Mở ra “con đường tơ lụa” mới
Vào những ngày giáp Tết nguyên đán Giáp Thìn, đoàn công tác của xứ Trầm Hương do ông Nguyễn Hải Ninh - Ủy viên Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa dẫn đầu đã có chuyến thăm và làm việc tại Kazakhstan- đất nước nằm trên con đương tơ lụa huyền thoại.
Con đường tơ lụa vĩ đại nhất trong lịch sử loại người nối liền Trung Hoa với vùng Tây Á kỳ bí và đến cả châu Âu, không chỉ đơn thuần là huyết mạch thông thương buôn bán, mà còn là hành trình giao lưu văn hóa, tôn giáo của các nước với nhau. Con đường tơ lụa đã tồn tại suốt 17 thế kỷ khi nhân loại chưa phát triển đường hàng hải - đã được Unesco công nhận là Di sản thế giới.
Kazakhstan – nơi con đường tơ lụa cổ đại đi qua, đón đoàn công tác tỉnh Khánh Hòa trong cái lạnh thấu xương -22 độ C. Đoàn công tác đến cố đô Almaty thơ mộng nằm ở độ cao 900m so với mực nước biển, bao quanh bởi ngọn núi Thiên Sơn phủ trong tuyết trắng, bắt đầu cuộc hành trình để thúc đẩy hợp tác giao thương.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh, doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị xúc tiến du lịch ở Almaty. |
Hội nghị xúc tiến du lịch và thương mại tỉnh Khánh Hòa được tổ chức ở cố đô này với sự tham dự của bà Phạm Thái Như Mai - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Kazakhstan; bà Galiya Tokseitova - Giám đốc Sở Du lịch TP. Almaty cùng đại diện hơn 120 doanh nghiệp tại Kazakhstan. Hội nghị nhằm quảng bá hình ảnh tỉnh Khánh Hòa tới các doanh nghiệp của Kazakhstan, trong đó chú trọng giới thiệu về tiềm năng phát triển du lịch, thương mại và các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng- Chủ tịch công ty Trầm hương Khánh Hòa- người tham gia đoàn công tác, chia sẻ:
“Mặc dù những ngày cuối năm bồn bề công việc, nhưng đoàn công tác của tỉnh Khánh Hòa vẫn cố gắng thu xếp đến với nước bạn trong cái lạnh giá buốt, thể hiện quyết tâm thúc đẩy giao thương. Tôi đánh giá đất nước Kazakhstan có rất nhiều tiềm năng để hợp tác với chúng ta, vì vị trí địa chính tri quan trọng, cầu nối giữa lục địa Á – Âu, có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ, diện tích rộng lớn, hơn 2.7 triệu km2, lớn hơn cả Tây Âu. Việt Nam hoàn toàn có thể hợp tác với nước bạn về khai thác dầu khí, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu hải sản. Tỉnh Khánh Hòa ở xứ nhiệt đới, có những vịnh biển, bãi biển và những hòn đảo nằm trong top đẹp nhất thế giới, cùng với đó là hương thơm cao quý của trầm hương, thể hiện tinh thân khoan hòa, nhân ái của người Việt, vị ngon ngọt của sản vật yến sào nổi tiếng. Tất cả những điều đó tạo nên sức hấp dẫn với du khách đến từ Kazakhstan – đất nước nằm sâu trong lục địa có khí hậu khô nóng vào mùa hè, giá rét vào mùa đông”.
Ngoài tiềm năng về dầu khí và nông nghiệp, Kazakhstan rất hấp dẫn du khách Việt Nam với những cánh đồng tulip bạt ngàn, những vườn táo trải dài trên thảo nguyên, những hồ nước tuyệt đẹp, cùng nền văn hóa du mục độc đáo. Nơi đây còn sở hữu nền văn hóa du mục cuối cùng còn sót lại của thế giới với những đàn ngựa đẹp, dẻo dai phi nước kiệu trên thảo nguyên bao la và chim địa bàng được huấn luyện để săn mồi từng xuất hiện trong tiếu thuyết “Anh hùng xạ điêu” của nhà văn Kim Dung.
Người Kazakhstan được xem là một dân tộc huynh đệ, với 134 sắc tộc, trong đó đông nhất là người Kazakhstan, người Nga, người Uzbek, người Duy Ngô Nhĩ, người Ukraine, người Đức, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Triều Tiên, người Azerbaijan…Đa dạng sắc tộc là tài sản quý, là niềm tự hào đặc biệt của người Kazakhstan, khi họ vượt xung đột lợi ích sắc tộc trong thời gian khó khăn từ sau Liên Xô sụp đổ.
Theo doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng – Kazakhstan – có thể trở thành điểm đến của “con đường tơ lụa” mới từ Việt Nam – nơi xuất khẩu nhiều hương liệu như quế, hồi, đặc biệt là trầm hương- vốn rất có sức hút với cư dân Trung Á xứ lạnh với 65% theo đạo Hồi. Từ xưa đến nay, người Hồi giáo không thể thiếu trầm hương trong những nghi lễ lớn nhỏ.
Tỉnh Khánh Hòa đến Kazakhstan xúc tiến thương mại, du lịch không chỉ khơi gợi ký ức hào hùng về con đường tơ lụa cổ xưa mà còn mở ra tiềm năng về một “con đường tơ lụa” hiện đại bằng cả đường biển và đường không.
Sẽ có con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kazakhstan
Ông Nguyễn Hải Ninh - Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh khả năng hợp tác về vận chuyển hàng hóa, thương mại bằng đường hàng không (cargo) trên cơ sở thế mạnh của Khánh Hòa về cảng hàng không quốc tế và thế mạnh về xuất khẩu thủy sản, nông sản; hợp tác về giao lưu văn hóa, trao đổi học sinh, sinh viên…
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh tặng chiếc quạt trầm hương do công ty Trầm hương Khánh Hòa chế tác cho lãnh đạo thành phố TP.Almaty |
Ông Nguyễn Hải Ninh cho biết Khánh Hòa đang có nhiều ưu đãi với đầu tư nước ngoài và kêu gọi các doanh nghiệp Kazakhstan đầu tư vào Khu Kinh tế Vân Phong, đặc biệt trong lĩnh vực lọc hóa dầu, phi thuế quan.
Ông Nguyễn Hải Ninh đã giới thiệu về trầm hương – một sản vật đã tạo nên sức hút riêng có của tỉnh Khánh Hòa và tặng chiếc quạt làm bằng trầm hương cho ngài chủ tịch Malislhat của thành phố Almaty. Quạt được công ty Trầm hương Khánh hòa chế tác rất tinh tế và được chọn làm quà tặng các nguyên thủ tham dự Hội nghị APEC 2017 ở Việt Nam.
Con đường tơ lụa cổ xưa vốn được đo bằng những dặm dài thiên lý trên đôi chân lạc đà đẵng đẵng qua năm tháng rong ruổi, nay đã rút ngắn chỉ 10 giờ bay khi Khánh Hòa và Kazakhstan đã có đường bay thẳng ra cơ hội hợp tác rất lớn, đặc biệt là thương mại và du lịch.
Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng trải nghiệm văn hóa du mục của đất nước Kazakhstan. |
Ngay tại hội nghị, doanh nghiệp hai bên đã thảo luận về tiềm năng thúc đẩy các loại hình du lịch, nhất là du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, tăng cường xuất nhập khẩu hàng hóa.
Đó là một sự khởi đầu đầy hứa hẹn để bà Galiya Tokseitova, Giám đốc Sở Du lịch Almaty đã bày tỏ tin tưởng Việt Nam với phong cảnh đẹp, lịch sử truyền thống và lòng hiếu khách, với những bước phát triển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế sẽ mang đến cho du khách và doanh nhân Kazakhstan những ấn tượng đặc biệt và tạo điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Đại sứ Phạm Thái Như Mai cho biết sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan Tokayev vào tháng 8/2023, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh kết nối, khai thác những tiềm năng, thế mạnh của nhau. Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Kazakhstan và Việt Nam lần đầu tiên đã vượt 1 tỷ USD.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hải Ninh cùng đoàn công tác đã đến thăm Bảo tàng và Nhà tưởng niệm cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Kazakhstan D.Konayev tại TP. Almaty. Bảo tàng trưng bày về cuộc đời sự nghiệp của ông Konayev, được khánh thành vào năm 2002, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của ông. Tòa nhà chính gồm 3 tầng chứa hơn 3.000 mẫu vật phẩm, sách báo, hình ảnh, phim tư liệu về cuộc đời của nhà cách mạng. Nhà tưởng niệm cũng trưng bày hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chuyến thăm Almaty vào năm 1959. Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ấy đã để lại nhiều dấu ấn và tình cảm tốt đẹp với chính quyền và người dân Kazakhstan. Tình cảm ấy vẫn được lưu giữ và tiếp nối cho đến hôm nay, trong đó Đại sứ quán Việt Nam tại Kazakhstan và Đại sứ Phạm Thái Như Mai đã có nhiều nỗ lực để vun đắp, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống của hai đất nước.
Giữa cái lạnh cắt da cắt thịt của xứ thảo nguyên, nhưng đoàn công tác cảm giác như mùa xuân đã đến, niềm xúc động khó tả ùa về khi hay tin chính quyền thành phố Almaty đang phối hợp với các cơ quan chức năng Kazakhstan thúc đẩy việc đặt tên đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Almaty nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đến thăm Kazakhstan (1959-2024).