Lật tẩy các chiêu làm tiền lao động

Lật tẩy các chiêu làm tiền lao động
TP - Trong quá trình điều tra, PV Tiền Phong đã lý giải được vì sao lao động tại Nghệ An lại tin 'cò mồi' đến thế.

> Lộ ra hàng loạt sai phạm ở Nghệ An

Lao động chen chúc đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tại TTGTVL Nghệ An. Ảnh: A. Khánh
Lao động chen chúc đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tại TTGTVL Nghệ An. Ảnh: A. Khánh.

Có 1.500 USD là đỗ

Theo phản ánh của nhiều LĐ, trước khi đăng ký kiểm tra tiếng Hàn, tại Nghệ An xảy ra tình trạng các cơ sở dạy tiếng Hàn, các giáo viên dạy tiếng Hàn, các đường dây dịch vụ, đầu nậu, cò mồi... bảo lãnh cho LĐ dự kiểm tra sẽ đỗ với mức giá 1.000-1.500 USD.

Cách làm chủ yếu của các là cho một số người thông thạo tiếng Hàn đăng ký dự thi. Những người này thực chất không phải vào phòng thi làm bài thi cho mình làm bài kiểm tra cho các LĐ. Họ còn nhắn đáp án ra ngoài hoặc nhắn cho người dự thi khác theo số máy điện thoại đã đặt hàng. Những người ở bên ngoài tiếp nhận tin nhắn đáp án, rồi nhắn tin hoặc đọc trực tiếp cho LĐ tại phòng thi.

Những người “thi giả” này được các chủ đầu nậu trả 1.000 USD và các khoản khác. Với LĐ dự kiểm tra tiếng Hàn thật, ngoài số tiền lót tay 1.000 USD đến 1.500 USD, còn phải nộp cho chủ đầu nậu 2 triệu đồng để mua điện thoại và sim. Điện thoại này được các LĐ kẹp vào thắt lưng ở bụng và nối dây từ máy ra mích và tai nghe, dắt ở áo sơ mi.

Nhiều LĐ và cả chính cò mồi tiết lộ với PV Tiền Phong rằng, qua 8 đợt kiểm tra tiếng Hàn tổ chức tại Nghệ An, việc sử dụng các chiêu trên đã cho kết quả cao, nằm ngoài mong đợi.

LĐ tố thêm nhiều sai phạm

Liên quan khoản tiền 50.000 đồng sai quy định và việc cố tình tuồn đơn đăng ký ra ngoài cho cò để thu 2 triệu đồng/đơn (Tiền Phong thông tin ngày 15-11), ông Hồ Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm (TTGTVL) Nghệ An, khẳng định không có chuyện đó.

Tuy nhiên, theo tài liệu PV Tiền Phong có được, sau khi đoàn kiểm tra của Bộ LĐ-TB&XH phát hiện TTGTVL Nghệ An thu sai quy định 50.000 đồng của LĐ, ông Hùng cũng như Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An Bùi Nguyên Lân đã thừa nhận và ký vào biên bản làm việc (biên bản này được lập vào lúc 14 giờ, ngày 12-11-2011 với 6 chữ ký của lãnh đạo Trung tâm lao động ngoài nước, Giám đốc TTGTVL Nghệ An, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An...).

Đáng lưu ý, sau khi Tiền Phong phản ánh những tiêu cực xảy ra tại TTGTVL Nghệ An, hôm qua, 12 LĐ trúng tuyển kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 8 năm 2010 có đơn gửi Tiền Phong tố cáo TTGTVL Nghệ An thu sai quy định 3 triệu đồng/LĐ.

LĐ Nguyễn Thị Ph. (xóm 4, Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An) và 11 LĐ khác cho biết, ngoài phải nộp 630 USD theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH, khi đến làm thủ tục, các LĐ còn bị cán bộ TTGTVL Nghệ An thu thêm 3 triệu đồng/người. Các LĐ này đề nghị Bộ LĐ-TB&XH có biện pháp can thiệp để TTGTVL Nghệ An hoàn trả lại khoản tiền 3 triệu đồng thu sai quy định.

Vì sao bỏ quên LĐ huyện nghèo?

