Đẩy mạnh đầu tư để chống thiếu điện

Đẩy mạnh đầu tư để chống thiếu điện
TP - Mạnh tay đầu tư cho hạ tầng điện, ưu tiên bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình điện trọng điểm là những biện pháp đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên thực hiện để góp phần chống thiếu điện trong thời gian tới.

> Sản phẩm tiết kiệm điện vào mùa
> Dồn sức cấp điện mùa khô

Nhiệm vụ nặng nề

Theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam, một trong những nhiệm vụ ưu tiên cơ bản của đơn vị trong năm 2013 đó là đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện theo quy hoạch. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm của ngành năm nay đó là sẽ đẩy nhanh và hoàn thành các dự án nguồn điện.

Dự kiến, sẽ hoàn thành đưa vào vận hành 6 tổ máy với tổng công suất 1.440 MW gồm tổ máy 1, 2 Nhiệt điện Nghi Sơn và 2 tổ máy của Thủy điện Bản Chát.

Để tăng thêm nguồn cung cho lưới điện, ngành điện cũng tiến hành khởi công các dự án Nhiệt điện Thái Bình (công suất 2x300 MW) và khởi công dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 (công suất 2x600 MW).

Cùng với đó, thực hiện các biện pháp đảm bảo tiến độ thi công các dự án nguồn điện khác, đặc biệt là các dự án nhiệt điện khu vực phía Nam như Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, cảng than Vĩnh Tân Duyên Hải, các công trình hạ tầng đồng bộ của dự án nhiệt điện Mông Dương 1 và Nhiệt điện Mông Dương 2.

Cùng với đẩy nhanh tiến độ đầu tư cho nguồn, việc sớm hoàn thành các dự án, công trình lưới điện cũng là nhiệm vụ được ngành điện ưu tiên trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện có thể xảy ra trong mùa khô năm nay.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được ngành điện đặt ra từ đầu năm là việc hoàn thành sớm và đưa vào vận hành tổng cộng 196 công trình lưới điện từ 100 – 500 kV trong năm nay (gồm 15 công trình 500 kV, 39 công trình 220 kV và 142 công trình 110 kV).

Trong số này phải kể đến các dự án lưới điện truyền tải quan trọng như đường dây 500 kV Pleiku-Mỹ Phước- Cầu Bông. Các đường dây 500 kV Phú Mỹ- Sông Mây, Sông Mây- Tân Định và các trạm 500 kV Sông Mây, Cầu Bông.

Công ty Điện lực Thừa Thiên - Huế cho biết, đang triển khai dự án đầu tư, nâng cấp lưới điện hạ áp nông thôn do EVNCPC làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) và Ngân hàng tái thiết Đức (KfW). Đây là các dự án: đầu tư cải tạo một phần lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn 84 xã thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh với tổng vốn đầu tư là 157,3 tỷ đồng; cải tạo lưới điện tại 10 xã với tổng vốn đầu tư 4,3 triệu euro.

Các công trình đồng bộ nguồn điện như thủy điện Bản Chát, thủy điện Đăk Đring, Srepok 4A, đường dây 500 kV Quảng Ninh – Hiệp Hòa… cũng là những dự án được EVN ưu tiên quan tâm đẩy mạnh đầu tư.

Theo lãnh đạo EVN, các công trình cấp bách cấp điện cho TP Hà Nội, đặc biệt là đường dây 220 k Vân Trì-Sóc Sơn, đường dây 220 kV Vân Trì-Chèm, lắp MBA tại trạm 500 kV Thường Tín và các đường đây đấu nối… cũng là những nhiệm vụ quan trọng phải được hoàn thành sớm.

Năm 2013 ngành điện sẽ phải đảm bảo tiến độ các dự án lưới điện đồng bộ các trung tâm điện lực Mông Dương, Vĩnh Tân, Duyên Hải, đường dây 500 kV Hat Xan-Pleiku. Cùng đó sẽ khởi công 52 công trình lưới điện 500 – 220 kV, khởi công dự án cấp điện cho các huyện đảo Phú Quốc, Lý Sơn.

“Để đảm bảo tiến độ, EVN đã giao các ban quản lý dự án đôn đốc và giám sát chặt chẽ đối với các nhà thầu thi công, nhà thầu cung cấp thiết bị, nghiệm thu nhanh, thanh toán kịp thời cho các nhà thầu. Đặc biệt, ngành điện sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền địa phương, tranh thủ sự hỗ trợ từ các Bộ ngành để thực hiện giải phóng mặt bằng và tái định cư. Các đơn vị phải tổ chức giao ban thường xuyên tại công trường để kiểm điểm đánh giá tiến độ hàng tháng, hàng tuần nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại hiện trường”, một lãnh đạo EVN cho biết.

Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (AMB), trong thời gian qua đã tổ chức đóng điện thành công đường dây 220kV đấu nối nhà máy thủy điện Bản Chát, đường dây 220kV đấu nối nhà máy thủy điện Huội Quảng và đường dây 110kV nhánh 1 đấu nối vào trạm 220kV Phủ Lý.

Việc đường dây 220kV với tổng mức đầu tư 163,523 tỷ đồng được đấu nối nhà máy thủy điện Bản Chát giúp truyền tải điện năng từ Bản Chát và cụm thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc vào hệ thống điện Quốc gia và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực.

Cùng với đó, việc thi công hoàn thành đoạn xây dựng mới để đóng điện xuất tuyến đường dây 110 kV đấu nối TBA 220 kV Phủ Lý-TBA 110 kV Phủ Lý cũng mang ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo cấp điện cho các phụ tải của khu vực. Đồng thời, nâng cao độ tin cậy cấp điện do Trạm 110kV Phủ Lý do đang được cấp bằng một nguồn duy nhất từ đường dây 110kV Lý Nhân - Phủ Lý.

Nhiều dự án do ngành điện đầu tư với tổng vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, ổn định chính trị, giữ vững quốc phòng, an ninh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG