Người mang bí ẩn 'Hai sắc hoa tigôn' vĩnh viễn ra đi

Người mang bí ẩn 'Hai sắc hoa tigôn' vĩnh viễn ra đi
TP - Nhập nhoạng của một buổi chiều đông muộn ở nhà cụ Kim Lân cuối năm tám mươi chín lần đầu tôi gặp nhà văn Thanh Châu. Buổi gặp tình cờ ấy có kha khá cái "thì ra" lắm...
Người mang bí ẩn 'Hai sắc hoa tigôn' vĩnh viễn ra đi ảnh 1
Nhà văn Thanh Châu (phải) và nhà văn Kim Lân tại Đại hội Nhà văn lần thứ VII

Thì ra cụ ở cùng phố Trần Quốc Toản gần xóm Hà Hồi của cụ Kim Lân! Thầy Hà Minh Đức hình như có nhắc một lần mà tôi đã không để tâm rằng cái làng của cậu có ba người mà tôi nể là cụ Thanh Châu, tiến sĩ toán học hiện ở Paris là Lê Dũng Tráng, cháu của cụ Đốc học Lê Văn Bích và nghệ sĩ nhân dân hát tuồng Lê Tiến Thọ...

Thì ra nhà văn Thanh Châu, cái ông già manh mảnh có phần hom hem ấy tuổi đã gần tám mươi này từ thuở bé đến năm hai mươi tuổi đã từng gắn bó với làng quê Vĩnh Hùng ở góc xứ Thanh nơi chôn rau cắt rốn của tôi!

Chi tiết ấy đậm đến mức nó nhòa đi cả những dòng trích ngang lý lịch một đời văn: Sinh năm 1912. Năm 1934, in tác phẩm đầu tiên Bó hoa quá đẹp (trên những số đầu của Tiểu thuyết thứ bảy).

Sau đó là Trong bóng tối (tập truyện ngắn nhà in Trung Bắc Tân Văn xuất bản), Người thầy thuốc (Nhà XB Tân Dân Hà Nội, 1938), Bóng người ngày xưa (Tiểu thuyết NXB Đông Phương Sài Gòn, 1941). Cùng một ánh trăng (Tiểu thuyết, NXB Tân Dân -1942), Cái ngõ tối (NXB Thăng Long Hà Nội - 1944), Vàng, Cún số 5 (Truyện thiếu nhi, NXB Tân Dân Hà Nội - 1942), Những ngày trao trả tù binh (Phóng sự, NXB Văn nghệ 1954), Không rời quê hương (Bộ Thông tin xuất bản- 1955) v.v...

Ông nội Thanh Châu (thuở bé có tên là Ngô Hoan) là Ngô Xuân Đài - tri huyện Nam Đàn, Nghệ An. Có vẻ như môn đăng hộ đối. Con trai cụ Ngô Xuân Đài là Ngô Tân sau này tác thành nhân duyên với người cháu ngoại họ Cao nổi tiếng giàu có và thế lực ở vùng Biện Thượng, Bồng Báo của xứ Thanh mà năm 1946 có tên mới Vĩnh Hùng.

Vùng đất phát tích của 12 đời chúa Trịnh bắt đầu từ Minh Khang Thái vương Trịnh Kiểm khéo rèn dạy người như trong vở chèo khuyết danh Quan Âm Thị Kính có câu ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo...

Sinh ở đất Nghệ nhưng bé tí, cậu Ngô Hoan đã về sống ở đất Thanh đằng ngoại. Bà mẹ Thanh Châu lại là cháu ngoại của cụ Đề Dơi tức Lê Văn Dơi, một thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hùng Lĩnh mà Tống Duy Tân là đồng chí... Cái bút danh Thanh Châu hình như có vương vất hơi hướng châu Ai, châu Hoan?

Đến khi học tiểu học tại tỉnh lỵ Thanh Hóa, cứ mỗi kỳ ba tháng nghỉ hè cậu lại về đằng ngoại Vĩnh Hùng. Khung cửa sổ của dinh thự ông ngoại trổ ra con sông Mã như một bức tranh sinh động bốn mùa. Rồi mườn mượt những lớp dâu, lớp cải ngồng bãi sông... Rồi những trận tắm sông thỏa thích... Rồi những lần theo trẻ con nhà tá điền lên núi Hùng Lĩnh lên làng Lon chăn bò...

Bồi hồi với những kỷ niệm đã lăng lắc, cụ Thanh Châu cười,  sau này ra Hà Nội học Thành chung, rồi tham gia trong nhóm thơ của Nguyễn Nhược Pháp và Phạm Huy Thông, thơ Thanh Châu có khuynh hướng hiện thực bớt đi vẻ  ủy mỵ lãng mạn một phần cũng được gần gụi với khung cảnh với con người của quê ngoại Vĩnh Hùng!

Trong nhiều năm, Thanh Châu chịu ảnh hưởng của sự rèn cặp thực ra là phương pháp giáo dục khắt khe nhưng khuyến khích sự sáng tạo của cụ đốc học Lê Văn Bích người làng Vĩnh Hùng mà cả vùng quen gọi là cụ Đốc Bích dạy ở trường Thanh Hóa. Kỳ nghỉ hè nào về Vĩnh Hùng, Thanh Châu cũng lại được cụ Đốc rèn cặp thêm.

Cụ Đốc có người con trai là Lê Văn Bảo, đảng viên Đảng cộng sản năm 1930 là lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Thanh Hóa đã hy sinh trong nhà lao của thực dân Pháp. Sau này con cháu cụ Đốc đều phương trưởng thành đạt mà có người cháu là Lê Dũng Tráng tiến sĩ toán học hiện đang ở Paris.

Sau đận gặp ấy, biệt đi nhiều năm tôi không gặp cụ. Nghe đâu cụ đã chuyển cư vô Sài Gòn. Có duyên do cả! Một bữa giời trở giông gió, cụ bà  tất tả trèo lên sân thượng với tay sang ban công cất hộ quần áo cho nhà hàng xóm thì bất đồ bị mất đà...

Cú ngã nhào xuống đất ấy khiến cụ bà phải nằm bệt rất lâu trong bệnh viện để chữa xương chân lẫn xương tay bị gẫy! Cú ngã cũng làm cụ bà bị chấn thương sọ não, ngoài chứng nằm liệt một chỗ lại thêm bệnh nhớ nhớ quên quên. Họa vô đơn chí... Ấy là một bữa cụ ông đang dong xe đạp, bất đồ một thằng vô lại đi xe máy ẩu tông phải. Thế là cái chân già rời ra làm đôi. Lại những ngày nằm viện... 

Khí hậu phương Nam tốt hơn cho sức khỏe của song thân, già cậy con... cụ Thanh Châu đành tuân thủ... Mãi đến giữa năm 2004, trong chuyến hành phương Nam dài dài, tôi được nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu đưa đến nhà. Lại đúng dịp buồn gần 49 ngày cụ bà về cõi vĩnh hằng sau bao năm nằm liệt.

Tôi nhẹ cả người khi thấy cái vóc hạc mảnh khảnh ấy vẫn như dạo nào, sức cụ có xuống đi trông thấy, tuy phải lẫm chẫm vịn từng bậc một nhưng dù sao vẫn là cái sức còn leo được cầu thang! Mừng nữa tuy chưa biết là ai nhưng mới nghe qua, cụ đã cười móm mém à, cái ông đồng hương làng Lon đây mà...

Câu chuyện chúng tôi bập bõm phập phù trong âm thanh ghê tai của hệ thống máy bào máy phay chi đó bên nhà hàng xóm. Cụ cười móm mém  nói mình đang là người bận rộn! Ấy là việc đang bấn bíu với cuốn hồi ký mà cụ định đặt tựa Mười năm Thanh Châu với Tiểu thuyết thứ bảy và Từ bài báo đầu tiên...

Lại có một việc vui nữa là ngoài Bắc vừa tìm thấy bài thơ đầu tiên của Thanh Châu in trên tờ Phong hóa đầu những năm ba mươi thế kỷ trước. Chúng tôi như ngược thời gian cùng câu chuyện của cụ những năm đầu về làm ở báo Văn Nghệ sau hòa bình 1954. Rồi tiết xuân xứ Bắc cái bữa Thanh Châu cùng Quang Dũng, Trần Lê Văn về thăm nhà cũ của nhà thơ Quang Dũng ở Xứ Đoài...

