Tại Việt Nam, Zika đã trở thành bệnh lưu hành, tính đến ngày 5/11 đã ghi nhận 36 trường hợp dương tính với virus Zika, trong đó bệnh nhân tập trung đông nhất tại TPHCM. Số người được phát hiện nhiễm Zika tại TPHCM tăng do ngành y tế tăng cường giám sát dịch tại thành phố này. Hầu hết bệnh nhân Zika có triệu chứng rất nhẹ nên không phải mọi trường hợp đều đến bệnh viện khám.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, căn cứ tình hình và đặc điểm dịch tễ của bệnh, Zika có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu chúng ta không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Vấn đề được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu hiện nay trong phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do virus Zika.
Bộ Y tế nhận định, đã phát hiện trường hợp trẻ mắc dị tật đầu nhỏ ở Đắk Lắk, nên thời gian tới có thể ghi nhận thêm các trường hợp mắc mới. PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản T.Ư, nói rằng, phụ nữ nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần; nếu tuân theo hướng dẫn cơ bản này, đảm bảo phụ nữ có thai sẽ được bác sĩ theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ.
Đối với các ca mới sinh, việc đo kích thước xác định mắc đầu nhỏ rất đơn giản như quan sát hình thái của đầu, biến dạng xương sọ, chụp cộng hưởng từ để biết cấu trúc não... Do đó, ngoài việc tự bảo vệ sức khỏe mình bằng các biện pháp phòng tránh muỗi đốt, phụ nữ có thai đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi.
“Việc khám thai phát hiện bệnh không khó, nhưng thử thách để các bác sĩ phát hiện sớm các ca đầu nhỏ là do tâm lý của chị em phụ nữ chưa ý thức được tầm quan trọng của thời điểm, chỉ khi nào tiện mới đi khám, không tuân theo lịch hẹn, hoặc không xác định đúng tuần tuổi của thai nhi trước khi đi khám”, ông Cường nói.
Phụ nữ mang thai nên đặt lịch hẹn với cơ sở y tế gần nhất để biết cụ thể việc theo dõi thai nhi và phòng chống mọi nguy cơ. Tỷ lệ các mẹ nhiễm Zika sinh con đầu nhỏ vào khoảng 1-10%.