> Kẻ cầm đầu kể về vụ bắt cóc kiểm lâm
> Đối tượng cuối cùng trong vụ bắt cóc kiểm lâm trình diện
Ông Huyên nói: Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) quản lý hơn 116.000 ha rừng, song chỉ có 125 kiểm lâm viên (KLV). Các KLV còn thiếu công cụ hỗ trợ, hầu hết anh em làm nhiệm vụ bằng tay không và lòng nhiệt huyết.
Sau khi tấn công, lâm tặc còn bắt giữ người để đòi tiền chuộc. Khi nghe tin báo vụ việc, tôi cứ nghĩ do một băng nhóm nào đó thực hiện, nhưng khi đến nơi tôi mới biết thủ phạm lại là những người dân tộc Rục, dân tộc Sách.
Vụ việc đang được công an điều tra, nhưng tôi cho rằng không có ai đứng đằng sau xúi giục họ. Theo tôi, người Rục, người Sách lâu nay vẫn sống dựa vào rừng bằng việc săn bắt, hái lượm, và đây chỉ là hành động bột phát. Thấy anh em KLV phá hủy gỗ, lán trại, những người này bức xúc và nghĩ đến việc trả thù. Còn họ đòi chuộc tiền vì cái gì thì tôi chưa rõ.
Trưởng nhóm bắt cóc Trần Xuân Lành cho rằng, họ trả thù do kiểm lâm phạm vào điều cấm kỵ của dân tộc họ là đốt áo quần?
Việc họ lấy lý do đó tôi chắc là có người xúi họ nói. Tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa của người Rục, người Sách, không thấy đề cập đến vấn đề này. Tôi chưa vào hiện trường nhưng nghe anh em nói lại là khi vào đó thấy một chiếc lán chứa gỗ, không có áo quần. Anh em chỉ phá hủy gỗ, lán trại, rồi gom lại đốt một số vật dụng như xoong nồi, 1 chiếc xà cạp để đi rừng và 1 chiếc quần đùi cũ.
Tuy nhiên, Lành cho rằng ở đó có một rẫy ngô của gia đình sắp đến kỳ thu hoạch nên anh ta thường sinh sống ở đó, có nhiều áo quần và vật dụng.
Anh em nói lại là có rẫy ngô, nhưng cách xa lán. Còn chiếc lán thì được trùm bằng bạt còn mới, không lợp lá như phong tục của người dân tộc. Như vậy, đây là lán của lâm tặc dựng lên để khai thác gỗ chứ không phải của gia đình người trồng ngô sinh sống.
Vậy theo ông, trong vụ việc này các KLV đã thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy trình?
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, tôi có làm việc với anh Thanh, Trưởng Công an huyện Minh Hóa; anh Bình, Trưởng đồn Biên phòng 585 và anh Thái, Chi cục trưởng Kiểm lâm. Chúng tôi xem đây là một bài học kinh nghiệm khi thực thi công vụ.
Tính chuyên nghiệp khi làm nhiệm vụ không có, anh em KLV chủ quan cho rằng mình được giao nhiệm vụ, có quyền năng và cứ thế thi hành mà trong tay không hề có công cụ hỗ trợ. Khi các đối tượng lâm tặc manh động, các KLV lại trở thành nạn nhân, không bảo vệ được bản thân và sự nghiêm minh của pháp luật.
Ông Nguyễn Văn Huyên, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. |
Hiện trong Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có nhiều bản dân tộc sinh sống xen kẽ và phần lớn họ là những tộc người cần được bảo tồn. Ông nghĩ thế nào khi đời sống của họ chủ yếu dựa vào rừng?
Một bên muốn bảo vệ rừng, tăng cường các biện pháp để bảo vệ bằng được rừng, một bên thì cố vào rừng kiếm cái gì đó để sinh sống nên dễ xảy ra mâu thuẫn. Tăng cường tuyên truyền đừng phá rừng trong lúc bụng người dân đang đói thì khó lắm. Đây là một vấn đề lớn, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp các ngành để tạo sinh kế cho dân, chứ một mình Vườn không kham nổi.
Đã có nhiều dự án trong và ngoài nước đầu tư cho người dân vùng đệm, cũng như các tộc người trong vùng Phong Nha - Kẻ Bàng phát huy hiệu quả tốt. Tuy nhiên, để chấm dứt tình trạng phá rừng thì cần có sự đầu tư mạnh hơn nữa, dài hơn hơi nữa.
Phá gỗ, đốt lán là vi phạm quy trình? Một quan chức ngành kiểm lâm cho rằng: Việc bắt cóc kiểm lâm là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, song khách quan mà nói, nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên do tổ tuần tra kiểm soát của Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa không tuân thủ quy trình, quy phạm và cứng nhắc khi thi hành nhiệm vụ. Theo ông này, tổ tuần tra cho phá hủy gỗ (tang vật vi phạm) là trái quy định hiện hành; số gỗ này cần phải đưa về vị trí tập kết để xử lý. Ngoài ra, việc phá hủy lán trại chỉ được phép trong trường hợp lán có kết cấu sơ sài, tạm bợ và phải là của lâm tặc sử dụng để khai thác gỗ. Trong trường hợp này, lán được thưng che 4 phía bằng gỗ và gần đó có một rẫy ngô. Như vậy, đây là lán kiên cố và có thể người dân dựng lên vừa để phục vụ làm rẫy, vừa để khai thác gỗ. Đối với người dân tộc, đây được xem như ngôi nhà thứ hai của họ. |