Dù có khả năng hằng năm Hà Nội sẽ tiếp tục rà soát, điều chỉnh danh mục, nhưng rất đáng ngạc nhiên là ngay từ lần công bố đầu tiên, nhiều di sản phi vật thể quý giá khác đã bị bỏ sót. Mà những di sản ấy vừa nhiều giá trị vừa ở trong cảnh “đèn trước gió”.
Tiêu biểu là nghệ thuật múa rối nước ở làng Yên xã Thạch Xá, làng Ra và làng Chàng Sơn thuộc xã Bình Phú, huyện Thạch Thất và rối nước làng Đào Thục, xã Thụy Lâm, Đông Anh – Hà Nội đều đã có lịch sử phát triển lâu đời, với nghệ thuật tạo hình độc đáo, những trò diễn sinh động, hồn nhiên. Đặc biệt là sự còn lại của nhà thủy đình cổ ở chùa Thầy, nơi tương truyền pháp sư Từ Đạo Hạnh dạy dân múa rối nước. Hiện, các phường rối vẫn kiên trì giữ nghề dù gặp nhiều khó khăn.
Còn phải kể đến nghệ thuật hát dô ở xã Liệp Tuyết, Quốc Oai, gắn với các hoạt động tế lễ thờ thánh Tản Viên và hát chèo tàu ở xã Tân Hội, Đan Phượng, tôn vinh các vị anh hùng dân tộc, trong đó có Hai Bà Trưng, đều là những nghệ thuật diễn xướng đặc sắc, đậm nét văn hóa địa phương.
Hát dô đã mai một nhiều do khoảng cách thời gian giữa các lần diễn xướng quá lâu – tương truyền là 36 năm, rất cần được phục hồi từng bước để dần tái hiện trong đời sống. Lại còn hò cửa đình ở Phú Nhiêu, Phú Xuyên, hay những điệu múa cổ ở một số làng, xã xung quanh Hà Nội, mới được giới thiệu đến công chúng qua vài liên hoan múa cổ Hà Nội.
Đứng trước nhiều thách thức của đời sống đương đại, chẳng lẽ những di sản này không xứng đáng được tập trung bảo tồn ngay? Hay vì không “nổi tiếng”, không quan trọng bằng hai di sản phi vật thể của thế giới tại Hà Nội, nên hẵng cứ… từ từ? Liệu đến khi (có thể) được bổ sung vào danh mục “con cưng” của Thủ đô ngàn năm văn hiến thì các di sản ấy - vốn đã mỏng manh về hình hài - có còn đủ được “bộ xương” nữa không?