Dấu mốc 300 triệu tấn dầu, 120 tỷ USD

Dấu mốc 300 triệu tấn dầu, 120 tỷ USD
TP - Ngày 15/11/2013, sẽ được ghi vào lịch sử ngành dầu khí Việt Nam. Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) long trọng tự hào công bố hai sự kiện lớn. Sau gần 30 năm, kể từ thời điểm 4/1987, 300 triệu tấn dầu thô đã xuất bán, đạt doanh thu gần 120 tỷ USD.

> Hàng chục tỷ USD vốn ngoại rót vào Nhiệt điện
> Khai thác dầu thô đạt 11 triệu tấn

Dấu mốc 300 triệu tấn dầu, 120 tỷ USD ảnh 1

Giàu cho nước, sang cho ngành

Thực ra, tấn dầu thô thứ 300 triệu ấy được xuất bán từ thời điểm cuối tháng 10/2013.

Toàn bộ khối lượng dầu thô Việt Nam kể trên (với hơn 10 loại dầu thô hiện nay như Bạch Hổ, Sư Tử Đen, Tê Giác Trắng, Đại Hùng, Ruby, Rạng Đông...) đã được PV OIL tổ chức tiếp thị và bán rất thành công, trên cả hai khía cạnh, an toàn và hiệu quả.

An toàn là không để xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào về người và của cho mỏ, cho người mua và các bên liên quan; không gây đóng mỏ dừng khai thác và không vi phạm bất kỳ quy định hay thông lệ nào liên quan đến hoạt động này trong suốt gần 30 năm qua. Để duy trì xuất bán dầu an toàn tuyệt đối với tần suất trên 200 chuyến dầu thô mỗi năm, hay mỗi tuần khoảng 4-5 chuyến như hiện nay đã minh chứng sự cố gắng và nỗ lực không ngừng của PV OIL.

Nghề này cũng lắm công phu! Diễn biến bất lợi của thị trường dầu thô thường hay tăng-giảm sản lượng đột xuất đi kèm với việc khách hàng mua dầu yêu cầu thay đổi ngày bốc thậm chí không bốc dầu theo đúng quy định của hợp đồng. Khó khăn này đòi hỏi PV OIL một mặt phải theo dõi sát sao thị trường, giao dịch thường xuyên với khách hàng để thực hiện tốt công tác tiếp thị và bán khối lượng dầu dư thừa so với kế hoạch, mặt khác phải đàm phán quyết liệt và có các biện pháp cứng rắn với các khách hàng dài hạn để thực hiện nghĩa vụ bốc dầu theo đúng hợp đồng, đảm bảo an toàn sản xuất của mỏ, hạn chế các chi phí phát sinh.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chứng kiến lễ ký hợp tác
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chứng kiến lễ ký hợp tác.

Chỉ cần thay đổi nhỏ về sản lượng khai thác, hoặc tàu đến muộn sẽ dẫn đến việc phải thay đổi lịch bốc dầu, trả tiền phạt lưu tàu hoặc bán bổ sung gấp các lô spot trên thị trường. Thậm chí trong trường hợp xấu nhất sẽ phải giảm dòng hay tạm ngừng sản xuất, đặc biệt trong mùa biển động.

Sản lượng của các mỏ dầu Việt Nam hiện nay chưa thật sự ổn định. Các nhà điều hành mỏ thường gặp nhiều khó khăn trong việc dự báo thay đổi sản lượng hoặc bảo dưỡng dài hạn nên khối lượng bán chuyến đột xuất đưa ra thị trường có những thời điểm lên đến 2-3 triệu thùng/tháng. Việc này gây áp lực rất lớn cho công tác tiếp thị và bán dầu, nhất là trong các thời điểm thị trường dầu thô có các chuyển biến xấu. PV OIL từng phải kiên trì giải thích, thuyết phục, đàm phán có cơ sở, hợp tình hợp lý để tránh các thiệt hại cho các bên và giải quyết thỏa đáng các khiếu nại phát sinh.

Hiệu quả là giá trị dầu thô Việt Nam đã được nâng cao không ngừng. Các thùng dầu khi được chào ra thị trường luôn đạt mức giá tối ưu, đến được khâu cuối cùng với tỷ trọng cao, gắn với diễn biến và dự báo thị trường dầu thô khu vực và thế giới. Các đối tác sử dụng dịch vụ đã ghi nhận và đánh giá cao tính chuyên nghiệp, minh bạch và hiệu quả đối với công tác bán xuất khẩu dầu thô của PV OIL.

Từ 3 khách hàng đầu tiên đến từ Nhật Bản, tính đến nay PV OIL đã phát triển quan hệ hợp tác với hơn 50 đối tác mua - bán dầu thô trong và ngoài nước. Khách hàng nước ngoài mua dầu thô Việt Nam là các Tập đoàn đa quốc gia như Exxon Mobil, Shell, BP, Total..., các công ty dầu quốc gia như SOCAR (Azerbaijan), Petronas (Malaysia), Petrobras (Brazil), PTT (Thailand), SK (Hàn Quốc), BSP (Brunei)… hay các công ty thương mại lớn như Glencore, Vitol, Gunvor, Mitsubishi, Sumitomo... Trong nước, là Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) chủ sở hữu nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Công tác khai thác dầu thô trong nước ở tất cả các mỏ Bạch Hổ, Đại Hùng, PM3, Rạng Đông, Ruby, Sư Tử Đen, Cái Nước, Sông Đốc... được duy trì an toàn và liên tục, thông suốt cùng với việc tổ chức bán thành công các lô dầu theo chuyến và dài hạn.

Các hợp đồng dài hạn và bán chuyến đã đạt được mức giá rất tốt so với thị trường trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường. PV OIL đã tham gia giải quyết thành công nhiều vụ khiếu nại trị giá hàng triệu USD với khách hàng mua dầu. Kết quả này góp phần không nhỏ vào thành tích chung của ngành dầu khí.

Với giá dầu thô thế giới như hiện nay hơn 100 USD/thùng hay 750 USD/tấn, với sản lượng 14 - 15 triệu tấn, mỗi năm doanh thu bán dầu thô Việt Nam có thể lên đến 10 tỷ USD và tiền nộp ngân sách từ các khoản thuế (tài nguyên, xuất khẩu, thu nhập doanh nghiệp) và tiền lãi dầu của nước chủ nhà vào khoảng 4-5 tỷ USD, chiếm trên 20% tổng ngân sách quốc gia.

Ấm lưng cho Dung Quất

Với nhiệm vụ được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp dầu thô cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, NMLD bằng kinh nghiệm và ý thức rõ vai trò trách nhiệm của mình, PV OIL đã thực hiện cung cấp đầy đủ khối lượng dầu thô cho hoạt động của nhà máy từ khi đi vào sản xuất đến nay.

Kết quả này góp phần mang lại sự ổn định và an toàn cho hoạt động của nhà máy và mỏ dầu chủ lực Bạch Hổ. Dầu thô Bạch Hổ và các loại dầu trộn chung (Cá Ngừ Vàng, Nam Rồng - Đồi Mồi) qua quá trình đàm phán, thuyết phục chủ dầu, đã được đưa về Dung Quất theo hợp đồng dài hạn với những điều kiện thuận lợi giúp NMLD hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn khó khăn ban đầu. Để đạt được kết quả đó, PV OIL đã phải trao đổi, thống nhất các phương án khác nhau tùy từng trường hợp và hoàn cảnh. Các cơ sở lý luận và thuyết phục đã được thực hiện tốt, làm hài lòng tất cả các bên liên quan.

Hoạt động cung cấp dầu thô nhập khẩu đã hoàn thành xuất sắc yêu cầu bổ sung khối lượng cung cấp, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, mở rộng thành công danh sách dầu nhập khẩu được xử lý tại NMLD trong khoảng thời gian ngắn.

Cung cấp nguồn nguyên liệu cho Dung Quất, ngoài dầu Bạch Hổ, khối lượng dầu thô nhập khẩu đã đóng góp khối lượng bổ sung một cách linh hoạt phù hợp với tiến độ phối trộn ở NMLD. Hơn nữa, nhiệm vụ tối ưu hóa thông qua mở rộng danh sách dầu chế biến đã được hoàn thành rất tốt khi chỉ trong thời gian ngắn NMLD đã đưa vào xử lý đến 7 loại dầu nhập khẩu khác nhau (Champion, Kikeh, Kaji Semoga, Seria Light, Labuan, Azeri, Miri) và cũng đã tiếp nhận thêm 2 loại dầu mới của Việt Nam (Đại Hùng và Tê Giác Trắng).

Việc xuất bán tấn dầu thô thứ 300 triệu còn khẳng định khả năng cung cấp dầu thô Việt Nam cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất nói riêng hay cho các NMLD trong nước trong tương lai.

Tầm nhìn PV OIL

Nhiều năm nay, PV OIL còn là đầu mối nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu. PV OIL vừa phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị là tham gia cùng Tập đoàn và Chính phủ bình ổn thị trường xăng dầu, vừa phải cân đối hài hòa và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Trên các lĩnh vực kinh doanh dầu quốc tế (điển hình là hoạt động của chi nhánh ở Singapore) sản xuất xăng dầu, sản xuất mỡ nhờn vv... của PVOIL những năm qua cũng gặt hái nhiều thành công.

Lộ trình sử dụng xăng E5 là cả một thách thức gian nan với PV OIL. Bởi ngày 22/11/2012, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg về lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống. Theo đó, từ 1/12/2014 áp dụng bắt buộc sử dụng 100% xăng E5 trên phạm vi 7 thành phố. Từ 1/12/2015 áp dụng bắt buộc sử dụng 100% xăng E5 trên phạm vi cả nước.

Năm 2012, là năm thứ 2 tiếp tục đánh dấu sự phát triển của PV OIL ra thị trường khu vực với việc vận hành hiệu quả hệ thống phân phối xăng dầu mua lại từ Tập đoàn Shell tại Lào. Với 5 kho có sức chứa từ 200-1.000 m3/kho và hệ thống 83 CHXD (tăng 11 CHXD so với năm 2011), PV OIL Lào đã tổ chức kinh doanh an toàn và đạt hiệu quả cao. Tổng sản lượng kinh doanh tại Lào đạt 95 nghìn tấn xăng dầu các loại. Hệ thống kinh doanh chiếm 30% thị phần bán lẻ tại Lào.

Mảng năng lượng sinh học (NLSH) người tiêu dùng thường gọi là xăng E5. Mặc dù riêng năm 2012, tổng sản lượng kinh doanh xăng E5 của PV OIL năm 2012 đạt 22 nghìn m3, bằng 108% kế hoạch và tăng 45% so với năm 2011. Nhưng do Nhà nước chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ cho xăng NLSH cùng tâm lý tiêu dùng chưa có một cuộc cách mạng đột phá nên hiện tại PV OIL đang kinh doanh trong tình trạng chịu lỗ.

Cắn răng chịu lỗ nhưng nghiêm túc thực hiện quyết định của Chính phủ, PVOIL cũng đã phải cắn răng... đầu tư. Để tạo thị trường NLSH và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm của 3 nhà máy nhiên liệu, PV OIL đã tổ chức đầu tư hệ thống kho, hệ thống tồn chứa và nâng cấp các CHXD nhằm phục vụ cho việc đưa xăng NLSH đến người tiêu dùng thông qua hệ thống kênh phân phối của PV OIL. Hiện tại PV OIL có 5 trạm pha chế E5 với công suất pha chế 5.500 m3/tháng và 143 CHXD tại 36 tỉnh thành trên cả nước bán xăng E5, trong đó có 9 CHXD bán 100% xăng E5.

Thời gian còn lại thì ngắn mà hàng loạt công việc bề bộn dồn lên vai PV OIL. Có những việc tưởng như đơn giản nhưng phức tạp, nhiêu khê chẳng hạn như đẩy mạnh công tác quảng cáo, PR để định hướng và tạo thói quen cho người tiêu dùng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG