Không còn là thành viên HĐQT nhưng vẫn phạm tội?
Mở màn cho phiên bào chữa buổi sáng, luật sư Phùng Anh Tuấn (bào chữa cho bị cáo Lê Vũ Kỳ) cho rằng, thân chủ của mình không phạm tội ở hành vi đầu tư cổ phiếu.
Trên thực tế, cơ quan điều tra cũng như viện kiểm sát hoàn toàn không chứng minh được thiệt hại xảy ra. “Việc thông qua chủ trương đầu tư cổ phiếu không có bất cứ văn bản cấm cụ thể nào điều chỉnh, do vậy, đề nghị tòa tuyên bố bị cáo Lê Vũ Kỳ vô tội” – luật sư Tuấn đề nghị.
Trong phần bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Cang, cựu Phó Chủ tịch HĐQT ACB, luật sư Kiều Vũ Thị Uyên khẳng định, ông Cang không có bất kỳ hành vi nào liên quan việc mua bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, mà bị cáo này chỉ đồng ý về mặt chủ trương. Ở hành vi ủy thác tiền gửi, “dù đúng, dù sai cũng không thuộc trách nhiệm của ông Cang” – luật sư Uyên khẳng định.
Theo luật sư Uyên, ông Cang đã có đơn từ nhiệm trong HĐQT của ACB. Thực tế sau ngày 1/1/2011, ông Cang đã không được mời họp hay phát biểu ý kiến về các cuộc họp của ACB.
Hơn nữa, ACB cũng đã xác nhận (ông Trần Xuân Giá đã có văn bản thể hiện nội dung này khi làm việc với luật sư) ông Cang không còn là thành viên trong HĐQT của ACB.
Luật sư Kiều Vũ Thị Uyên
Xét về yếu tố đồng phạm, khi đã thừa nhận ông Cang không còn là “người của ACB”, đương nhiên không thể truy tố bị cáo này khi các thành viên khác của HĐQT phạm tội, nếu có.
Bổ sung ý kiến bào chữa trên, luật sư Nguyễn Minh Tâm (cùng bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Cang) phân tích, trong lịch sử, ông Cang từng được đình chỉ điều tra, với một số lý do...
Sau hồi bào chữa của 4 luật sư cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên, thẩm phán Nguyễn Hữu Chính (chủ tọa phiên tòa) tóm tắt: “Cả 4 luật sư đều cho rằng, việc truy tố 4 tội danh đối với bị cáo Kiên là không đúng”.
ACB bị ép nhận nguyên đơn dân sự?
Luật sư Trương Thanh Đức (bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho ACB) phân tích, liên quan khoản tiền 718 tỷ, ACB vẫn đang yêu cầu Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) phải bồi hoàn.
Nói đến tư cách “nguyên đơn dân sự” trong vụ án, luật sư này cũng cho rằng, nhất thiết phải có thiệt hại và có đơn yêu cầu. “Trong khi họ (ACB) không có thiệt hại, không có đơn đề nghị, nhưng cứ ép người ta vào chiếc "ghế" đó là không hợp lý. Bởi đó là quyền, chứ không phải nghĩa vụ”.
“Khoản tiền hơn 668 tỷ, ACB không yêu cầu ai bồi thường, nhưng cơ quan chức năng vẫn ép ACB có thiệt hại và ai đó phải trả là không đúng đắn” – luật sư Đức phân tích.
Liên quan số tiền 718 tỷ đồng từ việc ủy thác tiền gửi, luật sư Đức khẳng định, phía ACB không sai: “Việc chưa có văn bản hướng dẫn mà khép tội là không đúng pháp luật”. Luật sư Đức tiếp tục khẳng định, Vietinbank phải trả ACB, bởi số tiền đó đã vào hệ thống của Vietinbank, và đó là số tiền gửi hợp pháp cho cả 2 bên.
Cũng theo ông Đức, Huỳnh Thị Huyền Như hay bất cứ ai khác của Vietinbank chỉ là người nhận tiền “đầu vào” cho ngân hàng của mình. “Giao dịch thật, tiền gửi thật, chữ ký thật, con dấu thật… nên đó là những bản hợp đồng hợp pháp. Việc gửi tiền vào Vietinbank không sai, không sơ hở để tạo điều kiện cho Huyền Như phạm tội” – vị luật sư của ACB nhấn mạnh. Theo luật sư Đức, chính những sai phạm từ nhân viên và Vietinbank là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc thất thoát hơn 718 tỷ đồng của ACB...