Nhiều chiêu lừa đảo ngân hàng

Nhiều chiêu lừa đảo ngân hàng
TP - Tội phạm kinh tế diễn biến phức tạp và gia tăng với những phương thức, thủ đoạn mới, gây thiệt hại nghiêm trọng. Nổi lên là các vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ngoại hối, và xảy ra nhiều vụ lừa đảo tín dụng lớn.

Ngoài việc lợi dụng chính sách hỗ trợ kích cầu của Chính phủ để làm giả hợp đồng kinh tế, các đối tượng còn thông đồng, câu kết với cán bộ thoái hóa, biến chất trong ngân hàng để rút tiền; lập khống dự án, giấy tờ có giá trị giả... để giao dịch bất hợp pháp, chiếm đoạt tài sản.

Đánh giá trên được lãnh đạo Công an Hà Nội đưa ra tại cuộc tổng kết đợt cao điểm tập trung đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm trên địa bàn Hà Nội vừa diễn ra.

Một loạt ngân hàng dính sổ đỏ, giấy tờ giả

Đợt cao điểm vừa qua (30-7 đến 30-10), Công an Hà Nội khám phá 632 vụ, 719 đối tượng vi phạm trật tự quản lý kinh tế.

Trong đó, có 7 vụ với 9 đối tượng tham ô tài sản; một vụ lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 24 vụ, 31 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản...? Thu nộp ngân sách hơn 94,5 tỷ đồng; thu hồi cho cơ quan, người bị hại trên 177,5 tỷ đồng; tạm giữ hàng hóa trị giá trên 32 tỷ đồng.

Điển hình trong số những vụ lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng vừa được Công an Hà Nội kết luận là vụ án Lê Bá Quỳ (SN 1969, ở Gia Lâm, Hà Nội) cùng đồng phạm có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, xảy ra trên địa bàn Hà Nội.

Theo đó, sau khi lấy trộm hơn 30 phôi sổ đỏ của Phòng TNMT huyện Gia Lâm, bị can Phùng Văn Thúy (SN 1979, cựu nhân viên hợp đồng Phòng TNMT huyện Gia Lâm) đã chuyển cho Lê Bá Quỳ để điền các thông tin về thửa đất, giả mạo chữ ký, con dấu của một số cán bộ huyện Gia Lâm rồi đem thế chấp ngân hàng, các tổ chức tín dụng, chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng.

Bằng thủ đoạn lập các hợp đồng kinh tế khống nhằm hợp thức lý do vay tiền, Lê Bá Quỳ đã đem 17 sổ đỏ giả đến 6 ngân hàng làm thủ tục vay hơn 70 tỷ đồng.

Một vụ việc khác, Nguyễn Thị Mai Anh (32 tuổi, ở quận Thanh Xuân) cùng đồng phạm làm đăng ký xe ô tô giả; làm giả hợp đồng góp vốn đầu tư bất động sản; tạo dựng hợp đồng mua ô tô khống… để lừa đảo vay, rồi chiếm đoạt khoảng 60 tỷ đồng của ngân hàng, tổ chức tín dụng và một số cá nhân.

Trong đó, Mai Anh đã dùng 5 giấy đăng ký xe ô tô giả, hợp đồng mua bán xe ô tô giả thế chấp cho Tiên Phong Bank để vay 13 tỷ đồng.

Với thủ đoạn tương tự, đồng phạm của Mai là Đỗ Thành Trung cũng chiếm đoạt của ngân hàng này hơn 2,6 tỷ đồng; chiếm đoạt của Navibank chi nhánh Hà Nội hơn 3 tỷ đồng; VP Bank chi nhánh Hà Nội hơn 700 triệu đồng; Ocean Bank hơn 800 triệu đồng…

Cán bộ tín dụng bị lừa hay câu kết?

Liên quan đến 2 vụ án trên, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt giam Phạm Văn Sơn (SN 1977, nguyên cán bộ Ngân hàng NN&PTNT huyện Gia Lâm); Đỗ Đình Hòa (25 tuổi, nguyên cán bộ Tiên Phong Bank) và 5 cán bộ thuộc các ngân hàng khác về hành vi "vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng". Những vị cán bộ trên được xác định là người trực tiếp nhận, trình hồ sơ vay vốn, làm thủ tục cho các đối tượng thế chấp giấy tờ giả, rút hàng chục tỷ đồng của ngân hàng.

Tại vụ án lừa đảo chiếm đoạt gần 200 tỷ đồng tiền vốn vay xảy ra ở Ngân hàng Agribank chi nhánh Tân Bình và chi nhánh 3, Công an TPHCM cũng đã khởi tố, bắt giam một loạt cán bộ Agribank về hành vi vi phạm quy định về cho vay… và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài một số cán bộ tín dụng, cơ quan điều tra còn làm rõ hành vi tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo của ông Nguyễn Tám, Giám đốc Agribank Tân Bình.

Mặc dù biết các Cty do Trần Huỳnh Nghĩa và Nguyễn Thị Phương Hoa làm Chủ tịch HĐQT, Giám đốc không có năng lực tài chính, tài sản đảm bảo, không đủ điều kiện cho vay, nhưng ông Nguyễn Tám vẫn yêu cầu con rể (cũng đã bị khởi tố) là Phó phòng Tín dụng tiếp nhận hồ sơ, lập báo cáo trình ký. Được sự giúp đỡ của ông Tám, Nghĩa và Hoa đã rút hơn 120 tỷ đồng của ngân hàng này sau khi làm thủ tục cầm cố các hợp đồng góp vốn bất động sản và cổ phiếu giả.

"Qua các vụ án nêu trên cho thấy vẫn còn nhiều sơ hở trong thực hiện quy trình, nhiệm vụ về hoạt động tín dụng; có dấu hiệu móc ngoặc giữa cán bộ ngân hàng với các đối tượng lừa đảo trong khi công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ của một số ngân hàng còn lỏng lẻo" - một cán bộ điều tra nói.

Sau khi vụ vỡ nợ tại tiệm vàng Quang Quyên (thị Trấn Phùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) vỡ lở ngày 17-9, đến 23-9 Agribank chi nhánh Trung Yên mới gửi "Đơn xác nhận tài sản thế chấp" tới Văn Phòng đăng ký quyền sử dụng đất của UBND huyện Đan Phượng, đề nghị xác nhận 13 sổ đỏ mà vợ chồng Quang - Quyên thế chấp ngân hàng vay gần 50 tỷ đồng.

Một số người dân còn phản ánh, sau khi Quang- Quyên bỏ trốn, họ mới thấy một số người giới thiệu là cán bộ ngân hàng đi thực địa mảnh đất có tên trong sổ đỏ mà vợ chồng này đem cầm cố.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG