> Hạt lúa, con cá và người nông dân
> Chợ hoa Tết vỉa hè bán chậm
Nông nghiệp vỉa hè
Tết năm nay, ông Võ Trung Thành, người tạo ra trái bưởi dáng hồ lô ở xã Phú Tân (Châu Thành, Hậu Giang) lại trúng lớn.
Ông cho biết: “Làm được hơn 8.000 trái, mối mang đặt mua hết từ trước Tết, để đưa đi tận Tây Nguyên, Nha Trang, Hà Nội. Giá mỗi cặp, loại đặc biệt (một trái nặng 1,4 kg) là 1,2 triệu đồng, loại nhỏ hơn, thấp nhất cũng được 800.000 đồng”.
Trái bưởi dáng hồ lô ông Thành làm cách nay dăm năm, cải tiến dần bây giờ có thêm chữ “Tài Lộc” lối viết tròn sắc nét, rất thích hợp chưng bàn thờ gia tiên ngày Tết.
Nhiều nông dân khác học theo ông Thành, năm nay cũng làm được bưởi hồ lô, nhưng bán giá thấp, do tạo chữ Tài Lộc chưa sắc nét, và chưa có mối sỉ, sát Tết còn phải đem ra vỉa hè Cần Thơ bán lẻ. Đó lại chính là hình ảnh nông nghiệp Việt Nam.
Nông dân giỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật rất nhanh, dường như làm được mọi sản phẩm mong muốn với năng suất và chất lượng cao, nhưng tiêu thụ chỉ biết bám vỉa hè như nghìn xưa.
Chợ hoa Tết, từ nông thôn đến thành thị, cả nước rực rỡ muôn hồng ngàn tía. Loại hoa nào thế giới có mà người Việt cần, nông dân Việt đều có thể trồng. Nhưng gần như tất cả bày bán trên vỉa hè.
Cả nước đương nhiên có rất nhiều đường hoa xuân mà mỗi con đường tiêu tốn nhiều tỷ đồng, lợi ích thương mại chỉ mới dành cho vài người làm dự án. Cả nước hiếm có một chợ hoa Tết nào được đầu tư hạ tầng thích hợp cho người trồng hoa đem hoa vào bán.
Ông Năm Bình bên tấm lưới che tạm bợ để ăn nghỉ hơn chục ngày bán hoa Tết: “Qua mùa bán hoa Tết là con gái tôi đen thui”. Ảnh: Sáu Nghệ. |
Nên ông Năm Bình bán hoa Tết bên đường dẫn lên cầu Cần Thơ than thở với PV Tiền Phong: “Qua mùa bán hoa Tết là con gái tôi đen thui”. Ông giải thích, con gái tiếp ông bán hoa Tết, phải phơi sương nắng ở vỉa hè hơn chục ngày, ăn nghỉ dưới một tấm lưới nhỏ che tạm bợ.
Nhìn sang láng giềng
Cũng đứng trên vỉa hè Tết nhưng không nhìn vào nền nông nghiệp nước nhà mà nhìn sang Thái Lan, qua con mắt của nông dân. Đây là những nông dân sản xuất giỏi, dạo tháng 9-2012, có mặt trong đoàn tham quan học tập nước ngoài của tỉnh Đồng Tháp.
Khác với nhiều lần trước và địa phương khác, tỉnh Đồng Tháp tổ chức đi tham quan các cơ sở sản xuất nông nghiệp, không chỉ có quan chức mà cả nhiều nông dân, không đến các nước phát triển xa xôi mà đến Thái Lan láng giềng.
HTX Chôm chôm Tân Khánh ở xã Tích Thiện (Trà Ôn, Vĩnh Long) đang đứng trước nguy cơ không được tái chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP cho diện tích của 41 xã viên. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Lập cho biết, muốn tái chứng nhận cần 150 triệu đồng, số tiền HTX hiện không xoay xở được. Hơn hai năm trước, HTX Bưởi năm roi Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) đã để mất chứng nhận GlobalGAP vì không có tiền để làm thủ tục tái chứng nhận. Nguyên nhân sâu xa, trái cây đạt tiêu chuẩn GlobalGAP cũng phải tiêu thụ lẫn lộn với trái cây chưa đạt, nên không có tích luỹ cho phát triển. |
Ông Huỳnh Thanh Bá ở xã Mỹ Xương (Cao Lãnh, Đồng Tháp) kể: Nông dân trồng xoài ở Thái Lan ít nhất có 6 ha, còn trồng nhãn thì 10 ha. Trồng nhãn, cứ 100 hộ lập thành một nhóm có hơn 1.000 ha xử lý ra hoa đồng loạt và lệch vụ với các vùng khác để không gây dội chợ. Trồng xoài thì tưới nước theo lịch của Bộ Nông nghiệp Thái Lan quy định, cũng lệch vụ các vùng để ra trái rải vụ quanh năm. Việc tiêu thụ, đầu năm có công ty xuất khẩu bao tiêu, thông báo giá cho cả năm.
Ông Tống Văn Phong ở xã Vĩnh Thới (Lai Vung, Đồng Tháp) phân định: Trình độ canh tác của nông dân Thái Lan không hơn Việt Nam nhưng cơ sở hạ tầng và tổ chức sản xuất hiện đại hơn nhiều. Các hộ nông dân đều có ô tô bán tải để chở thẳng nông sản ra chợ đầu mối. Nông sản trước khi vào chợ đầu mối được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt. Mọi nông sản được kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu, vi phạm lần thứ 2 bị cảnh cáo, nếu vi phạm lần thứ 3 thì bị cấm vô chợ.
Ông Ngô Khuê ở xã Tân Bình (Thanh Bình, Đồng Tháp) chỉ ra: Diện tích trồng lúa của Thái Lan gấp 3 lần Việt Nam nhưng Thái Lan quản lý vĩ mô tốt hơn Việt Nam, mua bán nông sản không có trung gian mà doanh nghiệp trực tiếp với nông dân. Doanh nghiệp mua dưới giá sàn sẽ bị phạt. Tạm trữ lúa do Nhà nước thực hiện, khi giá cao thì khuyến khích nông dân bán.
Ông Khuê kết luận: “Qua tham quan, tôi thấy cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý của chính quyền, vai trò người cầm chịch trong sản xuất. Về lúa, Nhà nước mua tạm trữ cho nông dân chứ không nên để doanh nghiệp”.