Zika, quai bị cùng lúc tấn công TPHCM

TP - Trong lúc sốt xuất huyết và Zika lây lan mạnh, ngày 4/11, bác sĩ Tống Văn Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng quận 3, TPHCM - cho biết, tại TPHCM lại xuất hiện chùm ca bệnh quai bị trong trường học.

Tính đến 2/11, tại cơ sở 2 Trường tiểu học Phan Đình Phùng (số 491/6 Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3) có tất cả 13 học sinh mắc bệnh quai bị. Sang ngày 3/11, mới có 5 học sinh bình phục đi học lại, còn 8 em khác vẫn đang nghỉ bệnh. Qua thống kê của trung tâm cho thấy, lớp có số học sinh mắc nhiều nhất là lớp 4/3 với 7 ca, kế đến là lớp 3/8 với 4 ca, các lớp còn lại mỗi lớp có 1 ca mắc. Hiện chưa ghi nhận thêm trường hợp mắc mới nào.

Trước đó, tại đây ghi nhận ổ dịch quai bị bùng phát từ ngày 26/10, với khoảng 3 em đầu tiên mắc bệnh. Các em này đã nghỉ học khi phát bệnh. Tuy nhiên, sau đó một số học sinh khác cũng bắt đầu mắc bệnh quai bị.

Nhà trường đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng quận để có biện pháp xử lý.

Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm  Y tế dự phòng TPHCM - cho biết, quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, thường xảy ra vào mùa đông-xuân, do virus paramyxovirus gây ra. Virus lây trực tiếp qua đường hô hấp, nước bọt, ăn uống… khi tiếp xúc gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi. Vấn đề lây qua đường phân và nước tiểu hiện vẫn chưa được xác nhận dù virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần.

Bệnh quai bị gây miễn dịch bền vững, nên ít có người mắc quai bị lần 2.

Cho đến nay, biến chứng của quai bị mà nhiều người lo sợ là khả năng gây vô sinh. Đối với nam, biến chứng viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn làm tinh hoàn teo dần. Nếu quá nặng, có thể dẫn đến tình trạng giảm số lượng tinh trùng và vô sinh. Đối với nữ, quai bị có thể gây biến chứng viêm buồng trứng, tuy nhiên ít khi dẫn đến vô sinh. Phụ nữ có thai nên lưu ý, nếu đang trong thai kỳ mà mắc quai bị thì có thể bị gây sẩy thai, hoặc sinh con dị dạng, sinh non hoặc thai chết lưu.

Tính đến nay đã phát hiện 21 ca mắc bệnh do virus Zika tại TPHCM và gần 56 trường hợp nghi ngờ đang chờ kết quả xét nghiệm. Đặc biệt, trong số các ca mắc tại thành phố có 4 thai phụ. Có 11/24 quận huyện đã ghi nhận ca bệnh. Hiện cả nước có 28 trường hợp mắc Zika tại 7 tỉnh, thành.

Ngoài ra, trong chiều 3/11, có thêm 9 trường hợp chẩn đoán xác định. Đây là kết quả xét nghiệm của những mẫu thu thập trong hơn 1 tuần qua. Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đang điều tra dịch tễ và sẽ sớm cập nhật thông tin.

lChiều 4/11, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo công bố kết quả chính thức trường hợp mắc chứng đầu nhỏ nghi do virus Zika và thông tin về tình hình bệnh do virus Zika trên địa bàn tỉnh.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk, cho biết không còn phát hiện virus Zika trong cơ thể cháu H’Lệ Mlô (SN 2016, ngụ xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) và mẹ là chị H’BLươm Mlô.

MỚI - NÓNG