Đừng tái diễn chuyện nghị định “to” hơn luật

Đừng tái diễn chuyện nghị định “to” hơn luật
TP - LTS: Tiền Phong ra ngày 5-12-2012 có bài “Tham mưu”, phản ánh những “bất hợp lý liên quan lĩnh vực y tế và thực phẩm trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Quảng cáo”. Xung quanh đề tài này hiện có nhiều ý kiến khác nhau. Nhằm đem đến thông tin nhiều chiều cho bạn đọc, Tiền Phong xin giới thiệu bài viết của GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ của Quốc hội.

> Siêu lợi nhuận từ hàng xách tay
> Hiểu đúng về bổ sung nội tiết tố

Theo bài báo của Tiền Phong, nhờ “cố gắng” của Bộ Y tế và “tham mưu” của Văn phòng Chính phủ, những “bất hợp lý” trong Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo sắp được ban hành sẽ được điều chỉnh; Bộ Y tế và một số Bộ khác sẽ tiếp tục giữ quyền xét duyệt nội dung quảng cáo, như là một thứ giấy phép quảng cáo.

Về vấn đề này, tôi thấy cần có ý kiến trao đổi lại.

Thực tế quản lý về quảng cáo cho thấy việc xét duyệt trước nội dung quảng cáo không mang lại hiệu quả. Tiền Phong ra ngày 6-11-2012 đăng ý kiến của một lãnh đạo Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cho biết: Có tới 90% hồ sơ có vấn đề và bị yêu cầu chỉnh sửa nội dung quảng cáo sao cho đúng như tác dụng của sản phẩm (…) nhưng không hiểu sao khi lên quảng cáo lại thấy xuất hiện phần đã điều chỉnh.

Nếu như vậy, việc bộ chuyên ngành xét duyệt trước nội dung quảng cáo dễ có nguy cơ trở thành “bình phong pháp lý” cho những quảng cáo thiếu trung thực, nhất là trong trường hợp cơ quan quản lý nhà nước không thực hiện thường xuyên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

Điều này cũng ví như trường hợp nhân viên bảo tàng chỉ chú ý cấp - xét giấy ra vào mà không kiểm tra, giám sát khách làm gì trong bảo tàng và mang gì ra khỏi bảo tàng, thì dù có cấp - xét giấy ra vào kỹ đến mấy cũng không tránh khỏi cảnh “giữ nhà còn nóc”.

So với Pháp lệnh Quảng cáo năm 2001, Luật Quảng cáo vừa ban hành có bước tiến lớn. Hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người như thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn nhưng được khuyến cáo hạn chế sử dụng, thậm chí sữa và sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi… đều bị cấm quảng cáo.

Hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường như thực phẩm, phụ gia thực phẩm, mỹ phẩm, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng… được quảng cáo, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt điều kiện quảng cáo; các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định chặt chẽ về điều kiện quảng cáo đối với các loại sản phẩm, hàng hóa này, đồng thời tăng cường trách nhiệm của người quảng cáo, người thực hiện quảng cáo, và của các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xử lý vi phạm.

Những quy định trên cho phép dỡ bỏ các thủ tục nhiêu khê, không hiệu quả, không phù hợp yêu cầu cải cách hành chính, chuyển từ cơ chế “tiền kiểm” sang cơ chế “hậu kiểm”.

Cụ thể, Luật Quảng cáo đã bãi bỏ thủ tục cấp phép quảng cáo của ngành Văn hoá quy định tại Điều 16 Pháp lệnh Quảng cáo, cũng không quy định thủ tục cấp “giấy phép con” cho bất cứ ngành nào, và không giao Chính phủ quy định cụ thể nội dung này.

Đưa quy định về thẩm định nội dung quảng cáo vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo (như đã được nêu trong bài báo “Tham mưu”) là không phù hợp với các quy định của luật này.

Mới đây, trả lời Bộ VH,TT&DL về vấn đề trên, cả 2 cơ quan có trách nhiệm của Quốc hội là Ủy ban Pháp luật và Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ đều khẳng định: Việc bổ sung quy định về thẩm định nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trước khi quảng cáo như đề xuất trong dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo là không phù hợp với các quy định của Luật Quảng cáo (Công văn số 1615 ngày 7-12-2012 của Ủy ban Pháp luật); Nếu đưa quy định thẩm định nội dung quảng cáo sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt vào dự thảo Nghị định là không đúng tinh thần và lời văn của Luật Quảng cáo (Công văn số 652 ngày 7-12-2012 của Ủy ban VH,GD,TN,TN&NĐ).

Tại phiên giải trình do Ủy ban Pháp luật tổ chức ngày 24-12, nhiều đại biểu Quốc hội đã chất vấn các cơ quan Chính phủ về việc ban hành một số thông tư có nội dung không phù hợp với nghị định của Chính phủ và một số nghị định có nội dung không phù hợp với luật.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã thay mặt Chính phủ thẳng thắn nhận khuyết điểm này, và hứa sửa chữa, khắc phục.

Không thể dùng nghị định để chỉnh sửa luật - văn bản quy phạm pháp luật thể hiện ý chí của Quốc hội, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Mong rằng ý kiến của các đại biểu Quốc hội và của Bộ trưởng Vũ Đức Đam sẽ được các những người soạn thảo Nghị định lưu tâm.

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG