Yemen - Thùng thuốc súng mới

Phiến quân Houthi ở Yemen (ảnh: AP)
Phiến quân Houthi ở Yemen (ảnh: AP)
TP - Kể từ khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức năm 2012. Yemen càng chìm sâu vào khủng hoảng. Chính phủ thân phương Tây của Tổng thống Mansour Hadi đã tỏ ra bất lực trong việc kiểm soát tình hình đất nước.

Trong bối cảnh Yemen gần như rơi vào tình trạng vô chính phủ, các nhóm vũ trang mạnh nhất đã tận dụng cơ hội để lấp khoảng trống quyền lực. Cuộc chiến giành quyền lực ngày càng nghiêm trọng khi phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shiite đánh bật quân đội chính phủ ra khỏi thủ đô Saana, buộc Tổng thống phải chạy lánh nạn về phía Nam. Đứng trước nguy cơ phải đầu hàng đối thủ Houthi, Tổng thống Hadi đã chọn giải pháp kêu gọi nước ngoài, đặc biệt là các nước do người Hồi giáo dòng Sunni lãnh đạo, can thiệp quân sự.

Ngay rạng sáng 26/3, Ảrập Xêút cùng một số quốc gia khác trong khu vực, với sự giúp sức của tình báo của Mỹ, trên danh nghĩa hỗ trợ Tổng thống Hadi, đã mở màn chiến dịch không kích quy mô lớn mang tên “Siêu bão” (Firmness Storm), trút hàng tấn bom đạn xuống đất nước Yemen. Bi kịch tiếp nối bi kịch, người dân Yemen, vốn đã không còn được sống trong yên bình kể từ năm 2011 khi làn sóng lật đổ mang tên gọi “Cách mạng Mùa xuân” do phương Tây hỗ trợ lan đến quốc gia này, giờ đây còn rơi vào thảm kịch lớn hơn khi Siêu bão bom đạn đổ ập xuống đầu.

Nghiêm trọng hơn, cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ đất nước Yemen có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh khu vực giữa các dòng Hồi giáo đối địch nhau với một bên là liên minh các quốc gia Ảrập do dòng Hồi giáo Sunni chiếm đa số với bên còn lại là các quốc gia Trung Đông do dòng Shiite chiếm đa số. Iran và Syria đã lên tiếng phản đối hành động mà họ gọi là “sự can thiệp từ bên ngoài vào công việc nội bộ Yemen”.

Những bài học nhãn tiền tại Iraq, Libya và Syria cho thấy các cuộc không kích đã không hề chấm dứt được khủng hoảng, mà ngược lại càng khoét sâu mâu thuẫn. Các cuộc chiến này còn là cơ hội để cho các nhóm Hồi giáo cực đoan như Al Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngóc đầu dậy.

Kể từ sau làn sóng chính biến lật đổ một loạt các chính thể hợp hiến bị phương Tây gắn mác “độc tài”, Trung Đông như một bàn cờ domino lần lượt đổ sụp, rơi vào hỗn loạn. Sau Iraq, Libya và Syria, giờ đây đến lượt Yemen trở thành một thùng thuốc súng mới của khu vực.

MỚI - NÓNG