Giá gạo Việt vượt gạo Thái - chưa vội mừng
Theo Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu ước đạt 2,16 triệu tấn gạo, kim ngạch 1,1 tỷ USD, tăng gần 38% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Trung Quốc tiếp tục là nước nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã cao hơn gạo Thái Lan cùng chủng loại. Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Cty TNHH Việt Hưng cho biết, tình hình xuất khẩu gạo đang tốt lên, nhờ các hợp đồng xuất khẩu tập trung sang Indonesia (500 nghìn tấn), Philippines (130 nghìn tấn). Chưa kể, khoảng 24/5 tới, Philippines tiếp tục mở gói thầu mới mua 250 nghìn tấn. “Đây cũng là lực đẩy, giúp giá lúa gạo ổn định có lợi cho nông dân”- ông Đôn nói.
Theo ông Đôn, hiện giá gạo của Việt Nam loại 15% tấm trúng thầu cấp cho Philippines vừa qua khoảng 450 USD/tấn (giá FOB). Mức giá này, cao hơn một ít so với gạoThái Lan cùng chủng loại. Ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, diện tích các loại giống lúa chất lượng khá, cao của Việt Nam đã tăng trong thời gian qua, khiến giá gạo xuất khẩu cũng tăng. Năm 2017, gạo chất lượng cao chiếm tới 80% lượng gạo xuất khẩu năm trước đó.
Tuy nhiên, theo ông Định, gạo Việt Nam chỉ so được với gạo Thái cùng chủng loại. Còn loại gạo đặc sản của họ là Hom Mali, Khaodak Mali giá vẫn trên 1.000 USD/tấn. “Gạo của Việt Nam cao hơn cũng là tín hiệu tốt, nhưng cũng cần đánh giá một cách nghiêm túc, việc tăng đó thực chất là thế nào. Nếu không, các DN Việt cứ tranh mua, tranh bán, đến lúc mua vào với giá cao, nhưng khi xuất khẩu giá tụt xuống thì đáng lo”- ông Định nói.
Nói về thị trường gạo sắp tới, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch gạo của Việt Nam khoảng 2,4 triệu tấn; năm nay có khả năng tăng lên 2,7 triệu tấn. Ngoài ra, năm nay, châu Phi dự kiến sẽ nhập khoảng 1 triệu tấn gạo cấp cao và gạo trung bình; Philippines và Indonesia mỗi nước cũng cần nhập khoảng 800 nghìn tấn gạo các loại. Dự báo, xuất khẩu gạo năm 2018 của Việt Nam có thể đạt 6,5 triệu tấn, tăng so với mức gần 6 triệu tấn của năm ngoái.
Trúng thầu vẫn lo
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn chưa mang tính ổn định, bền vững. Lý do là các DN Việt Nam không đủ tiềm lực tài chính đầu tư, mở rộng vùng liên kết, từ đó không chủ động được nguyên liệu, thời điểm bán hàng.
“Do vậy, ngay cả khi chúng ta đã trúng thầu, nhưng DN không có hàng trong kho, hoặc không đủ, phải chờ mua ở ngoài thị trường thì giá lại tăng vọt, nguy cơ thua lỗ. Trúng thầu mà vẫn run là vì thế”- ông Bình nói.
Lý giải điều này, ông Bình cho rằng: “Trước đây, DN nước ngoài kêu là các ông không bán cái người ta cần, khi cần lại không có. Vì thế, mô hình liên kết với nông dân làm vùng nguyên liệu, sản xuất theo tín hiệu thị trường là đúng hướng để giải quyết vấn đề trên. Tuy nhiên, quả thật, DN xuất khẩu của Việt Nam không đủ nguồn tài chính để đầu tư cho vùng liên kết”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Đôn cho hay, trước đây, loại giống gạo chất lượng trung bình như IR50404 bị ế, giá thấp nên Việt Nam đã chuyển sang các giống chất lượng cao. Trong vấn đề liên kết với nông dân, vì sao nhiều DN không dám mở rộng diện tích liên kết? Ông Đôn cho rằng: “Hình thức liên kết giữa DN và nông dân còn lỏng lẻo vì chưa có chế tài. DN làm việc với HTX còn dễ, chứ làm việc với hàng trăm, nghìn hộ nông dân hay là tổ của nông dân, đặc biệt là trong bối cảnh giá gạo lên xuống thất thường thì rất khó. Lúc giá gạo xuống, DN phải mua, còn lúc lên có thể nông dân bán ra ngoài hết, rồi trả lại tiền cho DN, khiến DN uể oải nên bảo mở rộng diện tích liên kết cũng khó”- ông Đôn nêu.
“DN vì không đủ tiền để thanh toán cho nông dân, nên đâu dám mở rộng diện tích liên kết. Còn khi DN thanh toán được, lúc có lúa rồi phải bán cho nhanh để lấy tiền quay vòng, trả nợ cho nông dân, đáo hạn ngân hàng. Vì thế, sinh ra việc hạ giá để tranh nhau bán. Xuất khẩu không bền vững, thiếu ổn định là ở chỗ đó”
Ông Phạm Thái Bình.