Nhiều DN xuất khẩu gạo cho rằng, dự thảo nghị định mới về xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương vẫn còn thiếu vắng tinh thần kiến tạo cho DN. Ảnh: Hòa Hội.
Cởi nhưng chưa hết
Theo dự thảo của Bộ Công Thương đang lấy ý kiến để trình Chính phủ, sau 6 năm có hiệu lực, Nghị định số 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo đã có tác dụng định hướng doanh nghiệp (DN) đầu tư lâu dài phục vụ kinh doanh xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, thực tế áp dụng cho thấy, nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo cao cấp đã phản ứng và cho rằng, các điều kiện về kho chuyên dùng sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất một cơ sở xay, xát công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ... đã trở thành rào cản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thị trường.
Trước những vướng mắc này, Bộ Công Thương dự kiến sẽ gỡ những rào cản cho DN bằng cách sẽ giảm yêu cầu quy mô tích lượng kho chứa, không quy định quy mô công suất cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo, không bắt buộc thương nhân đầu tư dây chuyền xay thóc. Cùng với đó, quy định cơ chế xuất khẩu một số mặt hàng gạo không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh; thủ tục cấp giấy chứng nhận được đơn giản hóa tối đa, bỏ quy định kiểm tra thực tế kho chứa, cơ sở xay, xát của Sở Công Thương.
Với những quy định này, nhiều doanh nghiệp mới sẽ có cơ hội được tham gia kinh doanh xuất khẩu gạo, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo cho nông dân. Ước tính số lượng thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo sẽ tăng thêm khoảng 60%-70% so với hiện nay, chưa kể nhiều thương nhân khác sẽ được trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng gạo đặc thù mà không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh, không cần xin giấy chứng nhận.
“Việc điều chỉnh giảm lượng gạo dự trữ lưu thông bắt buộc từ 10% xuống còn 5% sẽ giúp giảm đáng kể áp lực tồn đọng vốn và chi phí lưu kho, bảo quản của DN. Ước tính, mỗi năm, các DN sẽ không còn phải sao chụp 6.000-8.000 bản hợp đồng xuất khẩu (mỗi bản hợp đồng 10-15 trang) và tiết kiệm thời gian, chi phí đăng ký hợp đồng theo phương thức truyền thống”, dự thảo của Bộ Công Thương cho hay.
Chia sẻ về những vấn đề liên quan hợp đồng Chính phủ, đại diện Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết, năm 2014, tổng công ty hợp đồng xuất khẩu 600 nghìn tấn gạo sang Philipinnes nhưng sau đó, giá trong nước lên cao hơn, các DN khác bỏ không tham gia khiến tổng công ty bị lỗ nặng. Mới đây nhất, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc cũng bị rơi vào hoàn cảnh tương tự khi ký hợp đồng với Malaysia xuất khẩu 120 nghìn tấn gạo nhưng rồi cũng bị các DN khác bỏ rơi vì giá lên. DN vừa mất uy tín với bạn hàng vừa chịu lỗ nặng khi xuất khẩu theo cam kết hợp đồng.
Cũng đại diện Tổng công ty Lương thực miền Nam cho biết, theo quy định hiện nay, DN đại diện đàm phán được quyền thực hiện 20% hợp đồng. Khi DN ký hợp đồng, giá xuất khẩu thường cao hơn giá thương mại. Nhưng khi về nước, có tình trạng DN Trung Quốc mua gom đẩy giá lên, khiến các DN khác đều bỏ hàng, quay sang bán cho DN Trung Quốc.
Phải xóa nhóm lợi ích
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, dự thảo sửa đổi nghị định 109 về kinh doanh, xuất khẩu gạo đã có nhiều cải thiện khi dỡ bỏ nhiều rào cản doanh nghiệp. Trong đó, những “điểm nghẽn” như: Quy định thương nhân phải sở hữu ít nhất một kho chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và ít nhất 1 cơ sở xay, xát công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, về giá sàn... đã được chỉnh sửa. Quyền hạn của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cũng giảm bớt.
Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, dù đã sửa đổi nhiều nhưng dự thảo nghị định vẫn có những điều chưa ổn. Chẳng hạn việc Bộ Công Thương sẽ xử lý những thương nhân khác khi dự thầu, giao dịch, ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo trực tiếp hoặc gián tiếp vào thị trường có hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung trái quy định…
Theo ông Bình, sửa đổi nghị định phải nhắm vào việc làm cho môi trường kinh doanh tốt lên cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cái bóng của “nhóm lợi ích” phải được hạn chế, dẹp bỏ. Giám đốc một doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, chế biến gạo có tiếng (nhưng lâu nay không xuất được vì vướng nghị định 109) cũng cho rằng: “Vẫn chưa nhìn thấy có sự đột phá trong điều hành thị trường gạo trong dự thảo nghị định”. Theo ông Bình, Chính phủ nên sử dụng công cụ thuế để điều hành. Như thế vừa tốt cho ngân sách nhà nước vừa hướng đến lợi ích của nông dân. Theo vị doanh nhân này, giá trị xuất khẩu gạo hằng năm không đủ để nhập đậu nành. Trong khi đó, trong dự thảo nghị định, cũng chưa thấy những chính sách đầu tư sau gạo, vì giá trị gia tăng rất lớn.
“Một trong những vấn đề đáng lẽ phải được đề cập nhiều và quy định chặt chẽ hơn là xây dựng vùng nguyên liệu, giúp chính sách xuất khẩu gạo bền vững hơn, nhưng dự thảo nghị định chỉ để dạng “khuyến khích” và đề cập còn khiêm tốn. Nên nhớ rằng, đây điểm yếu của các doanh nghiệp nhà nước lâu nay, cũng là nguyên nhân khiến gạo Việt không có thương hiệu”.
Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An