Tại cuộc hội đàm với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát ngày 12/3, ông Petipong Pungbun Naaydhya, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Thái Lan, cho biết, giá bán nhiều loại nông sản hiện chỉ bằng hoặc thấp hơn giá thành sản xuất. Việt Nam và Thái Lan đang là đối thủ cạnh tranh nhau về nhiều loại nông sản xuất khẩu như lúa gạo, cao su, thủy sản, rau quả, mía đường. Sự cạnh tranh này khiến các sản phẩm rớt giá, nông dân không được hưởng lợi. “Đã đến lúc hai quốc gia cần phải chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác, cùng xây dựng và chi phối thị trường”, ông Naaydhya nói.
Thái Lan muốn Việt Nam cùng tham gia các nước trong khu vực hình thành mạng lưới sản xuất và xuất khẩu cao su chung, cùng định dạng thị trường, chi phối giao dịch cao su tránh bị phụ thuộc vào giá cao su của các nước ngoài khu vực như hiện nay.
Về lúa gạo, dự kiến năm 2015, Thái Lan xuất khẩu khoảng 11 triệu tấn gạo. Để đạt mục tiêu này, hiện các doanh nghiệp Thái Lan chấp nhận xuất khẩu gạo với giá thấp hơn Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm nay, giá gạo xuất khẩu bình quân của Thái Lan chỉ khoảng 390 USD/tấn, trong khi giá gạo Ấn Độ dao động 420-430 USD/tấn, gạo Việt Nam khoảng 400 USD/tấn.
Việt Nam và Thái Lan có nhiều giống gạo tương đồng và chiếm hơn 50% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Vì thế, hai nước nên có những hợp tác cụ thể về chiến lược tiêu chuẩn gạo, giá thành và sản phẩm xuất khẩu; vấn đề quan trọng là hai bên cần hợp tác giữ giá, chất lượng và sản lượng gạo bởi việc đó là vì quyền lợi của người trồng lúa, nhiều chuyên gia đề xuất.
Theo Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, Việt Nam có gần 4 triệu ha trồng lúa, khoảng 1 triệu ha cao su. Bộ rất quan tâm về đề xuất của Thái Lan về việc thành lập mạng lưới các nước thành viên sản xuất cao su để chủ động về giá cao su trong khu vực, đảm bảo lợi ích của các quốc gia và quyền lợi của người trồng cao su. Đồng thời, hai nước cần hợp tác để ổn định thị trường xuất khẩu gạo và nhiều loại nông sản khác.
Tới đây, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ cử cán bộ, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội liên quan sang Thái Lan để trao đổi, đề xuất những giải pháp phù hợp, không chỉ tác động về phía nguồn cung mà cả thị trường theo hướng tích cực, đảm bảo quyền lợi của nông dân.