Xuất khẩu nông sản giảm mạnh: Không thể ngồi một chỗ đợi tăng giá

Xuất khẩu nông sản giảm mạnh: Không thể ngồi một chỗ đợi tăng giá
TP - Chiều 30/3, tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn về xuất khẩu (XK), Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói “không thể ngồi một chỗ để chờ giá tăng được” và  “tôi sẵn sàng khăn gói với các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) đi xúc tiến thị trường”…  

Xuất khẩu tụt mạnh

Theo Bộ NN&PTNT, XK hàng nông lâm thủy sản Việt Nam trong  quý I/2015 ước đạt 6,13 tỷ USD, giảm 13,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó nhiều nông sản chủ lực giảm mạnh như thủy sản, gỗ, gạo, cà phê… Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, XK thủy sản quý I/2015  giảm tới 23% - mức giảm cao nhất trong vòng 5 năm lại đây. Trong đó, tôm là mặt hàng chủ lực (chiếm 40% kim ngạch XK thủy sản) giảm mạnh nhất với 30%, cá tra giảm 18%.

“Trước 30/6, toàn bộ mã HS của lĩnh vực nông nghiệp sẽ được công bố; liên thông với hải quan điện tử quốc gia; các thủ tục kiểm dịch thú y, bảo vệ thực vật, quản lý an toàn thực phẩm phải cắt giảm 50% thủ tục so hiện nay”.

 Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát tuyên bố

Cũng trong quý I/2015, XK cà phê  đạt khoảng 350 nghìn tấn, giảm trên 40%. Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng Giám đốc Tổng Cty Cà phê Việt Nam cho biết, năm nay, dự tính sản lượng cà phê cả nước giảm tới 20%, còn giá cũng đang đà tụt. Cuối năm 2014, giá cà phê mua 42 nghìn đồng/kg, nay còn 37-38 nghìn đồng/kg.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Tổng Cty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), dẫn con số mới nhất từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện cả nước đã ký hợp đồng XK gạo được 2 triệu tấn, và đã giao 720 nghìn tấn, giảm khoảng 30% cả về lượng và giá trị.

Theo bà Tâm, hiện thị trường xuất khẩu gạo chủ yếu là thị trường truyền thống như Philippines, Malaysia, Cu Ba. “Sắp tới Thái Lan xả kho 2 triệu tấn gạo dự trữ, giá rẻ, cước phí rẻ hơn, gần như thị trường châu Phi sẽ mất vào tay Thái Lan”- bà Tâm nói.

Trong khi đó, thị trường lớn nhất của XK gạo Việt Nam lâu nay là Trung Quốc, hiện xuất gạo tiểu ngạch đang phập phù và giảm mạnh. Theo bà Tâm, Trung Quốc cũng vừa cấp quota nhập khẩu 1,2 triệu tấn chính ngạch, nhưng Thái Lan đã ký hợp đồng cấp Chính phủ bán 2 triệu tấn cho nước này, nên năm nay, Việt Nam sẽ rất bất lợi.

Ngoài ra, do đồng Euro, Rúp đang tụt giá mạnh, nên các mặt hàng XK của Việt Nam sang các thị trường nay là đồ gỗ, hồ tiêu, rau quả… cũng bị ảnh hưởng lớn.

Không thể ngồi chờ lên giá

Theo ông Phát, trong bối cảnh hiện nay, phải hành động “không thể ngồi chờ giá lên”. Ông Phát đề nghị Hiệp hội Cao su liên hệ với hiệp hội cùng ngành hàng ở Thái Lan, Indonesia, Maylaysia; Hiệp hội Cà phê Ca cao liên hệ với phía Brazil, Colombia, Indonesia… để bàn giải pháp kiểm soát về giá và sản lượng XK “chứ đơn thương độc mã mình không làm được”. “Với tư cách thành viên Chính phủ, tôi sẵn sàng khăn gói đi với các anh xúc tiến thị trường”- ông Phát nói.

Các kiến nghị về giá thuê đất của cao su tăng cao, thuế VAT cao su, XK sắn, cước vận tải… ông Phát đề nghị các hiệp hội tập hợp, sẽ báo cáo tại cuộc họp Chính phủ tháng 4 tới để tìm cách tháo gỡ.

MỚI - NÓNG