Xuất khẩu tăng, lo chống gian lận xuất xứ

Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nguy cơ bị áp thuế cũng tăng cao hơn với hàng hóa Việt Nam ảnh: Minh Châu
Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nguy cơ bị áp thuế cũng tăng cao hơn với hàng hóa Việt Nam ảnh: Minh Châu
TP - Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa 6 tháng đầu năm đã vượt mức 200 tỷ USD. Tại nhiều thị trường, hàng xuất khẩu tăng trưởng tới gần 30%. Cùng với việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh, nguy cơ đối mặt với các rào cản thương mại, thuế chống bán phá giá bắt đầu xuất hiện với hàng Việt khi tình trạng gian lận xuất xứ ngày càng rõ rệt hơn.


Tăng nhưng chưa hẳn mừng

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 122,42 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 120,78 tỷ USD. Tính chung 6 tháng đầu năm, cán cân thương mại của Việt Nam vẫn duy trì đà xuất siêu ở mức 1,64 tỷ USD.

Có 22 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là điện thoại các loại và linh kiện (23,47 tỷ USD) máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (15,5 tỷ USD), hàng dệt và may mặc (15,04 tỷ USD), giày dép các loại (8,8 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (8,22 tỷ USD).

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu tăng mạnh do Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các FTA đã ký kết. 

Cùng với việc nhiều mặt hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng mạnh, một số ngành của Việt Nam cũng đang trong tầm ngắm bị áp thuế phòng vệ, chống bán phá giá tại một số nước. Mới đây nhất, ngày 2/7, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ban hành kết luận sơ bộ trong vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Trong đó, Mỹ sẽ áp thuế lên tới 456,23% đối với một số loại thép sản xuất tại Hàn Quốc, hoặc Đài Loan sau đó đưa sang Việt Nam gia công và xuất sang Mỹ. Căn cứ kết luận sơ bộ, DOC sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với sản phẩm thép CR và thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu, mức ký quỹ sẽ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc).

Về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, những nhóm hàng lớn như đồ điện, điện tử, da giày sẽ là những mặt hàng có nguy cơ đối mặt việc áp dụng chế tài thuế quan trong thời gian tới.

Xuất hiện gian lận xuất xứ 

Tại cuộc họp ngày 9/7 về triển khai đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ, Tổng Cục trưởng Quản lý thị trường (QLTT) Trần Hữu Linh cho biết, gian lận thương mại, xuất xứ đang là câu chuyện hết sức nóng bỏng.

Theo ông Linh, tháng 11/2018, QLTT bắt giữ một số toa tầu chở hàng vật liệu xây dựng. Trong đó có những mặt hàng đề sẵn nhãn mác sản xuất ở Việt Nam nhưng thực tế là hàng sản xuất từ Trung Quốc. QLTT cũng phát hiện nhiều loại mặt hàng khác đang lưu thông trên thị trường đã được các thương nhân đặt sản xuất, gia công, in xuất xứ sẵn ở nước ngoài.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục QLTT, với hàng dệt may, giày dép, tuần trước Tổng cục QLTT đã kiểm tra chợ Ninh Hiệp và phát hiện hàng nghìn sản phẩm nhái nhãn mác của các hãng nổi tiếng thế giới. Hàng hóa ở đây có những loại mang nhãn hiệu quốc tế nhưng nhãn mác đề sản xuất ở Việt Nam nên cần có người của hãng sang phối hợp mới có thể làm việc và xử phạt được.

“Hàng vật liệu xây dựng cũng là một lĩnh vực rất nhức nhối hiện nay. Hội Thực phẩm Mỹ mới đây đã phát hiện một số mặt hàng trà, cà phê và nước mắm được đề made in Việt Nam nhưng sau khi kiểm tra thì không phải là hàng Việt Nam. Đây là vấn đề pháp lý do QLTT phải bắt quả tang mới có thể xử lý được. Ngay Hải quan cũng thừa nhận có những mặt hàng gian lận xuất xứ đang được trộn lẫn hàng thật để đi vào luồng xanh nên rất khó xử lý”, ông Linh nói và đề xuất cần có tổ công tác phản ứng nhanh để chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong việc phát hiện và xử lý những trường hợp, mặt hàng có gian lận nguồn gốc xuất xứ.

Theo ông Linh, việc xác nhận nguồn gốc xuất xứ của các mặt hàng liên quan đến nông sản rất khó được làm rõ, do truy xuất nguồn gốc không được thực hiện nghiêm túc. Tổng cục cũng đang xây dựng đề án để xử lý những vấn đề này.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, không chỉ có gian lận xuất xứ hàng hóa trong xuất khẩu mà ở thị trường trong nước cũng xảy ra tình trạng này. Trong khi đó, vẫn thiếu vắng những khuôn khổ pháp luật để xử lý các vi phạm này. 

Theo ông Trần Tuấn Anh, cần có sự chia sẻ thông tin kịp thời giữa các cơ quan chức năng khi có những dấu hiệu về sự phát triển quá nóng cũng như những hiện tượng mới xuất hiện để có thể xử lý kịp thời. Báo chí cũng nói nhiều về hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam để tiêu thụ ở thị trường trong nước. Đây là hiện tượng mới để hưởng các ưu đãi thuế quan. Đây là việc gây tổn hại lòng tin về hàng hóa trong nước, có nguy cơ với hàng xuất khẩu.

“Nếu không quan tâm đến phòng vệ thương mại, chống gian lận xuất xứ, sẽ ảnh hưởng rất lớn hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang có nhiều FTA với các nước”, ông Tuấn Anh nói.

Vụ Thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, theo số liệu thống kê trong quý 1/2019 của phía Mỹ, hàng Việt Nam vào Mỹ có 24 nhóm tăng trưởng 34,5%. Đến nay, sau 5 tháng mức tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ vẫn ở mức 31%... Tăng trưởng cao và nhanh nhưng nhiều người thấy lo hơn mừng vì cần làm rõ có phải hàng xuất xứ Việt Nam 100% hay không hay là có cả hàng gian lận xuất xứ. Những mặt hàng nào có tăng trưởng mạnh cần có sự kiểm tra, làm rõ có hay không việc gian lận xuất xứ.

MỚI - NÓNG