Đề tài đưa ra con số làm nhiều người giật mình: Mỗi năm có thể tiết kiệm năng lượng (chủ yếu là điện) tương đương 48.000 tấn dầu qui đổi.
“Tính chung toàn tỉnh Đồng Tháp, tiềm năng tiết kiệm là 25% tổng năng lượng đang tiêu thụ”, Chủ nhiệm đề tài, PGĐ Sở Công Thương Lê Hữu Dư cho biết. Khi tiết kiệm được số năng lượng lớn như thế còn giảm phát thải mỗi năm trên 27.000 tấn CO2 ra môi trường.
Đề tài còn nghiên cứu được một bộ cơ sở dữ liệu về suất tiêu hao năng lượng trung bình trên đơn vị sản phẩm của một số ngành công nghiệp.
Ông Lê Ngọc Thành, chủ DNTN Vĩnh Thới cho biết, qua hỗ trợ kiểm toán năng lượng, các giải pháp đề xuất đã được doanh nghiệp triển khai thực hiện. Đa phần các giải pháp không quá khó với doanh nghiệp do mức đầu tư thấp, hoàn toàn nằm trong khả năng. “Khi thực hiện những giải pháp được tư vấn, chúng tôi đã tiết kiệm được 15% năng lượng tiêu thụ, giảm đáng kể chi phí sản xuất”, ông Thành nói.
Các giải pháp ban đầu chỉ tập trung vào cải tạo và hợp lý hóa trang thiết bị hiện có. Kết quả này có được nhờ đề tài đã đi sâu vào đánh giá một số công nghệ, thiết bị lãng phí năng lượng mà các doanh nghiệp đang sử dụng. Tiếp theo, đưa ra những giải pháp cụ thể tiết kiệm năng lượng, đến cao nhất là đổi mới trang thiết bị, công nghệ, kể cả công nghệ quản lý.
Ông Lê Hữu Dư, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, lần đầu tiên ở tỉnh Đồng Tháp đã tổng quát được mức tiêu thụ năng lượng so với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; từ đó có chính sách thúc đẩy tiết kiệm năng lượng có kết quả, một điều mà trước đây chỉ hô hào chung chung chưa làm được.
Đây cũng là tiền đề để xây dựng kế hoạch phát triển và phân phối năng lượng hợp lý hơn, vượt qua sự thiếu hụt năng lượng triền miên, đồng thời giúp các doanh nghiệp định hướng tiết kiệm năng lượng rõ ràng, có hiệu quả, giảm được giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh.
PGS.TS Nguyễn Hoàng Việt (Khoa Hệ thống điện của trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) nhận xét, đề tài rất thiết thực vừa có giá trị trước mắt vừa có tính chiến lược lâu dài; không những có giá trị trong tỉnh Đồng Tháp mà còn có thể áp dụng cho nhiều địa phương khác trong cả nước.
Những ngành công nghiệp chủ lực của Đồng Tháp cũng là những ngành có tiềm năng tiết kiệm điện lớn nhất. Sản xuất gạch ngói có khả năng tiết kiệm trên 30% năng lượng đang tiêu thụ, sản xuất nước đá trên 24%, sản xuất dược phẩm 22%, chế biến thủy sản 14%, chế biến lương thực 11%. Riêng với lĩnh vực chiếu sáng công cộng và tiêu dùng cho sinh hoạt, tiềm năng tiết kiệm 10 – 30%. |