Người trẻ muốn lập thân phải tự chủ

Người trẻ muốn lập thân phải tự chủ
Mùa tuyển sinh và thời điểm sinh viên mãn khóa càng đến gần thì nỗi lo học không đúng ngành nghề, ra trường không kiếm được việc làm… càng trở nên rõ nét.

Người trẻ muốn lập thân phải tự chủ

> Làm giàu trên vùng đất cằn cỗi
> Hãy nuôi khát vọng, đừng tham vọng!

Mùa tuyển sinh và thời điểm sinh viên mãn khóa càng đến gần thì nỗi lo học không đúng ngành nghề, ra trường không kiếm được việc làm… càng trở nên rõ nét.

Làm thế nào để có sự lựa chọn phù hợp, hiệu quả đối với nghề nghiệp, công việc mà mình sẽ gắn bó cả đời? Sinh Viên Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hữu Dũng, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ - TB - XH) để giúp các bạn trẻ tìm đáp án cho câu hỏi hóc búa này.

Người trẻ muốn lập thân phải tự chủ ảnh 1

Khái niệm "ổn định" chỉ là tương đối

Thưa ông, từng có nhiều năm nghiên cứu về thị trường lao động, ông có thể dự báo xu hướng nghề nghiệp - việc làm trong thời gian tới?

Việt Nam, về cơ bản, vẫn là nước đang sử dụng nhiều lao động phổ thông nhưng cũng đang từng bước áp dụng công nghệ cao, sử dụng nhân lực trình độ cao trong lao động. Theo tôi, các ngành có nhu cầu tuyển dụng lớn nguồn nhân lực trình độ cao ở thời điểm này và trong tương lai gần sẽ là những ngành công nghệ cao như: Kỹ sư tự động hóa, công nghệ thông tin, viễn thông; chuyên gia công nghệ sinh học ứng dụng (nuôi cấy mô, vi sinh vật, nuôi trồng thủy sản), lọc hóa dầu…; nhân lực trình độ cao về các ngành dịch vụ kinh tế như kế toán, marketing, kiểm toán, ngân hàng, thị trường chứng khoán, bảo hiểm...

Về các ngành nghề áp dụng công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động, sản xuất sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có ưu thế, có 5 ngành chính mà theo tôi đang và sẽ "hot": Thứ nhất là kỹ thuật viên công nghệ thông tin, lắp ráp, sửa chữa điện thoại di động. Thứ hai là thợ cơ khí có tay nghề cao như thợ hàn bậc cao, công nhân vận hành sửa chữa thiết bị tự động hóa, thợ sửa chữa lắp ráp ô tô. Thứ ba là kỹ thuật viên đồ họa, thiết kế mẫu mã, tạo dáng công nghiệp. Thứ tư là ngành điện tử, điện lạnh như sửa chữa lắp ráp thiết bị điện tử, hệ thống điện, đồ gia dụng… Thứ năm là nhóm ngành dịch vụ, du lịch, bao gồm nhân viên có kỹ năng thành thạo về nghiệp vụ du lịch, khách sạn, nhà hàng...

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh là làm ngành gì thì các bạn cũng phải thật vững chuyên môn, thành thạo kỹ năng thực hành và đặc biệt lưu ý đến những kỹ năng mềm như trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng thích ứng, làm việc trong môi trường đa văn hóa... Ngoại ngữ và tin học là chìa khóa để khai thác Internet, một nguồn tài nguyên vô tận phục vụ cho việc phát triển tay nghề của mỗi người lao động.

Nhưng trên thực tế, sinh viên được đào tạo các ngành nghề như: Kế toán, Tài chính - Ngân hàng... ra trường vẫn không tìm được việc (riêng tỉnh Thanh Hóa có tới 25.000 sinh viên thất nghiệp mỗi năm)?

Tôi thấy, trường hợp của tỉnh Thanh Hóa không phải là cá biệt mà là phổ biến. Nhưng Thanh Hóa đã dám công bố, còn nhiều tỉnh, thành khác thì chưa dám công khai. Vấn đề đặt ra chính là chất lượng đào tạo chưa theo kịp với chất lượng lao động thị trường cần. Thị trường cần đến những lao động có tay nghề cao, có kiến thức và trình độ sâu nhưng tấm bằng của 3 - 4 năm học cao đẳng, đại học chỉ cho bạn kiến thức đại trà. Và thị trường thì không có nhu cầu tuyển một người có kiến thức cơ bản, đôi khi còn bị hổng để rồi phải mất công đào tạo lại.

Ông quan niệm thế nào là "công việc tốt"? Phải chăng tốt là ổn định và có được mức lương phù hợp?

Theo tôi, chữ "ổn định" chỉ có ý nghĩa tương đối trong nền kinh tế thị trường. Quan niệm cũ cho rằng, ổn định là không mất công thay đổi, là việc bạn gắn bó cho đến lúc nghỉ hưu. Trên thế giới cũng tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về tính ổn định. Người Nhật tuyển lao động và xây dựng các "gia đình doanh nghiệp" với biên chế suốt đời. Trong khi người Mỹ thì sẵn sàng "nhảy" việc, sẵn sàng thử nghiệm nhiều ngành nghề khác nhau để tìm ra công việc phù hợp. Lao động Việt Nam cũng đang dần hình thành xu hướng "trải nghiệm" đó.

Căn cứ theo pháp luật lao động thì công việc ổn định là khi bạn cầm được một bản hợp đồng có giá trị hơn 3 tháng. Còn về lý thuyết, công việc ổn định là khi nhu cầu của người sử dụng lao động được kết hợp hài hòa với lợi ích, nguyện vọng của người lao động.Tuy nhiên, một công việc tốt, theo tôi, phải thỏa mãn được 3 câu hỏi: Thứ nhất, công việc đó có yêu cầu và điều kiện để bạn có cơ hội tiếp tục được đào tạo hay không? Thứ hai là mức lương và môi trường làm việc ở đó như thế nào, có thỏa đáng với bạn không? Thứ ba, khi làm ở đó, bạn có cơ hội để thăng tiến trong sự nghiệp? Công việc tốt luôn là công việc đòi hỏi sự cạnh tranh rất cao trong thị trường. Còn "công việc tốt" là dựa dẫm vào gia đình, mối quan hệ "ngầm" hay dùng tiền để "mua" thì đó chỉ là tốt cho bản thân anh nhưng là xấu cho xã hội.

Người trẻ muốn lập thân phải tự chủ ảnh 2

Tự chủ để không bị động

Ông nghĩ sao về chuyện sinh viên ra trường chấp nhận làm trái ngành nghề được đào tạo rồi gắng bám trụ tại các đô thị?

Tôi nghĩ, đó là cách mà người lao động lựa chọn và là điều dễ chấp nhận trong nền kinh tế thị trường. Một khi bạn không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng thì tự bạn phải biết hạ những tiêu chuẩn của cá nhân. Bạn phải chấp nhận làm những việc không đúng ước mơ, chuyên ngành. Bù lại, bạn có thu nhập và có thời gian để tìm những cơ hội khác. Thực tế, đó là bài toán chờ thời và tạm thời. Xã hội có thể không chấp nhận được hiện tượng ấy vì nó phản ánh sự bất cập, vì nó thể hiện sự lãng phí tài chính và công sức của nhiều thế hệ. Nhưng một khi chúng ta sai từ định hướng nghề nghiệp, đào tạo thì hệ quả là "thiếu người làm" trong lúc "thừa nhân công".

Vậy để định hướng nghề nghiệp tốt, chúng ta nên bắt đầu từ lúc nào và bắt đầu ra sao?

Định hướng nghề cho thanh niên, sinh viên phải dựa trên "tam giác định hướng nghề nghiệp". Đỉnh thứ nhất chính là chủ thể được định hướng mà quan trọng nhất chính là thanh niên. Họ cần biết được năng lực và điều kiện hoàn cảnh của chính mình. Đỉnh thứ hai là yêu cầu nghề nghiệp của xã hội theo định hướng thị trường. Thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh và cho biết, nó đang thiếu ở đâu, thừa ở chỗ nào. Đỉnh thứ ba là vấn đề đào tạo. Đào tạo cái gì, đào tạo ai đều phải theo dấu hiệu định hướng thị trường. Ba đỉnh này có mối quan hệ mật thiết và sự quan trọng ngang nhau.

Một lời khuyên của ông với những bạn trẻ đang "loay hoay" tìm đường lập nghiệp?

Bản thân người trẻ phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước những lựa chọn của mình. Xã hội có rất nhiều con đường, rất nhiều lối ra. Quan trọng là cách người trẻ tìm hướng đi cho mình. Mỗi thanh niên phải biết điểm mạnh, điểm yếu và hoàn cảnh của bản thân, gia đình, mình phù hợp với ngành nghề nào mà thị trường lao động đang cần. Nếu không đỗ đại học thì việc học nghề là sự lựa chọn thông minh nhất. Học nghề đúng với sở trường của mình, phù hợp với xu thế của thời đại sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Sau khi đi làm, nhiều người vẫn có thể tiếp tục đi học đại học bởi có con đường liên thông rất rộng mở. Thanh niên mà thụ động, ỷ lại thì mãi mãi không thể trưởng thành.

Xin cảm ơn ông!

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2012, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 1,99%, giảm so với mức 2,27% năm 2011. Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tại khu vực thành thị là 3,25%, khu vực nông thôn là 1,42%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi năm 2012 là 2,8%, trong đó khu vực thành thị là 1,58%, khu vực nông thôn là 3,35% .

Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm năm 2012 giảm nhẹ so với các tỷ lệ tương ứng của năm 2011 nhưng tỷ lệ lao động phi chính thức năm 2012 tăng so với một số năm trước, từ 34,6% năm 2010 tăng lên 35,8% năm 2011 và 36,6% năm 2012.

Theo SVVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG