Yêu nước một cách nghệ thuật

“Trường Sa”- tác phẩm của Giản Thanh Sơn tham dự triển lãm ảnh “Chủ quyền biển đảo Việt Nam”
“Trường Sa”- tác phẩm của Giản Thanh Sơn tham dự triển lãm ảnh “Chủ quyền biển đảo Việt Nam”
TP - Mỗi người dân Việt Nam đều đang hướng về quần đảo lãnh hải Tổ quốc- nơi chủ quyền đất nước đang bị đe dọa. Mỗi người đều có cách riêng để thể hiện tình cảm và thái độ của mình. Các nghệ sĩ dùng tác phẩm và các dự án nghệ thuật cộng đồng góp chung tiếng nói.

Nghìn người cùng Tiến quân ca

Sau 3 ngày kêu gọi qua Facebook, báo mạng và 2 tuần thực hiện, MV Tiến quân ca (http://youtu.be/X2mMie2lO5c) với sự tham gia ghi hình của khoảng 1.300 người đã ra mắt ngày 27/5. Những người thực hiện cho hay, chọn Quốc ca vì tính hiệu triệu cao và nói chung ai cũng thuộc. Nét mới trong bản phối của nhạc sĩ trẻ Ngô Minh Hoàng là đoạn chuyển điệu từ hành khúc sang trữ tình và một giọng hát thiếu nhi thánh thót cất lên, dàn đồng ca thiếu nhi tiếp nối. Ca sĩ Minh Quân: “Dụng ý này của bản phối nói lên người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, muốn làm bạn với năm châu nhưng sẵn sàng đứng lên khi Tổ quốc cần”.

Yêu nước một cách nghệ thuật ảnh 1

Các nghệ sĩ cùng hát Quốc ca tại buổi ra mắt MV “Tiến quân ca”, Hà Nội, chiều 26/5. Ảnh: Chí Linh

Ý tưởng ban đầu của BTC là chỉ rủ các anh chị em nghệ sĩ làm MV, rút cuộc đối tượng tham gia đã mở rộng ra nhiều giới: cựu chiến binh, nhà báo, công chức, sinh viên, diễn viên, người mẫu, nhà thiết kế thời trang, người dẫn chương trình, đạo diễn, họa sĩ, nhiếp ảnh gia… Tất cả đều mặc hình quốc kỳ. Nhà thiết kế Anh Thư chỉ trong 1 ngày đã may xong 10 áo dài cho người mẫu quay ở đền Ngọc Sơn. MV còn có nhiều cảnh quay tuyệt đẹp về non nước, hải đảo Việt Nam do bên truyền hình cung cấp.

Trực tiếp góp giọng trong phòng thu có 300 người gồm khoảng 40 ca sĩ ở TPHCM, 100 ca sĩ ở Hà Nội cùng các nghệ sĩ, văn sĩ, trí thức, quân nhân…

Kinh phí quay MV do các nghệ sĩ tự bỏ ra. Nhà báo Ngô Bá Lục cho hay có khá nhiều người ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình… đã đăng ký với BTC để tham gia MV. Họ sẵn sàng tự lo phương tiện đến địa điểm theo yêu cầu, nhưng do BTC quá neo người nên không thể thu xếp được.

Đáng ra MV còn nhiều cảnh hoành tráng hơn như 1.000 người hát ở vườn hoa Lý Thái Tổ - Hà Nội, hay 500 người hát ở TPHCM nhưng do thời điểm nhạy cảm, tránh tập trung đông người nên các cảnh quay này đều phải hoãn. Một số cảnh ngoại phải quay “du kích” vào giữa trưa nắng gắt để tránh gây chú ý tụ tập đông người.

Ca sĩ Tùng Dương cũng có dự án riêng để thể hiện tình yêu Trường Sa. Trong liveshow Tùng Dương hát tình ca (8/6 tại Cung VH Hữu Nghị) sẽ có phần Tình ca đất nước để ca sĩ thể hiện tình yêu với tổ quốc, biển đảo. Anh còn tuyên bố sẽ cùng Trọng Tấn làm liveshow riêng tại Trường Sa để phục vụ các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ nơi đây vào tháng 7.

Bản đồ Việt Nam bằng ảnh

Ngay trong buổi khai mạc triển lãm Rực rỡ tháng Năm đang diễn ra (trong vòng 1 tháng) tại nhà triển lãm 16 Ngô Quyền, Hà Nội, lão họa sĩ Phạm Lực đã tặng các chiến sĩ cảnh sát biển 30 triệu đồng trích từ tiền bán tranh triển lãm trước. Và một phần tiền bán tranh triển lãm này sẽ tiếp tục được gửi tới những người đang làm nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải. Triển lãm bao gồm các bức tranh do ông mới vẽ từ 2014 trở lại đây vẫn với các đề tài: đất nước con người Việt Nam trong chiến tranh- hòa bình, tình yêu trong lao động, tình cảm gia đình… nhưng giai đoạn này họa sĩ dùng các màu sắc rực rỡ hơn. Đặc biệt ông cho hay sẽ giảm giá tranh để kích thích nhiều người vừa chơi tranh, vừa làm công tác xã hội. Họa sĩ cho hay ông tính giá tranh lần này bằng tiền nguyên vật liệu cộng thêm 20%.

“Tôi muốn bằng nghề nghiệp của mình đóng góp phần nhỏ bé cho Tổ quốc” nhà nhiếp ảnh Jundat khẳng định. Anh có ý tưởng chụp chân dung của những người yêu nước Việt Nam (không phân biệt quốc tịch) dưới lá quốc kỳ, sau đó ghép tất cả lại thành tấm bản đồ Việt Nam. Hơn 300 người, trong đó có các bạn Đức, Pháp, Anh… đã đăng ký tham gia dự án. Tất cả mọi người đều có thể đến studio của anh tại Hà Nội để góp mặt trong dự án này. Việc chụp ảnh sẽ diễn ra từ trưa 27/5 và kéo dài khoảng 10 ngày.

Chỉ sau 3-4 ngày huy động, BTC triển lãm Chủ quyền biển đảo của Việt Nam đã nhận được gần 500 tác phẩm gửi tham dự. Cuối cùng, 112 tác phẩm của 31 tác giả được chọn. Triển lãm diễn ra từ 28/5 tới hết 5/6 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội.

Các bức ảnh phản ánh sinh động cuộc sống lao động sản xuất và bảo vệ chủ quyền biển đảo của nhân dân ta. Đặc biệt, 2 bộ ảnh mới nhất về lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam đang làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo của các phóng viên đang tác nghiệp tại quần đảo Hoàng Sa cũng sẽ tham gia triển lãm. Một triển lãm tranh với tinh thần tương tự cũng sẽ được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp ĐH Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào tháng Bảy.

Tuyên bố của Hội Mỹ thuật Việt Nam về
hành động sai trái của Trung Quốc

Hành vi ngang nhiên hạ đặt giàn khoan nước sâu Hải Dương 981, cùng tàu quân sự tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam là một việc làm ngang ngược, xâm phạm chủ quyền Việt Nam, đe dọa an ninh an toàn, tự do hàng hải trong khu vực biển Đông. Thay mặt giới nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam kiên quyết phản đối hành động vi phạm nghiêm trọng và nguy hiểm của Trung Quốc.

Hội kêu gọi nghệ sĩ tạo hình cả nước biểu thị tinh thần yêu nước bằng hành động cụ thể sáng tác, công bố nhiều tác phẩm hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đề tài lịch sử, cách mạng và kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc và biển đảo quê hương.

Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng kêu gọi các nghệ sĩ tạo hình trên thế giới, trong đó có nghệ sĩ tạo hình Trung Quốc, khẩn trương có hành động thiết thực, phê phán hoạt động sai trái của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

P.V

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.