Những 'sát thủ' bỗng dưng… tâm thần

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, không ít bị cáo bỗng nhiên...tâm thần, giở trò ăn vạ tại tòa
Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, không ít bị cáo bỗng nhiên...tâm thần, giở trò ăn vạ tại tòa
TPO – Lợi dụng những kẽ hở của pháp luật, không ít đối tượng sau khi bị bắt, thậm chí ra trước vành móng ngựa bất ngờ xuất trình giấy chứng nhận tâm thần nhằm trốn tránh trách nhiệm, được miễn xử lý hình sự.

> Bệnh án tâm thần, mua là có
> Ra tòa mới... tâm thần

Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, không ít bị cáo bỗng nhiên...tâm thần, giở trò ăn vạ tại tòa
Lợi dụng kẽ hở của pháp luật, không ít bị cáo bỗng nhiên...tâm thần, giở trò ăn vạ tại tòa.
 

Điều 13, Bộ luật Hình sự quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Lợi dụng điều khoản này, nhiều đối tượng sau khi gây án đã giả vờ bị bệnh tâm thần hoặc "chạy" giấy tờ bị bệnh nhằm trốn tránh trách nhiệm, được miễn xử lý hình sự.

Đặng Trần Hoài ăn vạ tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: T.N
Đặng Trần Hoài ăn vạ tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: T.N.
 

“Hiếp chị, giết em”, bỗng nhiên..."cháu đau đầu quá!"

Ngày 25-10, TAND TP Hà Nội mở phiên xử sơ thẩm vụ án giết người, hiếp dâm, cướp tài sản xảy ra vào ngày 29-7 tại thôn Triều Đông (xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội).

Trong suốt phiên tòa, sát thủ cuồng dâm Đặng Trần Hoài (SN 1986, trú tại tổ dân phố Đoàn Kế, phường Dương Nội, quận Hà Đông, Hà Nội) không ngừng kêu la, khóc lóc thảm thiết.

Nghe đại diện VKS công bố hành vi dã man của bị cáo, gây đau đớn, thương tích 53% cho cô con gái lớn, vợ chồng anh Khuất Văn Hiền dựa vào nhau đau đớn đến lặng người.

Hoài bị buộc tội đã giết người có tính côn đồ, man rợ, nạn nhân là trẻ em. Sau khoảng 30 phút, VKS mới công bố xong bản cáo trạng buộc tội Hoài. Tuy nhiên sau khi nghe cáo trạng, Hoài tỏ thái độ không hợp tác khi liên tục gục xuống vành móng ngựa và nói: "Bị cáo mệt, bị cáo đau đầu, bị cáo xin nghỉ".

Chủ tọa cho rằng, khi mới tới, Hoài rất khỏe mạnh, hỏi về căn cước đáp rất rõ ràng. Chủ tọa đã hỏi lại một đại diện của trại tam giam về sức khỏe của Hoài. Cảnh sát cho biết, từ trước tới ngày ra tòa, Hoài hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện đau ốm.

Mặc dù được luật sư của mình động viên, khuyên nhủ nếu bị cáo không hợp tác khai báo là tự tước bỏ quyền bào chữa của mình, sẽ không có lợi cho bị cáo nhưng Hoài vẫn một mực kêu do chấn động ở đầu nên không nhớ rõ về vụ án.

Trước hành vi bất hợp tác và ngoan cố của bị cáo, chủ tọa đã công bố lời khai tại cơ quan điều tra trước sự chứng kiến của luật sư Lê Anh Thơm - luật sư của Hoài. Tại bút lục này, Hoài nhận mọi hành vi của mình trước cơ quan điều tra như cáo trạng đã buộc tội.

Đánh giá về tâm lý của Hoài, công tố viên cho rằng “chẳng có biểu hiện gì”, bởi khi hành vi đồi bại bị phát hiện anh ta còn biết xấu hổ lấy áo che thân.

Cho rằng Hoài không có tình tiết giảm nhẹ nào, đại diện VKS đề nghi phạt bị cáo án tử hình về tội Hiếp dâm và Giết người; 3-4 năm tù do Cướp tài sản. Trong lúc này, Hoài được các cảnh sát sốc nách và giữ cho không gục xuống.

Ngày mai (16-1), phiên tòa phúc thẩm xét xử Đặng Trần Hoài sẽ diễn ra. Dư luận đang rất quan tâm không biết Hoài sẽ còn giở tuyệt chiêu gì nữa không?

Bị truy tố giết người, bỗng dưng cũng… tâm thần

TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử vụ án giết người đối với bị cáo Đỗ Xuân Tiến (SN 1981, ở quận Ba Đình) cùng đồng phạm.

Theo cáo trạng, năm 2002, anh Đinh Xuân Thuỵ (SN 1981, ở quận Ba Đình) kết hôn với chị Hảo (ở quận Cầu Giấy). Đến năm 2006, hai người chia tay sau khi có một con chung.

Sau đó, chị Hảo có quan hệ với Tiến. Thấy chị Hảo và chồng cũ xích mích chuyện nuôi dạy con cái, Tiến nhắn tin cho anh Thuỵ đe doạ, dẫn đến việc hai bên hẹn nhau giải quyết. Hậu quả, anh Thuỵ bị nhóm bên Tiến chém tử vong.

Trong phiên xử ngày 24-9-2012, khi HĐXX vừa bắt đầu thực hiện phần thủ tục, một tình huống khá hi hữu đã xảy ra, bị cáo Trần Văn Hiền (SN 1992, ở huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình – nhóm bị cáo truy tố về tội Giết người, với tình tiết: Có tính chất con đồ) bỗng dưng được người nhà xuất trình giấy chứng nhận tâm thần.

Ngay lập tức, HĐXX phải dừng toà, hội ý. Toà nhận định, việc bị cáo Hiền có tâm thần hay không, trong hồ sơ vụ án không có bất cứ bút lúc nào thể hiện điều này. Chính vì vậy, do phát sinh tình huống mới, Toà buộc phải trả hồ sơ cho cơ quan công tố để điều tra, làm rõ.

Vụ án tạm đình chỉ vì sát thủ nhí tâm thần

Gia đình anh chị Nguyễn Ngọc Cường (Thuận Thành, Bắc Ninh), sinh được 2 người con là cháu Nguyễn Ngọc Định và Nguyễn Ngọc Tường (11 tuổi, đang học lớp 5 tại huyện Thuận Thành, Bắc Ninh). Bị Dương Đình Sơn (hàng xóm) ăn trộm máy tính của Định không chịu trả nên hai đứa trẻ xảy ra mâu thuẫn.

Sáng sớm ngày 26-2-2010, khi bé Tường đi ngang qua cửa nhà Sơn đã bị bạn hàng xóm kéo phắt vào trong nhà tắm, dùng dẻ nhét vào miệng, dùng khăn che mắt và dùng dao cứa vào cổ, rạch mặt đâm vào mắt Tường.

Được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Việt Đức và viện Mắt Trung Ương, rất may Tường chưa đứt động mạch ở cổ nên vẫn sống sót một cách diệu kì. Tuy nhiên, với nhiều vết thương trên người cùng nỗi sợ hãi khiến Tường từ một đứa trẻ thông minh hiếu động trở nên lầm lì ít nói và 'ngơ ngác' hơn.

Sáu tháng sau ngày định mệnh ấy, gia đình anh Cường nhận được tin rằng Sơn được gia đình đưa đi khám bệnh tại bệnh viện Tâm thần và... bỗng dưng bị bệnh nên Sơn chỉ bị cơ quan Công an huyện Thuận Thành khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi "cố ý gây thương tích" thay vì hành vi "giết người". Vụ án tạm đình chỉ bởi hung thủ bị bệnh tâm thần, cần được điều trị.

Hiếp, giết, phi tang xác nạn nhân cũng... tâm thần

Khoảng 20h30 ngày 27-10-2011, người dân phát hiện một xác chết tại giếng nước của gia đình bà Đỗ Thị Thắng, ở xóm Lâm Trường, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn, Hòa Bình. Ngay lập tức, Công an huyện Lương Sơn đã cử tổ công tác xuống hiện trường nắm tình hình.

Qua xác minh ban đầu nạn nhân là bà Đỗ Thị Thắng (SN 1955). Bà Thắng chết trong tư thế bị trói chân, trói tay quặt về phía sau. Sau nhiều ngày điều tra, các điều tra viên tạm giữ đối tượng Bùi Văn Toán (SN 1968), trú tại xóm Lâm Trường, xã Trường Sơn, huyện Lương Sơn là hàng xóm với nhà bà Thắng.

Biết không thể che giấu, Toán đã phải khai nhận tội ác. Khoảng 18h45 ngày 25-10 Toán phát hiện bà Thắng đang ở nhà một mình y đã lẻn sang hãm hiếp nhưng đã bị bà Thắng cự lại. Thực hiện hành vi đồi bại không được Toán đã dùng vũ lực cưỡng hiếp rồi sau đó dùng hai tay bóp cổ bà Thắng đến bất tỉnh. Không dừng lại ở hành vi man rợ, Toán đã vào bếp nhà bà Thắng lấy dao rạch, xé áo bà Thắng để trói tay, cởi quần của bà Thắng rồi trói chân ném nạn nhân xuống giếng nước cạnh nhà, rồi thản nhiên đậy nắp giếng lại, bỏ đi.

Trong những lần gây án này gia đình đã phát hiện gã có dấu hiệu bất thường nên gia đình đã đề nghị cơ quan chức năng đưa Toán đi giám định và phát hiện Toán có bệnh tâm thần và yêu cầu Toán đi điều trị bắt buộc ở huyện Thường Tín, Hà Nội. Sau khi điều trị ba tháng ở bệnh viện, Toán phải "ngồi" thêm 4 tháng trong tù thì được trả tự do.

Giết người, tự cứa vảo cổ giả tâm thần nhằm trốn tội

Vào ngày 11-4-2011, tại thôn An Tân, Gia Tân, Gia Lộc, Hải Dương đối tượng là Chu Hải Trọng (SN 1955), do mâu thuẫn nảy sinh từ lâu đã dùng dao chém ông Bùi Trọng Trường là trưởng thôn An Tân gây thương tích.

Sau khi gây án, sợ phải ngồi tù nên Trọng đã tự dùng dao cửa vào cổ của mình. Thấy Trọng có những hành vi lạ nên gia đình đã đưa đến bệnh với mục đích điều trị tâm thần. Tuy nhiên sau thời gian giám định phát hiện đối tượng Trọng hoàn toàn bình thường và chịu sự xét sử công minh của pháp luật.

Cũng trước đó, tại TP. HCM tên tội phạm cướp tài sản Phạm Huy Cường, 36 tuổi ở TP. HCM gây ra. Bị bắt, đứng trước vành móng ngựa, Cường đã giả tâm thần nhằm trốn tội. Khi bị đưa ra xét xử, trong suốt phiên tòa, khi hội đồng xét xử hỏi tên Cường đều không trả lời câu hỏi nào mà cứ đứng ngẩn ngơ giữa tòa, bẻ tay, cười khúc khích...

Nhận biết được pháp luật Việt Nam có sự khoan hồng với những người bị bệnh tâm thần, không làm chủ được hành vi của mình sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, nên nhiều tên tội phạm đã "vờ" bị bệnh tâm thần để không phải ngồi tù. Tuy nhiên "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", những kẻ phạm tội dù giả tâm thần hay được gia đình bao che, dung túng không sớm thì muộn chúng cũng phải cúi đầu trước pháp luật.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Người Tiền Phong luôn tiên phong
Người Tiền Phong luôn tiên phong
TP - Sau cơn bão số 4, mưa lũ dồn dập trút xuống nhiều tỉnh thành miền Bắc khiến nhiều bản làng, nhà cửa và hàng trăm người dân bị cuốn trôi, mất tích. Nhận lệnh từ Ban Biên tập báo Tiền Phong, nhóm phóng viên Bắc Trung bộ lập tức lên đường từ miền Trung ra miền Bắc để chi viện “điểm nóng”.