Xuân về trên bãi mìn xưa

TP - Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, Hà Giang, nơi diễn ra lễ trao tặng quà cho các nạn nhân bom mìn, được bao quanh bởi núi.

Đại tá Phan Văn Tuấn, Tổng thư ký Hội hỗ trợ khắc phục bom mìn Việt Nam chỉ vào dãy núi, nói với chúng tôi: “Đây này, dọc các dãy núi này trước kia chôn đầy mìn. Giờ vẫn còn nhiều quả vẫn còn nằm trong lòng đất.

”Hà Giang - nơi ô nhiễm mìn nhiều nhất cả nước


Xuân về trên bãi mìn xưa ảnh 1 Hai anh em Bồn Văn Hòn (trái) và Bồn Văn Đặng đang chờ lấy mẫu chân giả.  Ảnh: L.A
35 nạn nhân trúng mìn của huyện Vị Xuyên, Hà Giang tết vừa qua đã nhận được món quà tết ý nghĩa: được đo lắp chân tay giả, được tặng xe lăn cùng những món quà tết khác trong chương trình “Xuân về trên bãi mìn xưa” do Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam chủ trì.

Với đặc điểm núi cao hiểm trở giáp ranh với Trung Quốc, trong cuộc chiến biên giới phía Bắc từ 1979- 1989, Hà Giang, đặc biệt là huyện Vị Xuyên là bãi mìn khổng lồ dọc đường biên giới. Chiến tranh đã qua đi hơn 25 năm, nhưng số lượng mìn ở khu vực này vẫn còn tồn sót khá nhiều, gây nhiều thương vong, mất mát cho người dân địa phương. Đại tá Phan Văn Tuấn cho biết, nếu cả nước có 6,6 triệu ha đất tự nhiên còn bị ô nhiễm bom mìn, thì riêng tỉnh Hà Giang có tới 700.000 ha đất, chủ yếu nằm ở huyện Vị Xuyên. Ông rưng rưng nói: “Đau xót hơn cả, hơn 400 hài cốt của đồng đội của chúng tôi vẫn nằm lại nơi đây mà không thể nào vào bốc dỡ để đưa các anh về yên nghỉ nơi quê nhà.”

Trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên phó Tổng tham mưu trưởng QĐND VN, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam chia sẻ: “Hàng năm, nhà nước đã chi hàng ngàn tỷ đồng cho công việc rà phá, hàng trăm tỷ hỗ trợ gia đình các nạn nhân, song số tiền đó chỉ đủ để rà phá khoảng 2.000 ha/ một năm và với tốc độ này, phải mất trên 300 năm chúng ta mới có thể làm sạch được 6,6 triệu ha đất tự nhiên còn bị ô nhiễm. Trong chiến tranh biên giới phía Bắc, quân và dân Hà Giang đã kiên cường bám trụ, giữ vững vùng biên ải thiêng liêng của Tổ quốc, làm thất bại âm mưu xâm lược của kẻ thù. Và cũng chính trên mảnh đất này, đáng lẽ đồng bào các dân tộc Hà Giang phải được sống yên bình, được yên tâm sản xuất nâng cao đời sống, xứng đáng với công sức, máu xương đã đổ ra để gìn giữ, thì ngược lại, hàng ngàn, hàng trăm nạn nhân đang chịu cảnh thiếu thốn, và hằng ngày, hàng giờ mất mát, thương tật vẫn đang rình rập, đe dọa bà con nơi đây”.

Chính vì vậy, vừa mới ra đời được 3 tháng, nhưng Hội đã lập kế hoạch hành động tới năm 2020, mà ưu tiên đầu tiên của Hội, theo trung tướng Nguyễn Đức Soát, cố gắng vận động mọi nguồn lực để có thể hỗ trợ hết cho những nạn nhân bom mìn chiến tranh. Và những người lính năm xưa đã khởi đầu bằng một việc làm thiết thực: lắp chân tay giả cho những nạn nhân mìn ở Vị Xuyên. Ban đầu, với kinh phí hạn hẹp, ban tổ chức dự tính hỗ trợ lắp chân tay giả cho khoảng 20 người, thế nhưng khi bà con biết tới chương trình này, kéo đến đăng ký nhiều, ban tổ chức quyết định nhận hết.

Mong ước giản đơn

Trong số những người xếp hàng chờ đo để được lắp chân tay giả đợt này, chúng tôi thấy có anh Bồn Văn Đặng, 29 tuổi, cụt một chân và anh Bồn Văn Hòn, 46 tuổi, dân tộc Dao, cụt hai chân, đều là người trong một gia đình. Đang ở độ tuổi trai tráng, nhưng gần 10 năm nay, anh Đặng không còn khả năng lao động sau khi bị trúng mìn mất chân phải năm 2006. Hôm đó, anh đang đào đất thì nghe thấy một tiếng nổ rầm... Giờ, toàn bộ công việc đồng áng, chăm lo nhà cửa và bốn đứa con đều một tay người vợ gầy gò chăm chút. Đặng buồn rầu: “Tôi chẳng giúp gì được cho cô ấy, ngoài việc quét nhà, quét cửa. Nếu có một chiếc chân giả tốt, tôi có thể làm được nhiều việc hơn” . Đặng cho biết thêm, anh trai cả của Đặng cũng trúng mìn và tử vong năm 1991 khi từ nơi sơ tán ở Bắc Mê hồi hương về thôn Năm Ngặt, huyện Vị Xuyên, nơi cuộc chiến diễn ra ác liệt nhất. 

Bồn Văn Hòn, anh rể của anh Đặng cũng là nạn nhân của mìn. Anh bị trúng mìn năm 2.000 trong lúc đi làm nương cụt cả hai chân. Anh kể, ở thôn anh cũng có 6-7 người cũng bị trúng mìn và mất chân hoặc tay. Từ khi bị thương, đi lại đối với anh đã vô cùng khó khăn, nói gì đến khả năng lao động. Anh ao ước: “Giá mà có chiếc xe lăn thì tôi có thể tự đi lại được, đỡ đần được vợ con đôi chút.” Và trong đợt trao tặng quà này, anh đã được tặng chiếc xe lăn, giấc mơ bé nhỏ bao lâu nay giờ đã thành sự thật. 

Dịp tết Ất Mùi 2015, Hội khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam chính thức ra mắt chi hội tỉnh Hà Giang, chi hội đầu tiên trên cả nước. Trong năm 2015, sẽ có nhiều chi hội địa phương sẽ lần lượt được thành lập.

MỚI - NÓNG