Hàng nội phải tương đương hàng xuất khẩu

Hàng nội phải tương đương hàng xuất khẩu
TP - “Khi đáp ứng nhu cầu trong nước, hàng hóa phải đảm bảo chất lượng tương đương hàng xuất khẩu được. Các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng cạnh tranh bằng dịch vụ, công nghệ, mẫu mã chứ không phải chất lượng suông, ép nhau dùng. Như Nhật Bản họ sản xuất hàng trong nước cho người dân chất lượng cao hơn hàng xuất khẩu” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói tại Hội nghị sơ kết 3 năm cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” ngày 14-2.

> Người Việt có còn gà Việt mà ăn?
> Chung tay vì người Việt ưu tiên dùng hàng Việt

Ban chỉ đạo T.Ư cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cho biết sau ba năm thực hiện, nhận thức, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã có sự chuyển biến rõ rệt. Nếu trước khi thực hiện cuộc vận động chỉ có 23% người dân tin dùng các sản phẩm trong nước, đến nay con số này đã lên tới 71%.

Nhiều sản phẩm nội đã bước đầu đánh bật các sản phẩm ngoại ra khỏi thị trường. Điển hình như với mặt hàng gạch ốp, các sản phẩm trong nước đã chiếm 1/3 thị phần cả nước, đánh bật gạch ốp lát rẻ tiền ra khỏi biên giới và các doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư làm hàng cao cấp để xuất khẩu.

Bên cạnh những mặt làm được, một bộ phận dân cư vẫn chưa tin tưởng vào hàng Việt do giá bán, mức an toàn thực phẩm và độ bền chưa cao. Cùng với đó, các DN còn thiếu kỹ năng tiếp thị cho khách hàng. Ngay việc ưu tiên dùng hàng Việt trong mua sắm tài sản công chưa được thực hiện nghiêm túc. Dù các sản phẩm bàn ghế Xuân Hòa đẹp nhưng vẫn còn ít cơ quan dùng, mà toàn dùng hàng nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho rằng vẫn cần nhiều nỗ lực hơn nữa để hàng Việt có chỗ đứng bền vững trên thị trường. Nhiều đơn vị đi đầu trong sử dụng hàng Việt như TKV, Vinatext, PVN… Riêng ngành dầu khí sử dụng hàng trong nước tới hơn 14.000 tỷ đồng.

Kết quả khảo sát cho thấy, người tiêu dùng ngày càng thích dùng hàng Việt Nam.

Như với hàng dệt may, số người sử dụng hơn 80%, dây điện, bóng đèn chiếm trên 90%; rau quả trên 58%. 59% người tiêu dùng khi được hỏi cho biết sẽ ưu tiên dùng hàng Việt; 36% cho rằng “trước đây có thói quen mua hàng có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài nay đã dừng mua (hoặc mua ít hơn), thay bằng mua hàng Việt Nam.

Việc người tiêu dùng tăng sử dụng hàng Việt góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tỷ lệ nội địa hóa của các DN trong ngành công thương tăng 25%/năm, làm giảm nhập siêu năm 2011 là 9,8% và xuất siêu 64 triệu USD trong 11 tháng của năm 2012.

“Không thể kêu gọi người dân yêu nước bằng cách sử dụng hàng Việt mà hàng đó không đáp ứng được yêu cầu của nhân dân. Hiện tỷ lệ hàng Việt trưng bày tại các siêu thị cao, nhưng tại chợ truyền thống còn khiêm tốn” - Thứ trưởng Thoa cho biết.

Theo bà Hồ Thị Quý, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, cần đẩy mạnh các chương trình giúp người tiêu dùng nắm được cách thức nhận biết, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng cũng như tích cực khuyến khích doanh nghiệp tham gia hàng Việt về nông thôn; cam kết dùng hàng Việt,…

“Có tình trạng doanh nghiệp mang hàng khuyến mại là những hàng đã hết hạn, ảnh hưởng đến thương hiệu Việt về bán ở một số địa phương ở vùng sâu, vùng xa. Các DN cần có chiến lược sản xuất vì thị trường nội địa, cạnh tranh sòng phẳng, tinh thần vì hàng Việt, mua hàng Việt vì sức khỏe, vì kinh tế thì mới có ý nghĩa”, bà nói.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cuộc vận động có ý nghĩa quan trọng và hiệu quả đối với nền kinh tế. Mục tiêu của cuộc vận động nghe đơn giản nhưng ý nghĩa chiến lược cực kỳ to lớn.

Ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế, nếu các quốc gia không quan tâm và thành công trong việc phát triển năng lực sản xuất thì quốc gia đó ngày càng phụ thuộc nước ngoài và sẽ thất bại, không thể làm chủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG