Sáng nay 8/12, trước khi bước vào phần tranh tụng trong vụ xét xử phúc thẩm bị cáo Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, đại diện Viện KSND Tối cao đã nêu quan điểm của mình về hành vi của các bị cáo.
Theo đại diện cơ quan công tố, quy định tại Nghị định của Chính phủ cũng như tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước cho thấy, việc hoạt động mua bán cổ phần, cổ phiếu, kinh doanh vàng trạng thái là hoạt động kinh doanh tài chính có mã ngành, buộc phải đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, 5 doanh nghiệp do Nguyễn Đức Kiên thành lập không đăng ký là trái với điều 9 luật Doanh nghiệp. “Do đó, bản sơ thẩm kết tội Nguyễn Đức Kiên là không oan”, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nói.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên tại phiên phúc thẩm - Ảnh: Thái Sơn.
Đối với tội trốn thuế, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, có đủ căn cứ để kết luận Nguyễn Đức Kiên đã trốn thuế 25 tỉ đồng, nên không có căn cứ xem xét kháng cáo của bị cáo.
Cũng theo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt 264 tỉ đồng của Công ty TNHH Một thành viên Hòa Phát, bị cáo Nguyễn Đức Kiên là người trực tiếp chỉ đạo thực hiện, sau khi nhận tiền, bên mua không nhận được cổ phần, cho đến khi bị bắt. Số cổ phần được bán đang bị thế chấp cho ngân hàng nhưng bị cáo Kiên không thông báo cho đối tác, đồng thời bên nhận thế chấp cũng không đồng ý giải chấp.
“Do vậy, bản án sơ thẩm kết tội Nguyễn Đức Kiên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là có căn cứ, đúng người đúng tội, đúng pháp luật”, đại điện Cơ quan công tố nói.
Tương tự, về tội “cố ý làm trái quy định Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng”, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nhận định: “Án sơ thẩm quy kết các bị cáo là có cơ sở và không oan”.
“Qua xem xét toàn bộ nội dung vụ án, yêu cầu của bị đơn dân sự, lời khai của những người liên quan tại phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận Nguyễn Đức Kiên và các bị cáo đồng phạm đã phạm các tội danh như án sơ thẩm, không có cơ sở để xem xét nội dung kháng cáo của các bị cáo”, đại diện Viện Kiểm sát nói, đồng thời cho rằng, đối với đơn xin giảm án của một số bị cáo, tòa sơ thẩm đã ấn định mức án trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và tại phiên tòa này, các bị cáo không đưa ra được tình tiết gì mới. Do đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị y án sơ thẩm đối với các bị cáo.
Tại phiên sơ thẩm từ ngày 20/5 - 9/6/2014, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Kiên 20 tháng tù về tội kinh doanh trái phép; 6 năm 6 tháng tù về tội trốn thuế; 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Đức Kiên cho cả 4 tội danh là 30 năm tù. Đồng thời, áp dụng hình phạt bổ sung 75 tỉ đồng, cấm đảm nhiệm các chức vụ trong ngân hàng trong thời hạn 5 năm đối với bị cáo này.
Các bị cáo đồng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” gồm: Lý Xuân Hải, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng ACB bị tuyên án 8 năm tù giam; Phạm Trung Cang, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB bị tuyên án 3 năm tù giam; Trịnh Kim Quang, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB bị tuyên án 4 năm tù giam; Lê Vũ Kỳ, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB bị tuyên án 5 năm tù giam; Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng ACB bị tuyên án 2 năm tù giam.
Sau đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân Tối cao tại phiên xử sáng nay, tòa chuyển sang phần tranh tụng.
Theo Thái Sơn