Học quản trị kinh doanh, ra trường làm CEO

Học quản trị kinh doanh, ra trường làm CEO
TPO- Quản trị kinh doanh là ngành khá "hot" trong nhóm ngành kinh tế. Năm 2010, điểm chuẩn của các trường chênh lệch khá lớn: các trường lớn lấy 23 điểm trở lên, trong khi những trường mới đào tạo chỉ bằng điểm sàn.

Quản trị kinh doanh hiện được đào tạo ở hầu hết các trường đại học, cao đẳng kinh tế, tài chính như Khoa Kinh tế (Đại học Quốc Gia TPHCM), Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội), Đại học Kinh tế Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên, Đại học Kinh tế quốc dân.

Ngành quản trị kinh doanh có các chuyên ngành như: quản trị nhân sự, quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị chất lượng, quản trị dịch vụ, quản trị du lịch, quản trị kinh doanh quốc tế, thương mại, quản trị chất lượng, marketing, quản trị truyền thông…

Trong đó, trường ĐH Kinh tế quốc dân chia ra các chuyên ngành: Quản trị doanh nghiệp, chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp, chuyên ngành Quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh, Quản trị quảng cáo.

Đại học Kinh tế Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên gồm các chuyên ngành: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị doanh nghiệp công nghiệp, Marketing, Quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn.

Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) còn đào tạo những quản trị kinh doanh đạt trình độ quốc tế

Học ngành Quản trị kinh doanh có thể trở thành doanh nhân, nhà quản lý có đầy đủ năng lực, trình độ để làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế, môi trường cạnh tranh toàn cầu.

Về kiến thức: Trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản, tổng hợp và hiện đại về nhiều lĩnh vực toán và khoa học tự nhiên, kinh tế - xã hội, và nghệ thuật - nhân văn.

Sinh viên cũng được trang bị kiến thức chuyên sâu về ngành kinh doanh và quản trị kinh doanh gồm cả lý thuyết và thực tiễn liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như quản trị nguồn nhân lực, quản trị chiến lược, nguyên lý marketing, tài chính, kế toán...

Về kỹ năng: Sinh viên được trang bị, phát triển và hoàn thiện các kỹ năng nghề nghiệp, gồm kỹ năng viết và giao tiếp trong kinh doanh, kỹ năng đàm phán, thuyết trình, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng lãnh đạo và các giá trị đạo đức nghề nghiệp.

Sinh viên cũng được trang bị kỹ năng phân tích tình huống, tiếp cận, phân tích, xử lý một cách độc lập các vấn đề như tài chính, kế toán, marketing, nhân sự... trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hoặc các lĩnh vực liên quan đến quản trị kinh doanh.

Về năng lực: Sinh viên tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh, vị trí làm việc trong hầu hết các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc mọi lĩnh vực trong nước và quốc tế, các tổ chức nghiên cứu và quản lý kinh doanh, các tổ chức xã hội và phi chính phủ.

Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tổng hợp, quản trị dịch vụ, quản trị nhân sự… có thể làm công tác quản lý doanh nghiệp ở các đơn vị sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tài chính, tiền tệ; tổ chức và quản lý các cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục, thể thao.

Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị du lịch có khả năng điều hành một cơ sở kinh doanh du lịch, lập kế hoạch kinh doanh, tiếp thị du lịch hoặc làm cán bộ quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch…

Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị chất lượng có thể lập kế hoạch, chương trình quản lý chất lượng, xác định chính sách chất lượng cho công ty, góp phần tạo ra những sản phẩm phù hợp thị trường với chi phí thấp nhất…

Sinh viên chuyên ngành thương mại được đào tạo kiến thức và kỹ năng về thương mại, quản trị doanh nghiệp thương mại, có khả năng tham mưu lãnh đạo thương mại hiệu quả. Tốt nghiệp chuyên ngành này có thể làm việc ở các đơn vị xuất nhập khẩu, thương mại, các công ty nước ngoài, quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại…

Quản trị truyền thông là chuyên ngành khá mới, đào tạo các kiến thức cơ bản quản trị doanh nghiệp và các kiến thức kỹ năng về quản trị truyền thông trong doanh nghiệp. Chẳng hạn như tổ chức và thực hiện các đợt quảng cáo, khuyến mãi; tổ chức các sự kiện, xử lý thông tin, thiết lập quan hệ với khách hàng...

Sinh viên chuyên ngành marketing có chuyên môn thực hiện các cuộc điều tra, nghiên cứu thị trường, đàm phán khách hàng, thiết kế các chiến lược và tổ chức thực hiện kế hoạch marketing cho doanh nghiệp.

Sinh viên Quản trị kinh doanh đạt trình độ quốc tế (trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội) ra trường làm: Giám đốc điều hành, giám đốc bộ phận; Trưởng bộ phận hoặc chuyên viên về hoạch định kế hoạch quản trị chiến lược, phát triển thị trường, quản trị dự án, quản trị nhân sự, giám sát sản xuất, marketing - PT - Event, và quản trị kênh phân phối của doanh nghiệp.

Chuyên gia tư vấn về quản trị chiến lược, quản trị dự án, quản trị nhân sự, phát triển thị trường; Đại diện thương mại, trưởng văn phòng đại diện, trưởng chi nhánh; Chuyên viên nghiên cứu tại các Viện, cơ quan nghiên cứu về kinh doanh của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ.

Sinh viên tốt nghiệp trình độ quốc tế có khả năng sử dụng thành thạo Tiếng Anh trong công việc, trong giao tiếp với các đồng nghiệp nước ngoài về chuyên môn và giao tiếp những vấn đề xã hội thông thường. (tương đương IELTS 6.0 trở lên).

Năm 2010, điểm chuẩn của các chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị doanh nghiệp công nghiệp, Marketing, Quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn của Đại học Kinh tế Quản trị Kinh doanh - Đại học Thái Nguyên cùng 13,5 điểm.

Đại học Kinh tế quốc dân: Chuyên ngành Quản trị doanh nghiệp (433), khối A: 22,5 điểm, khối D1: 21,5 điểm; chuyên ngành Quản trị kinh doanh tổng hợp (435), khối A: 22,5; khối D: 21,5; chuyên ngành Quản trị kinh doanh bằng tiếng Anh (E - BBA) mã 457, khối A: 19,0, khối D1: 26,5 (Ngoại ngữ nhân hệ số 2), Quản trị quảng cáo (430), khối A: 19,0, khối D1: 18,0.

Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc Gia Hà Nội) ngành Quản trị kinh doanh: Khối A: 21 điểm, khối D1: 22 điểm.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.