Hơn 22 triệu học sinh, sinh viên vào năm học mới

Nữ sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội ngày khai giảng (4-9). Ảnh: Hồng Vĩnh
Nữ sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội ngày khai giảng (4-9). Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm nay (5-9), hơn 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới 2011-2012. Trong khi số học sinh THCS và THPT đều giảm, khối đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) lại tăng mạnh mẽ về quy mô.

> Phó Thủ tướng gióng trống khai trường

Nữ sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội ngày khai giảng (4-9). Ảnh: Hồng Vĩnh
Nữ sinh trường THPT Việt Đức, Hà Nội ngày khai giảng (4-9).
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Theo Bộ GD&ĐT, quy mô học sinh (HS), sinh viên (SV) năm nay tăng không đáng kể so với năm ngoái. Chiếm số lượng lớn là khối học sinh phổ thông, khoảng hơn 15 triệu em, trong đó non nửa là học sinh tiểu học. So với năm ngoái, số học sinh THCS và THPT đều giảm nhưng không đáng kể (cả hai cấp học giảm khoảng hơn 13.000), còn học sinh tiểu học tăng khoảng 300.000.

Năm học này, khối ĐH, CĐ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô, cả nước có gần 2,5 triệu sinh viên ĐH, CĐ – tăng khoảng 15% so với năm ngoái.

Theo Bộ GD&ĐT, trước khai giảng năm học, các địa phương đều đã chuẩn bị tốt các điều kiện về nguồn lực, cơ sở vật chất cho năm học mới. Nhiều trường học được xây mới và đưa vào sử dụng ngay đầu năm học.

Các địa phương đã huy động vốn từ nhiều nguồn lực khác nhau để đầu tư sửa chữa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Nhiều tỉnh có kế hoạch xây dựng nhà công vụ cho hầu hết địa bàn để tạo điều kiện sinh hoạt và công tác của giáo viên trẻ mới ra trường, giáo viên thực hiện luân chuyển.

Trong trận lũ quét lịch sử cuối tháng 6 vừa qua, thầy trò các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương của Nghệ An chịu khá nhiều tổn thất nhưng đến nay cả hai huyện này cơ bản khắc phục xong hậu quả trận lũ. Các trường đã hoàn chỉnh việc sửa chữa, nâng cấp, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ năm học mới và tổ chức dạy học từ 15-8-2011.

Trước ngày khai giảng, NXB Giáo dục đã phát hành đến các địa phương 88,3 triệu bản sách giáo khoa. Tất cả con em thương binh, liệt sĩ đều được NXB Giáo dục tặng mỗi em một bộ SGK và 10 cuốn vở. Lãnh đạo NXB Giáo dục khẳng định, hệ thống xuất bản - phát hành sách giáo dục cùng các sở GD&ĐT đảm bảo học sinh trên mọi miền đất nước có đủ SGK để học tập.

GS Ngô Bảo Châu cùng học sinh trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH QG Hà Nội tại lễ khai giảng. Ảnh: Hồng Vĩnh
GS Ngô Bảo Châu cùng học sinh trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH QG Hà Nội tại lễ khai giảng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, song song với việc chuẩn bị cho khai giảng, các địa phương cũng đã điều tra, nắm bắt số trẻ trong độ tuổi đến trường để gửi giấy báo gọi học sinh nhập học, thực hiện nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền, phấn đấu đưa toàn bộ học sinh 6 tuổi vào lớp Một, học sinh tốt nghiệp tiểu học vào lớp Sáu.

Đối với học sinh cũ, các trường cập nhật danh sách học sinh bỏ học những năm trước, số đi học tiếp của năm học này để phối hợp với các cơ quan liên quan vận động học sinh bỏ học trở lại trường.

* Sáng qua (4-9), thầy trò trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội chào đón cựu học sinh Ngô Bảo Châu trở về dự lễ khai giảng năm học 2011- 2012. Cùng chia sẻ niềm vui khai trường với học sinh nhà trường còn có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận và Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước Trần Văn Nhung (trước đây cũng là học sinh A0, khoá I).

Tâm sự với học sinh trường THPT Chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: Hồi tưởng lịch sử thành lập trường, các thế hệ học sinh khối A0, và nay là trường THPT Chuyên phải luôn luôn nhớ công ơn của những nhà lãnh đạo, nhà khoa học đã có công đề xuất và ủng hộ việc thành lập khối chuyên: cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng và cố GS Tạ Quang Bửu.

Về hướng phát triển trường chuyên, GS Ngô Bảo Châu khẳng định thế mạnh nổi bật của trường là một trường phổ thông nằm trong trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội, nơi có nhiều nhà khoa học, giáo sư đầu ngành của cả nước. “Phải làm thế nào có sự liên kết mang tính chiến lược giữa khối A0 với trường ĐH Quốc gia Hà Nội, GS Châu nói.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai giảng năm học mới

Trong dịp lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự khai giảng với học sinh trường THPT Quốc học Huế. Ngày 3-9, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự khai giảng tại trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hoá.

Hôm qua, 4-9, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh trống khai giảng tại trường THPT Việt Đức – Hà Nội. Theo kế hoạch, hôm nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng loạt dự lễ khai giảng tại một số trường ở Hà Nội: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng dự lễ tại trường Hà Nội - Amsterdam; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ ở trường THPT Sóc Sơn; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến trường THPT Nội trú Ba Vì...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Xây dựng sông Hồng là biểu tượng phát triển của Thủ đô
Xây dựng sông Hồng là biểu tượng phát triển của Thủ đô
TPO - “Xây dựng Hà Nội là thành phố xanh và sinh thái, với sông Hồng là biểu tượng phát triển. Cùng với đó, tỷ lệ đô thị hóa đạt 75%..”, đó là một trong những mục tiêu tại Chương trình phát triển đô thị TP. Hà Nội giai đoạn đến năm 2035 vừa được UBND TP. Hà Nội công bố.