Theo ông Dương, việc bỏ quên ba huyện nghèo Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương là do ba huyện này gửi danh sách lên Sở chậm so với thời gian yêu cầu của Bộ LĐ-TB&XH. Theo công văn của Sở, hạn nộp là ngày 5-12-2010, nhưng tháng 2-2011, huyện Quế Phong mới có danh sách 23 LĐ đăng ký gửi về Sở. Tương Dương đến ngày 10-3-2011 mới báo cáo về Sở 2 trường hợp; còn huyện Kỳ Sơn không có LĐ đăng ký. Vì thế, ngày 29-12-2010, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An mới có văn bản báo cáo lên Cục là không có LĐ huyện nghèo Nghệ An đăng ký.

Cò doạ sử dụng xã hội đen để xử PV Tiền Phong

Ngày 15-12, trong quá trình PV Tiền Phong thu thập thông tin để viết bài, bà Phạm Thị V. (khối 14, phường Trường Thi, TP Vinh), một cò mồi của đường dây lừa đảo XKLĐ sang Hàn Quốc tại Nghệ An đã gọi điện cho một đồng nghiệp của PV Tiền Phong để đe dọa.

Theo vị đồng nghiệp này, bà V. nói, sẽ cử xã hội đen để xử PV Tiền Phong.

Ngoài ra, ông Dương còn viện dẫn nguyên nhân là tại các huyện miền núi có đặc thù khó khăn, đối tượng tuyển dụng không có. Huyện gửi công văn xuống xã do địa bàn xa nên báo cáo chậm. “Lỗi này là do các huyện miền núi chứ không phải do Sở LĐ-TB&XH Nghệ An”, ông Dương nói.

Trong quá trình làm việc với ông Nguyễn Đăng Dương, PV Tiền Phong phát hiện một số dấu hiệu nghi ngờ về việc điền thời gian ngày 12-11-2010 vào công văn số 2071/LĐTBXH-LĐVL về việc đăng ký học tiếng Hàn gửi UBND huyện Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn. Đó là tại sao chữ số 12 lại được viết bằng bút mực, còn chữ số 11 và 2010 lại được đánh bằng chữ in? Ông Dương lý giải: “Do công văn đánh sẵn, nhân viên để trống ngày vì có khi lãnh đạo đi công tác về chưa kịp, sau đó mới điền vào”.

Trao đổi với PV, ông Lữ Đình Thi, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong, khẳng định: Quế Phong đã gửi danh sách lên Sở LĐ-TB&XH Nghệ An nhưng không thấy Sở gửi ra Bộ LĐ-TB&XH.

Yêu cầu Công an tỉnh Nghệ An điều tra, làm rõ

Hôm qua, 15-12, ông Nguyễn Xuân Đường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi đọc báo Tiền Phong, ông đã ký công văn chỉ đạo Công an tỉnh Nghệ An phải vào cuộc điều tra vấn đề báo nêu. Công an tỉnh phải làm rõ đường dây cò lừa đảo đưa người đi XKLĐ sang Hàn Quốc.

“Tôi đã yêu cầu Sở LĐ-TB&XH Nghệ An phải sớm có giải trình và báo cáo sự việc lên UBND tỉnh. Phải xử lý nghiêm việc này để đem lại quyền lợi công bằng cho người LĐ”, ông Đường nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thủ tướng: Đưa tiền ra, hút tiền về phải nhịp nhàng, không giật cục
Thủ tướng: Đưa tiền ra, hút tiền về phải nhịp nhàng, không giật cục
TPO - "Việc đưa tiền ra và hút tiền về phải nhịp nhàng, đồng bộ, hợp lý, không giật cục và tạo áp lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khắc phục nhanh hậu quả cơn bão số 3, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" - công điện của Thủ tướng chỉ đạo về điều hành tín dụng nêu rõ.
Bỏ việc, đùm cơm đi học cùng con: Chuyện không lạ ở Đất Mũi
Bỏ việc, đùm cơm đi học cùng con: Chuyện không lạ ở Đất Mũi
TPO - “Đi học cùng con” với mọi người nghe rất lạ, nhưng với nhiều phụ huynh vùng Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) lại rất quen thuộc. Hằng ngày, nhiều gia đình nơi đây phải cắt cử 1 người lớn bỏ hết việc chỉ đưa con em mình đến lớp học chữ, rồi ở lại chờ các em học xong rước về. Để tiết kiệm, nhiều phụ huynh mang theo cơm trưa cùng ăn với con.