Người mẹ anh hùng sống qua ba thế kỷ

Mẹ Viết vẫn tự đi lại được
Mẹ Viết vẫn tự đi lại được
TP - Tháng 9-2009, cụ bà Gertrude Baines người Mỹ qua đời ở tuổi 115. Cụ bà Kama Chien, người Nhật Bản 114 tuổi sau đó được công nhận là người cao tuổi nhất thế giới còn sống. Nhưng trong vùng Đồng Tháp Mười của Long An có một bà mẹ Việt Nam Anh hùng có 7 con là liệt sĩ, đang sống tới 119 tuổi.

Mẹ Trần Thị Viết sống giữa vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười, chỉ cách quê nhà 80 km, vậy mà một thế kỷ trôi qua, chưa một lần mẹ có dịp về lại.

Mẹ Viết vẫn tự đi lại được
Mẹ Viết vẫn tự đi lại được.

Dòng máu anh hùng

Chúng tôi xuống đò qua sông Vàm Cỏ Tây, rồi đi tiếp khoảng 11 km đường đồng đến ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây. Thêm một lần nữa xuống xuồng đi thêm độ mươi phút thì đến nơi trũng nhất của Đồng Tháp Mười.

Đồng Tháp Mười không cần lũ về vẫn mênh mông trời nước, lau sậy bời bời. Anh bạn “thổ địa” xứ Vĩnh Hưng (Long An) chỉ tay bảo: ngôi nhà gạch trên gò đất cao cao giữa đồng nước là nhà Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Viết đó. Mẹ là người sống lâu đến mức nhiều người nghĩ: diêm Vương đã bỏ lọt sổ sinh tử.

Kỳ lạ làm sao, mẹ vẫn còn minh mẫn, nhớ rất nhiều chuyện. Chỉ hai chân là yếu đi nhiều so với năm trước đây. Mẹ lần tay vịn men theo bộ ván chập chững dăm bước như một đứa bé tập đi. Mẹ sống cùng vợ chồng cháu nội là anh Nguyễn Văn Bình.

Nhẩm tính sơ sơ đàn cháu con, chắt, chít của mẹ Viết (4-5 đời) đã lên tới 450 người.

Mẹ kể: Cụ ông Nguyễn Văn Dành chồng mẹ tuổi Tý (năm 1888), là con của một gia đình nghĩa binh tham gia kháng Pháp thời Cần Vương, quê ở miền Trung, để tránh sự truy lùng của quân Pháp đã dạt vào Đồng Tháp Mười sống ẩn dật. Mẹ Trần Thị Viết tuổi Thìn (sinh năm 1892) nhỏ hơn chồng 4 tuổi.

Vì phải tránh sự tầm nã của Pháp nên cụ Dành chưa bao giờ bước chân ra khỏi xứ Đồng Tháp Mười và cũng không có loại giấy tờ tùy thân nào, cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt.

Ngày xưa hai cụ lấy nhau do có người làm mai mối, ở quê mẹ- vùng Thạnh Lợi- Bến Lức (Long An). Không cưới hỏi gì hết, chung cảnh nghèo, lang bạt, trọng nghĩa khí, là mẹ chèo đò suốt ba ngày vô thẳng Đồng Tháp Mười theo chồng, chấp nhận ngày mai ra sao cũng mặc.

Mẹ Viết sinh 10 con (8 trai, 2 gái) giữa Đồng Tháp Mười mênh mông nước nổi. Có sống trong vùng lũ mới hiểu đồng thời cám cảnh về sự thích ứng với tự nhiên của con người. Nước lên cất nhà sàn lên cao. Mẹ Viết sinh hai người con “trên ngọn tràm” trong mùa lũ. “Rắn bò lúc nhúc, quặt quẹo” cả ngọn cây, người ngủ chung, sống chung với rắn, chuột trong mùa lũ là chuyện thường.

Dường như dòng máu anh hùng của nghĩa quân được truyền đời, nên các con của mẹ đều nghe lời kêu gọi kháng chiến của Bác Hồ tiếp nối nhau lên đường đánh giặc cứu nước.

Người con thứ tư Nguyễn Văn Yến bị giặc bắt sau một vụ ám sát không thành. Bọn giặc chuẩn bị đưa anh lên máy chém theo Luật 10-59 của Ngô Đình Diệm. Mẹ Viết nguyện ăn chay niệm Phật nếu con thoát chết. Không biết có thấu đến Phật Trời hay không, mà anh Yến cùng đồng đội bẻ song sắt, cởi xiềng xích trốn ra ngoài trước ngày lên máy chém. Năm 1966, chồng mẹ Viết- cụ Nguyễn Văn Dành qua đời. Một mình mẹ chống chèo nuôi cháu, lo cho các con.

Mẹ Viết xuống tóc quy y ở chùa Thanh Lập (quận Mỹ An, tỉnh Kiến Phong, nay là Đồng Tháp), với pháp danh Diệu Mãnh. Hung tin lại bay đến cửa chùa dồn dập. Người con thứ bảy rồi thứ chín lần lượt ngã xuống ở chiến trường xa.

Một sáng mùa thu, lũ giặc ập đến cửa chùa bắt mẹ dẫn đi vì có con theo Việt cộng, vượt ngục. Chúng giam cầm, đánh đập mẹ nhưng không khai thác được gì, cũng không thể bắt mẹ “chiêu hồi” gọi các con từ bỏ con đường chính nghĩa cách mạng. Chúng đành thả mẹ ra.

Mẹ Viết quay trở lại Đồng Tháp Mười sống với con cháu và đồng nước nổi mênh mông, heo hút bóng người. Năm 1972, anh con trai thứ mười Nguyễn Văn An đã ngã xuống tại chiến trường Đồng Tháp Mười.

Sau ngày miền Nam giải phóng, trong dòng người xuôi ngược, người ta thấy có bà cụ ngoài tuổi 80 hàng ngày vẫn âm thầm lần theo địa chỉ báo tử để tìm mộ các con đã hy sinh rồi lần lượt đưa về nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Hưng.

Cách đây khoảng ba năm, khi đã 115 tuổi, lần đầu tiên mẹ đi khám bệnh ở Bệnh viện Đa khoa huyện Vĩnh Hưng. Khi ấy, đột nhiên mẹ không đứng dậy được, xương cốt như rệu rã hết. Cháu cố chở mẹ đi bệnh viện, bác sĩ nói xương của mẹ bị mục hết, về nhà nằm chờ chết thôi!

Về nhà, mấy tháng sau chợt mẹ thấy khỏe trong người, rồi bước xuống võng đi lại bình thường đến nay.

Người cao tuổi nhất Việt Nam

Giấy tờ mà mẹ còn giữ để xác nhận năm sinh 1892 là giấy căn cước số 019443 do chính quyền Ngô Đình Diệm cấp năm 1962 và giấy chứng nhận Phật tử do Giáo hội Phật giáo VN Thống nhất cấp năm 1970.

Mẹ Viết chỉ nhớ mình tuổi Thìn, sinh năm Nhâm Thìn, còn năm bao nhiêu thì mẹ không biết. Hồi mẹ khoảng trên 30 tuổi, chính quyền tỉnh Kiến Phong có cấp cho một giấy tùy thân dựa vào giấy khai sinh mẹ có.

Hiện mẹ Viết còn con gái khoảng 76 tuổi, đang sống ở huyện Mộc Hóa, Long An. Mẹ cho biết, mẹ là con thứ bảy trong gia đình có 9 anh chị em. Các anh chị em của mẹ ai cũng sống thọ, có người mất lúc 113 tuổi.

Theo ông Phạm Văn Trấn - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Long An, Tổ chức Guinness Việt Nam đã có đủ cơ sở công nhận bà mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Viết, ngụ ấp Cả Gừa, xã Tuyên Bình Tây, huyện Vĩnh Hưng (Long An) là người cao tuổi nhất Việt Nam.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những anh trai được cứu
Những anh trai được cứu
TPO - Bằng cách này hay cách khác, tất cả nghệ sĩ tham gia 2 show Anh trai đều được hưởng lợi. Có người được tận hưởng trở lại hào quang sau giai đoạn dài mất hút. Nhiều nghệ sĩ đã bứt lên phủ sóng mạng xã hội.