Ý 'điên' với huyền thoại trường Mỹ thuật một thời

Ý 'điên' với huyền thoại trường Mỹ thuật một thời
TP - Trường Yết Kiêu hồi những năm 90, có nhiều giai thoại kỳ quặc, mà Ý điên – điêu khắc gia Nguyễn Như Ý là một phần thuộc loại hay ho nhất của những giai thoại ấy.

> Triển lãm tranh và sắp đặt tại không gian 'LUALA Concert'

Panô triển lãm của Nguyễn Như Ý Ảnh: vũ lâm
Panô triển lãm của Nguyễn Như Ý. Ảnh: Vũ Lâm.

Còn nhớ, cổng trường khi ấy còn là hai cánh cửa xanh nhỏ gọn dưới mấy tán bằng lăng. Phân ra ba góc vào cổng là ba quán nước chè chén. Có thể nói đó là ba “lớp học nghệ thuật” không chính quy.

Sinh viên, thầy giáo, những tay thi trượt, họa sĩ đã ra trường, đều tụ tập hoặc hò hẹn nhau ở đây, bàn đủ chuyện trên giời dưới bể, và cả nghệ thuật, một cách thoải mái nhất không câu nệ.

Có năm, buổi tổng kết toàn trường, cố họa sĩ Học Hải (khi đó làm trưởng phòng đào tạo) đã phải “ra sắc lệnh” yêu cầu các giáo viên không được ngồi ở ngoài cổng uống nước mà nên vào phòng giáo vụ uống nước, kẻo… người ta lẫn với sinh viên.

Nhà điêu khắc giờ đây phải đi bắt cá bán kiếm sống
Nhà điêu khắc giờ đây phải đi bắt cá bán kiếm sống.

Nhưng “chỉ thị” này cũng chẳng được thực hiện triệt để gì lắm. Khách lạ đi vào trường, nhìn thấy mấy ông quần áo trịnh trọng, com lê cà vạt hẳn hoi, hay nhầm là thầy giáo. Nhưng không phải đâu, đó thường là mẫu (người làm nghề đứng mẫu) đấy.

Trong trường mỹ thuật lúc đó, có cái “không khí dân chủ nghệ thuật” khá thú vị, và giữa người học và người dạy không có khoảng cách lễ phép quá nặng nề.

Đang ngồi uống nước chè như thế, thấy một đám đông xúm xít đen đỏ không biết làm gì dưới gốc xà cừ, thì chị bán nước phán ngay: Chắc thằng Ý điên nó đang đục tượng ấy mà!

Len vào đám đông xem thì đúng thật, thấy anh Ý đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại, với dao, rìu, một vài cái đục thô xung quanh, đẽo với một khúc gỗ bất kỳ, cô vợ nửa điên nửa tỉnh đang ngồi chồm hỗm bên cạnh như các người xem khác.

Các tác phẩm của Nguyễn Như Ý
Các tác phẩm của Nguyễn Như Ý.
Ý 'điên' với huyền thoại trường Mỹ thuật một thời ảnh 4
Ý 'điên' với huyền thoại trường Mỹ thuật một thời ảnh 5

Đám đông vừa xem, vừa thích thú chỉ trỏ, cười nói bình luận. Chỉ một lúc là cái hình tượng hiện ra, hoặc là đàn ông, hoặc là đàn bà với chân dung ngơ ngác rất lạ, không mô tả được mà chỉ có thể nói là “theo kiểu của Ý”.

Ý làm xong tượng, thường có người mua ngay lập tức, không mặc cả đắt rẻ lâu lắm, trả bao nhiêu thì trả. Người mua hỉ hả ôm khoác gỗ cái khúc tươi Ý vừa “vạc hồn” xong về rất khoái trá.

Còn Ý, anh vo tròn mớ tiền đút túi quần, rồi ngửa mặt xung quanh xem còn ai đứng lại, để rủ đi làm chén rượu. Như một nông phu đi xả hơi khi vừa cày xong thửa ruộng. Nhà anh ở thôn Thượng, xã Đức Hòa, gần Phủ Lỗ. Thì anh vẫn là một nông phu thuần chất đi làm mỹ thuật mà.

Khắp Hà thành người ta “chơi” tượng của Ý một cách bình dân như thế. Số tượng (gỗ) anh đã đục có lẽ lên tới cả vạn chiếc (khúc). Có thể tạm đem tượng nhà mồ Tây Nguyên hoặc mặt tượng trên đảo Phục Sinh để “quy chiếu” giải thích cái vẻ, cái hồn cốt trên tượng lạ của Ý đục ra. Nhưng dù sao thì đó vẫn là một hồn cốt khác hẳn.

