Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cùng đoàn công tác thăm người dân trên đảo. |
Đi quanh đảo, trèo lên ngọn hải đăng cao vút để nhìn ngắm đảo từ trên cao nhiều người thốt lên: Thiên đường là đây chứ đâu! Được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa”, Đảo Trường Sa hay còn gọi là Trường Sa Lớn là trung tâm hành chính của huyện đảo Trường Sa - tỉnh Khánh Hòa.
Gần cột mốc chủ quyền, uy nghi đền thờ Bác Hồ, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, chùa Trường Sa. Đường băng sân bay trực thăng trở thành quảng trường rộng lớn cho cán bộ chiến sỹ và cư dân đảo.
Khắp đảo là một màu xanh của rất nhiều loại cây, trong đó có những cây bàng quả vuông nổi tiếng; có cây chuối, ớt, lá mơ trắng, đu đủ và các loại rau xanh, rau gia vị. Trên đảo còn có giếng nước ngọt. Gia súc gia cầm cũng rất phong phú. Đàn chó hàng trăm con và rất nhiều gà, vịt, ngan, ngỗng.
Đón vợ lên Trường Sa Lớn. |
Nuôi lợn trên đảo đã trở thành chuyện thường nhưng mang lợn rừng bằng máy bay và nuôi lợn rừng trên đảo đã làm cho cánh phóng viên chúng tôi sửng sốt, cả buổi trưa cứ đi theo mấy chú lợn rừng đang ủi đất để… chụp hình.
Cây xanh có, rau xanh có, nước ngọt có, điện đài, ti vi, sách báo, sân bóng chuyền, bóng đá, bàn bi- a… Bữa cơm chiến sỹ liên tục được đổi món bằng nguồn cá dồi dào từ biển. Bữa này cá kìm, bữa kia cá mú, cá măng, cá tráp, sang hơn là tôm hùm… rồi lại quay về thịt gà, thịt lợn. Ngày mưa dầm, có khi lính đảo lại được chén món khoái khẩu: thịt chó. Đời sống vật chất, tinh thần ngày càng được nâng cao đã giúp cán bộ chiến sỹ yên tâm công tác, các hộ dân trên đảo bảo đảm cuộc sống, tích cực tăng gia sản xuất…
Cũng như nhiều người vợ khác, cô giáo Vũ Thị Minh Hằng, Trường THCS Khai Thái- Phú Xuyên - Hà Nội vượt mấy ngàn cây số ra Trường Sa thăm chồng giờ đã toại nguyện. Vợ chồng chị đang líu ríu bên nhau cùng nấu món canh cá măng chua, thịt ngan nấu giả cầy, rau cải mầm trộn giá đỗ. Tất cả đều là những món ăn của đảo.
Tôi hỏi, cảm giác của chị bây giờ thế nào, chị không nói, chỉ cười bẽn lẽn, nép vào vai chồng. Chồng chị, anh Vũ Văn Thanh- Phân đội trưởng Pháo phòng không 37 của đảo Trường Sa Lớn cũng chỉ nhìn vợ cười cười. Tôi biết mình đã hỏi một câu thừa.
Binh nhất Ngô Sĩ Nam nói: “Bộ đội mà, có gì sợ đâu!”. |
Trò chuyện với binh nhất Ngô Sỹ Nam pháo thủ Pháo phòng không 37 sinh năm 1989 đã ra đảo được 5 tháng nay về những lo lắng của người đất liền hướng về Trường Sa khi gần đây tàu nước ngoài hay quấy nhiễu ngư dân, liệu có dám quấy đảo? Nam cười, răng trắng lóa: Anh đừng lo lắng gì. Mọi tình huống chúng em đều sẵn sàng. Bộ đội mà, có gì sợ đâu!
Thượng tá Nguyễn Hữu Lục - Đảo trưởng kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: Toàn đảo duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng đóng quân trên đảo, bảo đảm quan sát, phát hiện, xử trí và báo cáo kịp thời các mục tiêu trên không, trên biển. Tích cực luyện tập thuần thục các phương án chiến đấu.
Chúng tôi tạm chia tay Trường Sa Lớn, một số thân nhân cán bộ chiến sỹ ở lại trên đảo. Trước khi đi, có tình huống lạ xảy ra khi một cán bộ của đảo có vợ ra thăm, được bố trí một phòng khách để ở. Chìa khóa anh đã cầm trong tay từ chập tối. Vợ anh đã đứng bên cạnh nhưng không làm cách nào mở được… cửa phòng.
Hý hoáy đến sứt cả tay vẫn không mở được, anh đành tìm nhân viên quản lý nhà khách để… cầu cứu. Cuối cùng cửa phòng hạnh phúc đã được mở. Những người biết chuyện đều siết chặt tay, mừng cho anh kèm theo vài lời trêu đùa kiểu lính.
22 giờ ngày 5-6, tàu HQ 996 tiếp tục hành trình.
Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió bão. Nhiều năm qua, ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam…mỗi khi ra khơi đánh bắt cá gặp giông bão hoặc khi đau ốm đều tìm đến đây như một điểm trú chân an toàn. Ngư dân được cấp cứu, điều trị khi đau ốm; được tiếp nhận nước ngọt, lương thực, thực phẩm, rau xanh… |
Đỗ Sơn (từ Trường Sa)