Chương trình “Linh thiêng Đất Mẹ ngàn năm” mở đầu bằng lời dẫn: “Ngày hôm nay hãy để lịch sử lên tiếng với hậu thế, để những người lính nói về chính họ và nói về đồng đội. Hãy cùng với chúng tôi trở lại những vị danh để lắng nghe mỗi ngọn núi, con sông, cánh rừng, bờ đê và lắng nghe từng nắm đất kể lại những kỳ tích anh hùng của những người lính. Để tất cả chúng ta tạc lại dáng đứng của những người đã nằm xuống”.
Trong 2 giờ đồng hồ, chương trình đưa khán giả đi về lịch sử, đi qua những đau thương và lắng lại cảm xúc biết ơn qua 3 phần nội dung: Ra đi là lẽ sống; Dáng đứng của người nằm xuống và Dòng máu chảy qua triệu trái tim.
Trong đó, những hình ảnh, câu chuyện về sự hy sinh, tinh thần quả cảm của người lính trong hang Suốt Cụt được gợi lại một cách chân thực và xúc động. Nơi đây được coi là hậu phương giữa lòng tiền tuyến của các chiến sĩ quyết tử bảo vệ cao điểm ở biên giới phía Bắc. Những người đã nằm lại lưng chừng đồi quế, những người đứng lên cầm súng giành lại cứ điểm và không trở về.
Câu chuyện về bà mẹ Hải Hậu chưa từng một lần được chạm tay vào hài cốt của con trai là lính đảo Trường Sa Lớn cũng khiến nhiều người rưng rưng.
Những người lính năm xưa đi thăm lại chiến trường mang theo gói kẹo đường thốt nốt làm quà cho đồng đội ở chiến trường Tây Nam. Họ- người nằm xuống, kẻ trở về, tất cả đều không tiếc tuổi thanh xuân bảo vệ đồng bào và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả.
Cứ thế, khán giả được trở lại những địa danh trong lịch sử chiến tranh: Từ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam, tuyến lửa miền Trung tới các hải đảo; được giao lưu với những người lính, giới văn nghệ sĩ đại diện cho các thế hệ đã đi qua các cuộc chiến giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc như Trung tướng Khuất Duy Tiến, nhà thơ Anh Ngọc, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, nhạc sỹ Trương Quý Hải...
Chia sẻ tại chương trình, Trung tướng Khuất Duy Tiến bồi hồi nhớ lại: “Với những người lính, từ trong trái tim họ luôn hiểu rằng đi chiến đấu để làm gì. Năm tôi 13 tuổi, nhà tôi nghèo lắm, 4 thằng em tôi chết vì không có thuốc, 2 chú tôi chết vì đói.
Gia đình tôi cứ đổ cho đó là số phận nhưng khi tôi được tiếp xúc với ông cậu tôi là Việt Minh thì ông ấy nói là: 'Tại thằng Pháp, tại thằng Nhật nó đàn áp, nó cướp bóc cùng bè lũ phong kiến cho nên nhà cháu như thế. Mà không chỉ nhà cháu, cả xã, cả huyện này như vậy'. Tôi nhận ra rằng không phải số phận mà do kẻ thù. Khi tôi trở thành người lính năm 1950 thì tôi biết phải đánh để tiêu diệt kẻ thù”.
Chương trình kết thúc với thông điệp: “Các thế hệ người Việt Nam sẵn sàng trả giá bằng máu xương để dân tộc có một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Sự hy sinh của cha anh không trôi vào lãng quên mà chính là một phần của cuộc sống hôm nay; tinh thần bảo vệ Tổ quốc không bao giờ mất đi mà luôn là một phần trong mỗi con người Việt Nam”.