Một góc triển lãm
Một góc triển lãm.

Tượng của Ý, như nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Cẩm Thượng nhận xét đại ý: là nỗi khiếp sợ và hài hước của một linh hồn nguyên sơ trước cuộc sống hiện đại này, và: đọng lại cuối cùng là những niềm vui be bé huyền hoặc.

Quả thật xem tượng của Ý vừa thấy vui vừa huyền hoặc. Chịu không hiểu sao anh lại có thể đục ra những cái mặt tượng lạ lùng cứ như người nguyên thủy làm như thế.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải, khi đứng lên giới thiệu về nghệ thuật của Nguyễn Như Ý, có nói thành thực là tôi chỉ là đồng nghiệp mà không dám nhận làm thầy của anh Ý.Vì tất cả những gì anh Ý làm ra, có học từ trường mỹ thuật đâu (hay nói cách khác là, trường mỹ thuật có “dạy được” anh ấy làm thế đâu…!)

Số tranh Nguyễn Như Ý vẽ cũng nhiều không kể xiết, ngoài ra còn tượng nhỏ, bằng đá, bằng đất nung non, đồ chơi mỹ thuật đủ kiểu, rải ở đủ mọi nơi, mọi sưu tập cá nhân trong ra đến ngoài nước. Năm 1995, Ý mới chính thức tốt nghiệp ra trường khi anh tròn 25 tuổi, sau một vài năm giãn cách học vì “điên”.

Nhưng dù lang thang đâu hoặc về quê, thì anh vẫn hay quay lại cổng trường ngồi đẽo tượng, làm một cách thích thú, không cầu kỳ, bán đi kiếm sống qua ngày, không dành dụm, và không xin xỏ ai bao giờ.

Hôm khai mạc triển lãm, ông chủ tịch xã nơi anh ở xuống dự kể, từ khi Ý bị thương tật cụt mất chân trái. Ngày lễ tết, xã xuống thăm cho quà và tiền, thì anh ta có nhận hộp mứt gói kẹo để biếu mẹ.

Còn tiền, bao giờ cũng đem ra tận ủy ban xã trả lại. Tất cả những người quen, bạn bè lên thăm nếu có tặng tiền, thì phải cho giấu ông anh bà chị là nơi Ý đang tá túc, chứ nếu Ý biết, thì đều tìm cách trả lại bằng được.

Ý 'điên' với huyền thoại trường Mỹ thuật một thời ảnh 7

Bây giờ hàng ngày không làm tượng nữa, anh cởi trần ra đồng mò cua bắt cá để kiếm sống, bán được bao nhiêu không biết, thì bao giờ đồng tiền đầu tiên anh đem về cũng là để biếu mẹ mua trầu.

Bạn bè, người sưu tập tranh tượng của anh trước đây lên thăm, thương cảm mà làm triển lãm cho anh, có quay một đoạn phim cảnh Ý mò cua bắt cá rồi đem ra chợ bán. Với ý đồ định chiếu cho mọi người xem trong buổi khai mạc.

Nhưng ý định này (tuy xuất phát từ tấm lòng tốt thôi) bị một giáo sư điêu khắc từng trong trường từng dạy Ý, và người ủng hộ phòng triển lãm ở Viet Art Centre (42 Yết Kiêu) cực lực phản đối.

Vì nếu làm thế, rất dễ trở thành một cuộc “vận động từ thiện” tổn hại đến một nhân cách tự trọng như Ý.

Với con mắt người ngoài, thì thương đấy, khi thấy một nghệ sĩ như thế mà bây giờ tàn tật về mò cua bắt cá. Nhưng có lẽ với chính Ý, thì điều đó đâu đó có đáng bận tâm? Anh là một thanh niên nông thôn đi học mỹ thuật, yêu sống và vui vẻ.

Đã đi qua một chặng đường nghệ thuật khá sôi động của đất nước sau mở cửa và in một cái tên đậm nét lên bản đồ nghệ thuật Việt thời gian đó. Bây giờ nếu không làm nghệ thuật nữa, trở lại làm nông phu, có sao? Hôm khai mạc, các bạn bè và người quen của Ý điên đến chúc mừng, có một người phát hiện ra một điều là: Nói đến Ý, thì ai biết anh đều chỉ yêu quý, không hề có ai “dám” ghét Ý.

Được như thế, là một điều cực hiếm, giữa đời sống nghệ thuật đầy thị phi và tranh cạnh chẳng ai chịu ai. Một nhân cách sống và tư thái nghệ thuật tự do tự tại giản dị và tri túc như vậy, mấy ai đã học mà được, thời buổi này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.