Ngoại thành muốn như cũ

Ngoại thành muốn như cũ
TP - Tại cuộc họp giao ban ngày 10-2 ở Sở GD&ĐT Hà Nội, đại diện nhiều trường ngoại thành tiếp tục đề xuất trở về khung giờ học cũ với lý do trường nằm trong khu vực ít ùn tắc giao thông.

> Hà Nội đổi giờ tan trường từ 13-2

Học sinh nội thành chật vật thích nghi với việc đổi giờ học. Ảnh Trường Phong
Học sinh nội thành chật vật thích nghi với việc đổi giờ học. Ảnh Trường Phong.

Ông Trần Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Ngọc Hồi, đề nghị tiếp tục xem xét để điều chỉnh giờ tan học hợp lý hơn với các trường THPT ở hai huyện Thanh Trì, Từ Liêm. Theo ông Tuấn, đây là khu vực mà sự tác động của học sinh tới ùn tắc giao thông gần như không có. Do vậy, tốt nhất nên cho các em được trở lại khung lịch học như cũ. Nếu không, nên để ca chiều kết thúc trước 17h30, ca sáng vào học lúc 7h15.

Một đại diện khối giáo dục thường xuyên (GDTX) cũng đề nghị học sinh hệ này được tan học chiều sớm hơn và vào học sáng muộn hơn. Theo đại biểu này, học sinh khối GDTX thường có học lực yếu, không ham học và nếu điều kiện học tập khó khăn quá sẽ ảnh hưởng sự chuyên cần của các em.

Ngoài ra, địa bàn tuyển sinh của hệ GDTX rộng, nhiều em phải đi học rất xa. Có trường ở huyện Thanh Trì nhưng có học sinh ở các xã Đại Áng, Vạn Phúc, Diên Thái của huyện Thường Tín. Tan học muộn sẽ không đảm bảo an toàn cho các em, đặc biệt với những em phải đi dọc đường đê sông Hồng vắng vẻ mà nhiều đoạn không có điện.

Không cứng nhắc giam học sinh

Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết, theo Quyết định 315, các trường mầm non, tiểu học, THCS có thể tiếp nhận học sinh từ 7h30 và quản lý học sinh đến 17h30 hằng ngày. Vậy đằng nào học sinh cũng đến trường từ lúc 7h30 nên các trường không nhất thiết phải học từ 8h00 mà có thể học từ 7h40 hoặc 7h45 tuỳ trường, miễn là phải đảm bảo sau 7h30 để tránh ùn tắc.

Cũng như vậy, các cháu tan trường có thể vào lúc 5h15. Sự điều chỉnh này sẽ giúp các trường giãn thời gian giao ca giữa ca sáng và ca chiều từ 30 phút như hiện nay thành 60 phút. Ngoài ra, việc các trường THCS và tiểu học ở gần nhau tan trường lệch nhau, dù chỉ 15 phút, cũng giảm mật độ giao thông.

Bà Dương Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, nói: “Đồng loạt tan học lúc 17h00 hay lúc 17h30 thì sẽ ùn ứ cục bộ trong một thời gian ngắn, đặc biệt là ở những tuyến phố có nhiều trường. Để tránh ùn ứ, chúng tôi xin phép chủ động bố trí giờ tan học theo từng tuyến phố. Ví dụ với 4 trường trên phố Nhà Chung học vào buổi chiều, chúng tôi sẽ phân giờ tan học cho từng trường”.

Với những trường tổ chức học 2 buổi/ngày, thời gian học buổi chiều có thể ngắn hơn so với trường chỉ học 1 buổi/ngày. Khi đó, các trường có thể cho học sinh về ngay sau khi tan học mà vẫn tránh được tan học cùng giờ cao điểm.

Từ ngày 13-2, với các trường mầm non, tiểu học, THCS gần nhau, trên cùng một tuyến phố, phụ huynh có thể đón trẻ trước 17h00; các trường có thể bắt đầu giờ học buổi sáng sau 7h30 và kết thúc giờ học buổi chiều trước 17h30.

Ông Nguyễn Hiệp Thống nhấn mạnh: “Việc đổi giờ có thể gây xáo trộn và làm tăng chi phí nhưng các trường tuyệt đối không thu một đồng nào của cha mẹ học sinh”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
Đắk Lắk xác lập 3 kỷ lục quốc gia
TPO - Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao 3 xác nhận kỷ lục cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Quyết định công nhận Bảo vật quốc gia đối với Bộ sưu tập mũi khoan đá Thác Hai.