua người giúp lại, không tính lãi, chứ nếu đà này, còn cái nhà e cũng bán nốt để trả, chị nói. Một điều an ủi với chị là vụ tỏi vừa rồi không mất mùa, bán được gần 50 triệu đồng nên cũng trả bớt nợ ngân hàng.

Chị Đợi trồng tỏi, bẻ ngô nuôi sống cả gia đình
Chị Đợi trồng tỏi, bẻ ngô nuôi sống cả gia đình .

Mỗi lần bị tịch thu tàu ở Hoàng Sa là mỗi lần gia đình khánh kiệt. Lần gần đây nhất, khi mang được xác tàu về cũng là lúc chủ nợ đến xiết. “Họ không tin ảnh nữa, họ nói ảnh làm gì mà bị bắt hoài, không thanh toán được nợ nần. Họ viết giấy thu tàu, buộc lòng ảnh phải vô Bình Châu đi bạn. Mấy lần nói ảnh ở nhà mà đâu được”, chị Đợi kể.

Sói biển Mai Phụng Lưu vốn quen với cuộc sống quẫy đạp tung hoành ở đại dương, hễ về nhà bó gối mấy ngày là như người mất hồn.

Chị Đợi nói: “Ảnh vô tư lắm, mà đàn ông đi biển xứ này vậy hết à. Chỉ biết có đi biển thôi, có để ý gì nữa đâu”. Hồi xây nhà, hầu như một tay chị quán xuyến. “Nhà xây xong, ảnh lại đang ở Hoàng Sa, độ nửa tháng sau thì về. Ngả lưng xuống nền gạch bông, cười khà khà, nói má mi cũng được hè” - chị Đợi nhớ lại.

Chị Đợi chờ chồng
Chị Đợi chờ chồng .

Câu chuyện đang vui, bỗng chị Đợi rơi nước mắt, khi tôi vô tình nhắc đến cô con gái tên Huệ. Khi cha bị bắt, Huệ lưu lạc vào Sài Gòn làm thuê.

Thời gian đó, cô mang thai đứa con gái đầu lòng. Ngày cha và chồng trở về, niềm vui khôn tả chưa dứt thì ám ảnh cuộc sống khó khăn phơi bày trước mắt. Hải, chồng cô, dự định tiếp tục ra khơi, nhưng không ngờ bất hạnh lại liên tiếp giáng xuống đầu đôi vợ chồng trẻ. Lao tâm và lao lực, Huệ sinh con thiếu tháng, chỉ giữ được đứa bé sơ sinh trong vài giờ. Anh Lưu đang ở biển vẫn vô tư điện Icom hỏi han cháu ngoại thế nào.

Buổi chiều trước ngày lên thuyền rời đảo, giông tố nổi lên, mây che mặt trời, chỉ le lói đúng một sợi nắng chiếu xuống tượng đài Hải đội Hoàng Sa. Những người vợ, người mẹ như chị Đợi vẫn đứng bên bờ biển, cạnh tượng đài hùng binh uy nghi ngóng đợi chồng con trở về.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
TPO - Vài năm lại đây, Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Việt đã chọn cỗ chay thay vì mâm cỗ mặn truyền thống, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa dinh dưỡng, thanh lọc cơ thể đồng thời tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người băn khoăn liệu cúng chay có trái với văn hoá tâm linh người Việt và làm giảm đi sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, gia tiên?