Xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, dân vẫn nghèo

Nông dân Sóc Trăng thu hoạch lúa. Ảnh: Xuân Lương
Nông dân Sóc Trăng thu hoạch lúa. Ảnh: Xuân Lương
TP - Bức tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam hàng chục năm qua vẫn trong vòng luẩn quẩn cho dù chúng ta đang tự hào đứng hạng 3 trên thế giới. 

Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất nước, với diện tích khoảng 1,7 triệu ha, sản lượng hàng năm trên 25 triệu tấn, chiếm khoảng 50% sản lượng lúa quốc gia. Thế nhưng người dân nơi đất chín rồng này bao đời rồi vẫn luôn day dứt với câu hỏi: Vì sao ĐBSCL sản xuất ra lúa gạo nhiều, góp công chính đưa Việt Nam lên hàng đầu thế giới về xuất khẩu gạo nhưng dân vẫn nghèo? 

Bài toán đơn giản để thấy vì sao nông dân trồng lúa lại nghèo. Một hộ gia đình 4 người có 1 ha lúa, mỗi năm sản xuất 2 vụ, được 12 tấn lúa. Với giá 5 ngàn đồng/kg (hiện nay thấp hơn), tổng thu 60 triệu đồng, trừ chi phí còn 30 triệu đồng. Số tiền này chia đều cho 4 người, vị chi mỗi người chỉ được 7,5 triệu đồng/năm, 625 ngàn đồng/tháng, chưa đầy 21 ngàn đồng/ngày. Nếu ăn 3 bữa thì mỗi bữa ăn chưa đầy 7 ngàn. Tuy nhiên, với 7,5 triệu đồng mỗi năm ấy họ không chỉ ăn 3 bữa mà còn phải chi tiêu cho nhiều việc khác như cưới hỏi, ma chay, thôi nôi, tân gia; nghĩa vụ với cha mẹ già, bệnh tật; rồi tiền trường, tiền lớp cho con cái... 

Với bài toán trên, thì những hộ dân trồng lúa ở ĐBSCL đang sống dưới tiêu chí hộ nghèo. Chính vì thế nhiều hộ dân bỏ ruộng đi làm thợ hồ, bán vé số, làm thuê... thu nhập mỗi ngày cũng được vài trăm ngàn, cao gấp cả chục lần làm lúa!

Họ - những nông dân trồng lúa không lý giải được vì sao các doanh nghiệp kinh doanh phân bón, thuốc trừ sâu lại giàu, rất giàu! Họ cũng không hiểu sao những doanh nghiệp xuất khẩu gạo của nhà nước có nhiều người giàu có và trong số đó cũng không ít người bị kỷ luật, phải ngồi tù.

Bức tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam hàng chục năm qua vẫn trong vòng luẩn quẩn cho dù chúng ta đang tự hào đứng hạng 3 trên thế giới. Xuất khẩu nhiều nhưng giá cả gạo Việt vẫn “lép vế” so với các đối thủ cạnh tranh, trong đó đau đầu nhất vẫn là giống và “vướng” phải thuốc bảo vệ thực vật.

Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, có những đối tác đồng ý nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng yêu cầu bao bì phải để trắng, không được in thương hiệu lên đấy. Đương nhiên mục đích của việc này là họ sẽ “đeo lon” một thương hiệu khác, của một quốc gia khác lên gạo Việt. Thị trường Trung Quốc vốn dễ tính nhưng hiện cũng đã đưa ra những yêu cầu khắt khe hơn và có thể cắt giảm mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam trong năm 2019 này. 

Khi bài toán chất lượng, giống, thương hiệu và nền nông nghiệp sạch chưa được giải quyết triệt để thì hạt gạo nơi đất chín rồng còn mãi long đong.

MỚI - NÓNG