>> Tiết kiệm năng lượng để giảm giá sản phẩm
Vụ đông xuân 2010-2011, nhà máy của Cty Cổ phần Bảo vệ Thực vật An Giang tổ chức được hình thức liên kết bền chặt với nông dân ở các huyện Châu Thành, Tịnh Biên và Tri Tôn trên diện tích 1.100 héc-ta lúa chất lượng cao.
Cty xây dựng nhà máy chế biến gạo xuất khẩu tại xã Vĩnh Bình (Châu Thành), nằm ở trục trung tâm Tứ giác Long Xuyên, có khả năng liên kết các vùng nguyên liệu ở các huyện, thị thành lân cận.
Nhà máy hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, hướng dẫn ứng dụng quy trình sản xuất tiên tiến để có năng suất cao, tiết kiệm chi phí. Giống, phân bón, thuốc trừ sâu v.v… nhà máy đầu tư cho nông dân, đến cuối kỳ thu hoạch mới lấy lại. Khi thu hoạch, nông dân còn được hỗ trợ vận chuyển về nhà máy, nhờ đó tiết kiệm được thêm một khoản tiền.
Hình thức này đang tạo ra nhiều phấn khởi cho nông dân. Chị Nguyễn Thị Phượng ngụ ấp Tân Phú (xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành) cho hay, gia đình chị thu hoạch lúa đông xuân trúng mùa trúng giá, lại được nhà máy ứng trước vật tư và miễn phí công vận chuyển, nên lợi nhuận tăng hơn trước rất nhiều.
Ông Phạm Hoàng Đức, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Bình, phấn khởi nói: Chẳng những nông dân phấn khởi mà chính quyền địa phương cũng phấn khởi vì không còn phải phập phồng lo chuyện tiêu thụ lúa khi vào mùa thu hoạch rộ nữa. Toàn xã đã có trên 500 hộ làm lúa chất lượng cao cung ứng cho nhà máy theo hợp đồng, nhiều nông dân khác đăng ký tham gia vào vụ tới.
Tại An Giang, Cty Thủy sản Thuận An với đà phát triển tạo được thương hiệu uy tín trên thương trường cũng đang mở rộng mối liên kết với các hộ nuôi cá để có nguồn nguyên liệu ổn định. Liên kết với Cty Thuận An, người nuôi an tâm về đầu ra vì được bao tiêu sản phẩm. Quá trình nuôi còn được hướng dẫn kỹ thuật theo những tiêu chuẩn hiện đại, giảm giá thành. Đây là mối liên kết chia sẻ chuỗi giá trị gia tăng, cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều có lợi.
Ở tỉnh Bạc Liêu đang phát triển các mối liên kết hợp tác giữa ngư dân đánh bắt khơi xa để giảm chi phí, và thuận lợi trong tiêu thụ sản phẩm. Ông Bùi Công Bê ở ấp 2, thị trấn Gành Hào (Đồng Hải) có hai chiếc tàu, trước đây chuyên đánh cá biển, nay để một chiếc chuyên đánh bắt còn một chiếc làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Dịch vụ gồm cung cấp nhiên liệu, thực phẩm và mua hải sản của các tàu đánh cá bám biển dài ngày.
Ngoài ra, ông còn mở dịch vụ y tế, chở vào đất liền những ngư phủ bị bệnh cần chữa trị, không như trước đây, những tàu đánh bắt phải chạy vào rất tốn kém, nếu bệnh không trầm trọng thì người bệnh nằm chịu đựng cho hết chuyến biển.
Theo ông Bê, tàu dịch vụ giúp chiếc tàu chuyên đánh bắt của ông giảm được chi phí 30-40%, lợi nhuận tăng lên nhiều lần, giúp nhiều chiếc tàu của bạn nghề cùng hưởng lợi tương tự.
Còn bà Nguyễn Lệ Thủy ở ấp 1, thị trấn Gành Hào lại liên kết để có đôi tàu làm nghề cào đôi hoạt động xa bờ. Trước đây, vốn liếng ít, bà chỉ có một chiếc tàu làm nghề cào đơn hiệu quả kinh tế thấp, nay có bà con hùn vốn đóng thêm một chiếc tàu nữa nên chuyển sang cào đôi, mỗi chuyến biển khoảng 15 ngày thu được lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Bà Thủy vui vẻ nói, trong khó khăn chung do biến động giá cả nếu tính toán liên kết tốt thì làm ăn vẫn có hiệu quả.
Việc liên kết trong khai thác biển đang mở rộng sang hỗ trợ thông tin thị trường, đảm bảo y tế, cứu nạn và cứu hộ. Bà con ngư dân nói, chủ động và sáng tạo trong liên kết sẽ tạo thêm nhiều nguồn lực vượt qua mọi khó khăn.