Xung đột Nga - Ukraine: Bài học đau đớn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Cuộc tấn công của Nga là một bài học đau đớn không chỉ với Ukraine mà cả với những ai vẫn trông chờ, tin tưởng vào những lời hứa. Không ai xả thân vì Ukraine khi chiến tranh xảy ra. Cuộc chiến có thể kéo dài đến khi Nga đạt được những mục tiêu của mình.

Đó là đánh giá của ông Phạm Phú Phúc, một chuyên gia bình luận quốc tế từng có thời gian công tác tại Nam Tư, trong cuộc trao đổi với phóng viên Tiền Phong về xung đột vũ trang ở Ukraine hiện nay.

Lý do an ninh và kinh tế

Theo dõi những diễn biến xung đột Nga-Ukraine thời gian qua và các bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông nhận xét gì về lý do Nga tấn công Ukraine?

Xung đột Nga - Ukraine: Bài học đau đớn ảnh 1

Bà Natali Sevriukova, một cư dân thủ đô Kiev của Ukraine, òa khóc sau khi căn hộ của mình đổ nát vì giao tranh sáng 25/2. Ảnh: AP

Ông Phạm Phú Phúc: Chúng ta đều biết rất rõ qua những phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin và những chính khách lớn ở Nga. Chúng ta cũng cần nhớ lại bản yêu cầu mà Nga gửi cho NATO và Mỹ vào ngày 17/12/2021, trong đó nêu ra những lo lắng về an ninh của Nga nếu NATO kết nạp Ukraine, nếu NATO tiếp tục tiến về phía đông để có thể kết nạp thêm Gruzia (Georgia) và Moldova, tiếp tục tiến hành những cuộc tập trận sát biên giới của Nga. Mátxcơva yêu cầu NATO không kết nạp những nước ấy, và nếu tập trận thì phải hỏi ý kiến của Nga. Nhưng Nga không nhận được câu trả lời mà họ cần từ Mỹ và NATO.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đã có hiệp định giữa Mỹ và Liên Xô về việc NATO không được mở rộng về phía đông, nhất là không gian hậu Xô Viết. Nhưng NATO không chấp hành hiệp định đó, mà liên tục kết nạp các nước Hungary, Bulgaria, Romania, Latvia, Estonia. Nga thấy rằng giờ họ chỉ còn mỗi cửa ngõ Ukraine, nếu quân NATO cũng đến đó nữa thì không ổn cho Nga chút nào.

Xung đột Nga - Ukraine: Bài học đau đớn ảnh 2

Chuyên gia Phạm Phú Phúc

Lý do thứ hai là những bất ổn dai dẳng ở vùng Donbass, khi giao tranh giữa lực lượng ly khai và quân chính phủ Ukraine kéo dài nhiều năm qua, khiến an ninh ở biên giới của Nga không bảo đảm.

Những điều đó khiến Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine để bảo vệ chính mình. Tất nhiên, trước khi làm như vậy, ông Putin đã công nhận độc lập cho 2 nước cộng hoà Donetsk và Lugansk rồi ký hiệp ước tay ba với họ, sau đó Nga nhận được yêu cầu giúp đỡ từ 2 vùng ly khai này. Vì thế, Nga có thể hợp pháp hoá việc tiến quân vào thể theo yêu cầu của Donestk và Lugansk. Mátxcơva nói rằng lực lượng của họ đến đó để “gìn giữ hoà bình”, để giúp những người bạn ở Donetsk và Lugansk.

Theo ông, ngoài lý do an ninh, còn lý do gì khiến Nga thực hiện chiến dịch quân sự lần này?

Thực sự cuộc chiến này không chỉ giữa Nga với Ukraine mà cả với Mỹ và phương Tây. Ở đây có cả lý do kinh tế. Vì Ukraine gây khó dễ, không cho Nga chuyển dầu khí sang châu Âu, Nga buộc phải làm tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 2, giờ xong rồi cũng không được cấp phép. Với chiến dịch lần này, Nga có vẻ cũng muốn “dằn mặt” Mỹ và phương Tây trong vấn đề kinh tế.

Mátxcơva cảm thấy phương Tây đã chèn ép họ quá nên mới quyết định làm như vậy, chứ người Nga rất hiểu rằng chiến tranh sẽ hao tiền tốn của kinh khủng.

“Tọa sơn quan hổ đấu”

Ông đánh giá như thế nào về cách phản ứng của Mỹ và NATO tính đến thời điểm này?

Đây là một bài học đau đớn nữa không chỉ với Ukraine mà cả những ai vẫn trông chờ, tin tưởng vào những lời hứa. Ai là người sẽ xả thân vì Ukraine nếu chiến tranh xảy ra? Tôi trả lời luôn rằng, không có ai cả. Các chính quyền ở Ukraine từ năm 2014 đã nhận được bao nhiêu lời hứa hẹn từ Mỹ và phương Tây. Nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa nói rằng “hoá ra chúng tôi chỉ có một mình”. Đó cũng là câu tôi muốn dùng để trả lời cho câu hỏi này. Mỹ và phương Tây phản ứng quá yếu ớt, khác hẳn những gì đã hứa. Đây là bài học cho những ai không dựa vào chính mình mà cứ tin lời hứa bên ngoài. Một số tờ báo nói rằng người Ukraine đã rơi vào một cái bẫy, bị Mỹ và phương Tây dùng để chống Nga. Nếu cứ chiến tranh như thế này, Ukraine sẽ thiệt hại nhiều hơn cả.

Theo ông, xung đột hiện nay sẽ kéo dài đến khi nào?

Theo như những gì ông Putin tuyên bố mấy hôm nay, an ninh ở sườn phía Tây của Nga, từ hướng Ukraine, phải được bảo đảm.

Thứ hai, cộng đồng người Nga sinh sống ở phía đông Ukraine, cụ thể là vùng Donbass phải được bảo đảm. Tôi đã ở Nam Tư nhiều năm, thấy rằng người Xla-vơ rất lo lắng cho nhau, không bao giờ muốn thấy lại cảnh Kiev nhắm vào người Nga ở Odessa như hồi năm 2014.

Thứ ba, phải có cam kết bằng văn bản rằng Ukraine không xin gia nhập NATO, cam kết bằng văn bản của Mỹ và phương Tây rằng sẽ không kết nạp Ukraine cũng như một số nước cộng hoà khác trong không gian hậu Xô Viết, cụ thể là Moldova và Gruzia.

Theo tôi, một khi ông Putin đã xuất quân thì phải đạt được những mục tiêu này. Phía Ukraine phải chủ động đối thoại, trên cơ sở đáp ứng như yêu cầu an ninh của Nga, trên cơ sở thoả thuận hoà bình Minsk ký năm 2015. Nghĩa là Ukraine phải công nhận tự trị của Donetsk và Lugansk và phải thân thiện với Nga. Thật ra, ông Putin muốn một chính quyền Ukraine thân thiện với Nga chứ không phải như hiện nay.

Cuộc chiến sẽ tiếp tục đến khi Nga đạt được những mục tiêu của mình, hoặc chí ít an ninh cũng phải được bảo đảm ở mức tương đối. Nếu không, tôi sợ rằng cuộc chiến ấy sẽ còn như thế hoặc đường biên giới giữa Nga và Ukraine sẽ tiếp tục bất ổn. Khi đó, thiệt hại đầu tiên là Ukraine. Mỹ và phương Tây có thể vẫn “toạ sơn quan hổ đấu”, thỉnh thoảng lại viện trợ cho Ukraine tiền và vũ khí.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.