'Xuất hiện lây nhiễm trong đội ngũ y bác sĩ ở Đà Nẵng là rất nghiêm trọng'

Các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng hồi tháng 3/2020. Ảnh: Nguyễn Thành
Các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở Đà Nẵng hồi tháng 3/2020. Ảnh: Nguyễn Thành
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ nhận định rằng đã có tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong đội ngũ y, bác sĩ và "đây là điều hết sức nghiêm trọng".

Tại cuộc làm việc trực tuyến với Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 sáng nay, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Tình hình dịch bệnh rất phức tạp trong đó có 1 ca bệnh không phải người dân Đà Nẵng nhưng có liên quan đến yếu tố dịch tễ của Đà Nẵng. Dự kiến thời gian sắp tới, qua sàng lọc có thể phát hiện thêm một số ca nữa.

“Trong khu vực cách ly của bệnh viện xuất hiện lây nhiễm cho đội ngũ y bác sĩ. Đây là việc rất nghiêm trọng”, ông Thơ lo ngại. 

Theo đó, hiện nay chưa truy xuất được nguồn gốc lây nhiễm của dịch COVID-19 trên địa bàn. Các ca lây nhiễm đều có mức độ độc lập tương đối. Sau khi điều tra, kiểm tra đường đi lây nhiễm chưa thấy có dấu hiệu có điểm chung. Vì thế cũng gây ra lo lắng do nguồn lây bệnh trong cộng đồng có nhiều nguồn khác nhau. Chắc chắn trong cộng đồng có nhiều trường hợp nhiễm bệnh, mang mầm bệnh hoặc đã nhiễm nhưng chưa phát hiện.

Theo lãnh đạo TP Đà Nẵng, ngay từ hôm 26/7 sau phiên họp trực tuyến với Thủ tướng Chính phủ, Đà Nẵng đã thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ đình chỉ, tạm dừng các hoạt động sự kiện tập trung đông người, giới hạn các cuộc gặp, cuộc họp, tụ tập không quá 30 người theo Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh, và do tình trạng bệnh không xác định được nguồn lây lan trong cộng đồng, nên chắc chắn Đà Nẵng phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16, thay vì chỉ giãn cách. Đây là biện pháp cần thiết khi chưa biết nguồn gốc lây lan từ đâu, đến từ địa phương nào.

Ông Thơ cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị các trung tâm y tế lớn trong khu vực hỗ trợ TP Đà Nẵng trong một thời gian có thể lên đến vài chục ngày để có thể xét nghiệm, lọc, kiểm soát để có sự đánh giá về bức tranh của tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng.

“Ngoài những cơ sở y tế của Đà Nẵng, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các địa phương khác, trong đó có Quảng Nam, TT-Huế và Khánh Hòa. Thậm chí đề nghị Bộ Y tế thành lập các phòng xét nghiệm di động đưa đến Đà Nẵng để rút ngắn thời gian xét nghiệm các mẫu phẩm, sớm đưa ra các quyết định”, ông Thơ kiến nghị.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng cho biết: Thành phố đang tập trung xử lý đối với 2 bệnh viện lớn của Đà Nẵng là Bệnh viện C và Bệnh viện Đà Nẵng. Đây là 2 bệnh viện đã phong tỏa và sẽ mở rộng khu vực cả khu vực ngoài bệnh viện. Thành phố đã có sơ đồ cách ly phong tỏa, đồng thời nhận định tình trạng phong tỏa sẽ ảnh hưởng đến các mặt xã hội nhất định, và tìm biện pháp khắc phục.

Hiện Đà Nẵng là tâm dịch, khác với tình hình dịch bệnh hồi tháng 3/2020. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Hiện nay, thành phố thay đổi phương pháp cách thức để xử lý tình huống, bổ sung vào trong Chỉ thị 16. Đà Nẵng không chỉ lập trạm, lập chốt để ngăn chặn bên ngoài mà cũng nỗ lực tìm mọi cách để phát hiện những nội tại bên trong và có phương án xử lý.

18h ngày 27/7, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 thông báo Đà Nẵng ghi nhận thêm 11 ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Tổng số bệnh nhân ở Việt Nam là 431 người.

Các bệnh nhân có độ tuổi từ 24 đến 70. Trong đó, 7 người đang điều trị tại các khoa Tim mạch, Hồi sức tích cực chống độc, Y học nhiệt đới, Nội thận - Nội tiết tại Bệnh viện Đà Nẵng, cùng với 4 bệnh nhân mắc COVID-19 là nhân viên y tế của bệnh viện này. 

MỚI - NÓNG