11 tháng kim ngạch xuất gạo đạt 2,9 tỷ USD
Sau giai đoạn ngụp lặn, từ năm ngoái trở lại đây, xuất khẩu gạo đã lấy lại đà tăng trưởng ấn tượng và ổn định ở mức cao. Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2018, cả nước xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo, giá trị 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và 17,7% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, giá gạo xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay của Việt Nam đạt mức 504 USD/tấn, là mức thậm chí cao hơn giá gạo của đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Thái Lan. Theo ông Toản, tín hiệu tích cực là cơ cấu gạo xuất khẩu Việt Nam chuyển rất nhanh về lượng gạo chất lượng cao, gạo thơm chiếm 80%, giảm tỷ trọng gạo phẩm cấp thấp. Hiện gạo trắng xuất khẩu chiếm 51% tổng kim ngạch, gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32%, gạo nếp chiếm 12% và gạo Japonica (giống lúa Nhật) chiếm 5%.
Năm nay, dù có giảm so trước đây, nhưng Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam với trên 24% thị phần, đặc biệt là gạo Jasmine và gạo thơm… Trung Quốc cũng là nước tiêu thụ lượng gạo nếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 82% tổng kim ngạch, giá trị trên 270 triệu USD.
“Thực sự các DN không mừng khi giá gạo cao. Khi giá gạo Việt cao hơn Thái Lan chúng ta tỏ ra vui mừng nhưng giá cao hơn chưa chắc đã ngon hơn, mà chúng ta mắc kẹt trong cái bẫy giá đó. Giá cao nhưng không giao dịch được cũng không có ý nghĩa. Nó chỉ là giá tham khảo”. Ông Nguyễn Chánh Trung, Tập đoàn Tân Long
Ngoài ra, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp gần 66 lần), Iraq (gấp 2,6 lần), Hồng Kông (tăng 71,1%), Philippines (tăng gần 60%) và Malaysia (tăng trên 17%). Theo ông Toản, mới đây, với việc Nghị định 107 ra đời, đã “cởi trói” rất nhiều các DN xuất khẩu gạo, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào các loại gạo đặc sản, phát triển thị trường ngách với giá trị cao.
Chia sẻ về cơ hội này, ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May - DN lúa gạo nổi tiếng nhiều năm trời “đau khổ”, vì không có giấy phép xuất khẩu gạo do các điều kiện vô lý, cho rằng: “Giấy phép xuất khẩu chỉ là giấy thông hành, còn thành công hay không do thị trường và đó là hành trình rất mất thời gian”.
Theo ông Thiện, xuất khẩu gạo là vẫn là một lĩnh vực mà ông kỳ vọng rất lớn. Trong lúc chờ thủ tục để có được giấy phép xuất khẩu gạo, ông đi tìm hiểu thị trường ở châu Âu và Mỹ.
“Thị trường gạo cao cấp, tiêu chuẩn cao cũng rất lớn, nhưng diện tích trồng loại lúa này chỉ sợ không kịp mở rộng so với nhu cầu. Với thị trường Mỹ, có ai bán nguyên liệu thô thì chưa rõ, nhưng tôi thấy chưa có nhãn hàng gạo Việt Nam trên kệ ở Mỹ. Đương nhiên, giá gạo xuất sang thị trường này sẽ không dưới 1.000 USD/tấn”- ông Thiện nói.
Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo năm 2018 có thể đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD. Mục tiêu này được cho là có thể đạt. Ai Cập dự kiến cũng cần nhập khẩu 500.000 tấn gạo trong đầu năm tới. Tại phiên đấu thầu mua gạo quốc tế đầu tiên của Ai Cập trong năm 2018, có 1 mẫu gạo từ Việt Nam đã qua được vòng kiểm nghiệm.
Cẩn trọng với bẫy giá cao
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Chánh Trung, Tập đoàn Tân Long (một trong những DN xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước) cho biết, năm nay, Tân Long dự kiến xuất trên 150.000 tấn, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái. Chưa kể, Tân Long cũng cung ứng khoảng 60.000-70.000 tấn gạo cho các DN xuất khẩu khác.
Tuy có nhiều tín hiệu lạc quan nhưng ông Trung cho rằng, thực tế, các DN xuất khẩu đều gặp khó khăn và Việt Nam cần cẩn trọng với “bẫy” thị trường giá cao. Ông nói: “Gạo Việt Nam đang mắc kẹt ở khung giá cao. Hiện các đối thủ cạnh tranh của gạo Việt Nam là Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan 2 năm gần đây đều mức thấp hơn gạo Việt Nam. Hầu hết các DN lớn trong ngành gạo có vùng nguyên liệu thì mới đảm bảo được giá thành, còn DN thương mại, do lượng dự trữ trong kho không nhiều, nên khi có gói thầu như Indonesia, Philippines họ sẽ tự động đẩy giá đầu vào lên rất cao”.
Theo ông Trung, năm nay, cơ cấu giống lúa thay đổi quá nhanh, hàng gạo thường (giống IR 50404) giảm mạnh, trong khi gạo thơm, gạo Đài Thơm 8…tăng nhanh nên dư thừa. Loại gạo thường thiếu, nên bị đẩy giá cao quá. Các kho mắc kẹt ở khung giá cao và không cạnh tranh được với gạo của các nước như Thái Lan.
“Thực sự các DN không mừng khi giá gạo cao. Khi giá gạo Việt cao hơn Thái Lan chúng ta tỏ ra vui mừng nhưng giá cao hơn chưa chắc đã ngon hơn, mà chúng ta mắc kẹt trong cái bẫy giá đó. Giá cao nhưng không giao dịch được cũng không có ý nghĩa. Nó chỉ là giá tham khảo”- ông Trung phân tích.
Nhận định thị trường gạo tới đây, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám Cty TNHH Việt Hưng cho rằng, thị trường lớn nhất của ngành gạo Việt Nam là Trung Quốc đang có những biểu hiện rất khó lường. Theo ông, lâu nay, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc rất dễ, nhưng năm tới thị trường Trung Quốc sẽ rất khó. Họ đưa ra nhiều hàng rào kỹ thuật, từ yêu cầu an toàn thực phẩm, kiểm dịch, bao bì… rất gắt gao, ngặt nghèo.
“Cái gì họ cũng yêu cầu qua cơ quan kiểm nghiệm quốc gia của họ kiểm tra. Trước đây chỉ cần 3 ngày là thông quan, còn hiện nay phải tới 14-15 ngày”- ông Đôn nói.
Ông Đôn cũng cho biết, năm nay, công ty của ông xuất khoảng 120.000 tấn, giá tương đối tốt, đặc biệt hợp đồng tập trung xuất vào Philippines. Tuy nhiên, từ tháng 8 lại đây, xuất sang Trung Quốc khá bế tắc.