Bài thơ viết bữa ấy mà đến bây giờ chưa in ở đâu  Về nhà không có ai/ Chín năm/ Cây đào phai/ Bên bức tường đổ/ Lại một lần nở rộ/ Đào hỡi/ Đầy sân cánh đỏ/ Biết chăng/ Hoa nở/ Không người/ Ta ước/ Mẹ thành hương bay về vấn vương cảnh cũ/ Ta ước em ta thành chim bay về đậu bên cửa sổ/ Ta ước chị ta lại ngồi thềm cửa/ may lại cho ta áo nhỏ/ Chiếc áo ngày xưa/ áo đỏ hoa đào...

Hình như bớt cả chật lẫn ẩm tối của căn phòng khi cụ đọc thơ? Những việc buồn khác cũng đâm mờ nhòe? Trong câu chuyện được biết thêm lắm cái dở hơi rằng, đến thời điểm này mà cụ vẫn chưa nhận được phần thưởng huân huy chương nào mặc dù tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu tiên. Rồi cả những chuyện bực mình thuở ấy mà cụ đành phải về hưu non.

May mà duyên nợ với văn chương khiến cụ không lúc nào nghỉ bút (chữ cụ dùng trong tự bạch). Thêm cái nỗi thơ Thanh Châu không có tuổi? Ai bảo đây là tiếng cười của ông lão tám chín mươi? Hồi gãy chân cụ viết: Em ơi đừng chúc thọ/ Anh vẫn đạp  hàng ngày... Chao ôi, động từ đạp vào tay cụ thật là....

Rồi bài tự vịnh Mình nay như mít chín/ tụt lõ lúc nào hay/ Sao vẫn nhìn hoa hậu/ Như thể vẫn còn cay! Tôi hoang mang ôm lấy tấm lưng xương xẩu của bậc cao niên mà giật thột với ý nghĩ rằng còn được mấy lần hầu chuyện cụ nữa đây!

Nhưng ngay lập tức thấy phỉ phui cho ý nghĩ ngớ ngẩn lẩm cẩm ấy khi cụ dang rộng cánh tay lúc tiễn khách rằng cụ mới vừa viết di chúc cho mình bằng thơ thế này  Mong cỏ nội xóa đi ngàn chuyện dở/ Để trên mồ con dế đẫm sương kia/ Vẫn thay mình kể đẹp chuyện đêm khuya...

Rồi bữa đó, lẩm cẩm thế nào mà chúng tôi lại quên bẵng đi cái việc không rốt ráo cùng cụ để vén bức màn hư ảo của Hai sắc hoa tigôn trong nghi án văn chương T. T. Kh vốn choàng quanh cụ lâu nay? Hay T.T.Kh chính là... cụ, một bút danh của cụ ở cái thời xa lăng lắc ấy?

Có thể nói một sự kiện hy hữu trong dịp Đại hội nhà văn lần thứ VII vừa rồi, cụ Thanh Châu đã trở ra cố quận (từ cụ dùng nói việc ra Bắc). Vị đại biểu cao niên nhất đại hội lập cập theo chân cụ Kim Lân lên sân khấu để chụp ảnh.

Nhà văn Thanh Châu 94 tuổi ta bên cụ Kim Lân 84 tuổi có cái cười móm mém như nhau! Những tưởng rồi thời gian lẫn tật bệnh chỉ là cái thứ chi đó mờ nhòe? Nhưng mồn một giọng nhà thơ Nguyễn Văn Hiếu trong điện thoại báo tin cụ Thanh Châu mất đêm qua...

Khi ấy tôi nhớ mình có ngớ ngẩn nói với Nguyễn Văn Hiếu rằng chưa kịp đưa cụ về thăm lại quê ngoại Vĩnh Hùng...

Hà thành đêm 9/5/2007

MỚI - NÓNG
Vì sao dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nhật Tân chưa thể thông xe toàn tuyến ngày 30/6?
Vì sao dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nhật Tân chưa thể thông xe toàn tuyến ngày 30/6?
TPO - Là dự án trọng điểm có vai trò giảm ùn tắc, tuy nhiên do vướng nhiều thủ tục, đến nay công trường dự án đường Âu Cơ - Nhật Tân đã bị chậm nhiều năm, gây ảnh hưởng đến giao thông và cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đại diện Ban quản lý dự án cho biết, vì một số nguyên nhân, dự án chưa thể thông xe toàn tuyến như kế hoạch là ngày 30/6 sắp tới.