Xuất hiện thế hệ bộ trưởng dám nghĩ, dám làm

Xuất hiện thế hệ bộ trưởng dám nghĩ, dám làm
TP - Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam trao đổi quanh câu chuyện dấu ấn cá nhân của người lãnh đạo và tín hiệu gần đây có một số bộ trưởng bước đầu thể hiện mình là người dám nói, dám nghĩ, dám làm.

> Cả Bộ Giao thông đi làm bằng xe buýt
> Vì dân

Đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng. Khẳng định điều gì là quá vội nhưng phải chăng đang xuất hiện một thế hệ bộ trưởng dám nghĩ khác làm khác?

Đề cập vấn đề điều hành giá xăng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ được nhiều người ủng hộ. Ảnh: Xuân Phú
Đề cập vấn đề điều hành giá xăng, Bộ trưởng Vương Đình Huệ được nhiều người ủng hộ. Ảnh: Xuân Phú.

GS Tương Lai nói:

Không gì vui hơn nếu có một thế hệ bộ trưởng như vậy xuất hiện. Sẽ là trì trệ và không gì nhàm chán bằng hiện tượng được cơ cấu theo một công thức quá cũ kỹ và lạc hậu, hơn nữa, lạc điệu với nhịp phát triển của thế giới trong thời đại mà chuẩn mực chính là sự thay đổi. Thế giới đã thay đổi, những ai chần chừ, tin rằng tương lai sẽ chỉ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi.

Họ sẽ bị buộc phải suy nghĩ lại khi mà đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi. Thật ra thì nhìn ra bên nước ngoài, thế hệ bộ trưởng dám làm khác đã xuất hiện từ lâu và hiện người ta đang tính chuyện phải có một thế hệ mới. Singapore là một ví dụ.

Với điều kiện của nước ta hiện nay, tập thể lãnh đạo phải chăng ngay cả các bộ trưởng cũng sẽ khó khăn tạo dấu ấn cá nhân?

Cơ chế nào cũng có mặt trái. Đề cao trí tuệ tập thể có cái lý của nó. Một tập thể là một cấu trúc mà trong đó mỗi thành viên đều có mối quan hệ ràng buộc với nhau dưới những hình thức thô sơ nhất hoặc phức tạp nhất. Thế nhưng, dựa dẫm vào tập thể để lẩn trốn trách nhiệm cá nhân lại là một căn bệnh trầm kha hiện nay.

Câu chuyện xưa về Đông Quách tiên sinh chuồn khỏi đội hình thổi sáo khi nhà vua muốn nghe độc tấu (vì y vốn chỉ “ăn theo” đồng đội chứ bản thân không biết thổi) tưởng chỉ là chuyện đời xưa hóa ra lại rất hiện đại và phổ biến! Đấy là chưa nói đến một đặc điểm của thời đại là vai trò cá nhân được khẳng định mạnh mẽ, mỗi người có khả năng đối diện với cả thế giới và cả thế giới đang thách đố mỗi con người.

Cho nên, nếu cơ chế trói buộc và cản trở năng lực cá nhân thì phải đổi mới cơ chế đó. Ai đổi? Chính mỗi cá nhân phải làm việc đó.

Tạo dấu ấn cá nhân có thể đương đầu với nhiều rào cản. Ông nghĩ gì khi một vài người ái ngại cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khi ông đứng về phía lợi ích của người tiêu dùng khi nói về giá xăng dầu.

Sự lo ngại đó là một phần thưởng đáng tự hào cho anh Vương Đình Huệ và là sự hậu thuẫn cho anh ấy chững chạc thực hiện chức năng đích thực của một bộ trưởng. Đồng thời nó cũng phản ánh một thực trạng của đất nước khi mà những đột phá nhằm đưa tới những đổi thay đang gặp phải sự chống đối.

Thực tế này đòi hỏi những quyết sách mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước để chứng minh rằng nhà nước của ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân, đủ sức để đặt lợi ích của đất nước lên trên hết và trước hết.

Chỉ có điều “mỗi bước tiến mới sẽ tất yếu biểu hiện ra như là một sự xúc phạm tới cái thiêng liêng, là một sự nổi loạn chống lại trạng thái cũ, đang suy đồi nhưng được tập quán thần thánh hóa” đây là điều Hégel đã cảnh báo khi bàn về phép biện chứng. Tôi chắc rằng anh Vương Đình Huệ biết rõ cái tập quán được thần thánh hóa này.

Thời gian là vị quan tòa nghiêm minh nhất để đoán định phẩm chất, năng lực và hiệu quả của một chính khách. Dấu ấn như thế nào có khi không tùy thuộc vào dự định hay động cơ cá nhân. Lời nói cũng để lại dấu ấn, song việc làm và hiệu quả hay hệ lụy của nó mới là dấu ấn mạnh mẽ nhất.

Giáo sư Tương Lai
Giáo sư Tương Lai.
 

GS có cho rằng, nên có cơ chế để QH và người dân “chấm điểm” Chính phủ và thành viên Chính phủ giữa nhiệm kỳ và kết thúc nhiệm kỳ?

Vừa rồi báo chí có đăng tin bà Yingluck Shinawatra, Thủ tướng Thái Lan đã ghi điểm bằng sự chú ý cá nhân và phản ứng của chính phủ với nạn lũ lụt đang hoành hành tại Thái Lan. Phải do người dân “chấm điểm” thì bà Thủ tướng mới “ghi điểm” được chứ.

Thế là ngay sát cạnh ta, người ta đã chấm điểm và ghi điểm Thủ tướng và xem chuyện ấy là chuyện bình thường như hằng ngày phải rửa mặt, quét nhà chứ có gì to tát lắm đâu? Người dân chấm điểm bằng dư luận. Sang trọng hơn và đúng chức năng được Hiến pháp quy định, Quốc hội cần làm việc đó.

Theo GS, làm thế nào để chọn được những nhà lãnh đạo có tâm, có tài, có bản lĩnh khi mà hiện tượng chạy chức chạy quyền, tư tưởng địa phương cục bộ, chủ nghĩa bằng cấp đơn thuần, lý lịch đang không tạo cơ hội hoặc loại bỏ nhân tài đích thực? Cần liều thuốc đặc trị nào cho căn bệnh này ?

Có lẽ ai tìm ra được liều thuốc đặc trị này nên được phong thánh của thời hiện đại và nhờ điêu khắc gia đang phác thảo hoành tráng tượng bà mẹ anh hùng ở đất Quảng bỏ chút thời gian dựng cho bức tượng, nho nhỏ cũng được! Bởi lẽ, chuyện nhân tài đích thực bị bỏ quên, bị cho ngồi chơi xơi nước, rồi chuyện chạy chức, chạy quyền, rồi chủ nghĩa lý lịch… có cội nguồn từ sự bất cập của một thể chế cần được đổi mới.

Làm thế nào để thu dụng được người tài, khai thác và phát huy năng lực của họ đòi hỏi một cách nhìn mới, một tư duy mới chứ không chỉ là những lời kêu gọi và vài ba giải pháp được ban ra.

Xin gợi lại đây một khuyến cáo của Paul Krugman: “Khi khủng hoảng trở nên trầm trọng, những cách tư duy thông thường không còn đúng nữa: Cái bạn cho là tốt thực ra là tệ hại, cái mà bạn tưởng là thận trọng thực ra lại đầy rủi ro, và sự khôn ngoan lại hóa ra là dại dột”. Các bộ trưởng của ta, những người đang tạo ra những “dấu ấn đột phá” hay đang lặng lẽ thực thi trọng trách của mình đang đối diện với điều đó!

Cảm ơn giáo sư.

Phùng Nguyên

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.