Chuyên gia quốc tế tại hội thảo về biển Đông:

Xử phạt tàu Trung Quốc hoạt động trái phép, tại sao không?

Tàu Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến tận cuối tháng 10. Ảnh: SCMP/Weibo
Tàu Hải Dương 8 hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến tận cuối tháng 10. Ảnh: SCMP/Weibo
TP - Triều Tiên bị trừng phạt vì vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Vậy cũng phải trừng phạt các công ty, tổ chức Trung Quốc là chủ sở hữu các tàu hoạt động trái  luật pháp quốc tế trên biển Đông.  

Ông Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI), đề xuất như vậy trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong bên lề Hội thảo khoa học quốc tế biển Đông lần thứ 11: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực.

Đánh giá về vụ việc Trung Quốc điều tàu Hải Dương 8 và các tàu hộ tống vào hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10 vừa qua, ông Poling nói Trung Quốc sẽ làm như vậy hết lần này đến lần khác để khiến các công ty bên ngoài nản lòng, để họ nghĩ rằng việc hợp tác khai thác tài nguyên trên biển Đông là quá nguy hiểm và quá tốn kém.

Ông Poling nói, cần nhìn rõ bản chất các hành động của Trung Quốc. Họ phớt lờ các cơ chế ngoại giao, quy tắc ứng xử hay cơ chế hợp tác. Mỗi ngày trên biển Đông lại có thêm tàu Trung Quốc, và họ hành xử ngày càng quyết liệt. Đó không phải hành động của một nước muốn thỏa hiệp mà là muốn bắt nạt, bắt các nước Đông Nam Á chấp nhận luật chơi của mình.

“Mỹ trừng phạt Triều Tiên vì vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc. Vậy tại sao chúng ta không trừng phạt các công ty Trung Quốc hành xử trái pháp luật?”. 


Gregory Poling, giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI)

Theo chuyên gia này, Trung Quốc gần đây thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) vì tính toán của họ là, nếu đạt được một COC theo ý họ, Bắc Kinh sẽ không bị bộ quy tắc này kiềm chế. Nếu tiến trình đàm phán COC đổ vỡ, Trung Quốc cũng hưởng lợi.

Nói về các hoạt động của Mỹ trên biển Đông, ông Poling cho rằng các hoạt động tự do hàng hải hay xây dựng năng lực, tập trận chung, điều tàu sân bay đến khu vực, đều là công cụ quân sự. Nhưng Trung Quốc dùng chiêu ép buộc phi quân sự, sử dụng đội tàu cá và tàu hải cảnh. Vì thế, Mỹ cần tìm ra các biện pháp ngoại giao và kinh tế để gây sức ép với Trung Quốc.

Ông Poling cho rằng khi đảm nhận vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc vào năm sau, Việt Nam cần nêu vấn đề biển Đông.

Ông John Rennie Short, một chuyên gia về toàn cầu hóa và địa chính trị đến từ Mỹ, cho rằng dư luận quốc tế hiện nay được nghe khá ít về quan điểm của Việt Nam, trong khi lại nghe thấy nhiều lập luận của Trung Quốc trên biển Đông. Việt Nam, Philippines và Indonesia  đều đã trải qua những vụ việc nghiêm trọng và cần nêu những vụ việc đó một cách mạnh mẽ hơn tại các diễn đàn quốc tế.

Diễn giải luật trái chuẩn mực chung

Tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung nói rằng trong xu thế hướng ra đại dương, tăng cường hợp tác biển và đại dương toàn thế giới nói chung, điều đáng lo ngại là các thách thức nổi lên đối với hoà bình và ổn định ở biển Đông, trong đó có các hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế xảy ra trên các vùng biển khu vực, trong đó có vùng biển của Việt Nam.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) được biết đến như hiến pháp về đại dương, với 168 thành viên, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và tài nguyên biển hiện nay. Nhưng việc đơn phương diễn giải luật quốc tế trái với chuẩn mực chung và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế làm giảm lòng tin vào luật pháp quốc tế, xói mòn thượng tôn pháp luật và có thể trở thành tiền lệ nguy hiểm đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và quốc tế.

TS. Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện  Ngoại giao cho biết, hội thảo năm nay khuyến khích cách nhìn rộng mở về biển Đông. Biển Đông không nên được hiểu chỉ là các tranh chấp chủ quyền, tranh chấp vùng biển và tài nguyên giữa các nước tiếp giáp. Biển Đông cần được nhìn nhận như một vùng biển kết nối giữa các đại dương, nơi gặp gỡ lợi ích giữa các nước trong và ngoài khu vực, là nơi các quốc gia mong muốn duy trì sự thượng tôn của luật pháp quốc tế và là nơi các nước trong và ngoài khu vực đối thoại, phát triển hợp tác một cách hiệu quả. Đó cũng là biển Đông trong Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mới được ASEAN thông qua.

Nói cách khác, Hội thảo Biển Đông lần thứ 11 sẽ đóng vai trò cầu nối tốt hơn nữa giữa kênh chính thức và kênh bán chính thức nhằm tìm ra các biện pháp có tính sáng tạo thúc đẩy hòa bình, hợp tác ở biển Đông.

MỚI - NÓNG
Hà Nội 'chốt' mức chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ
Hà Nội 'chốt' mức chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ
TPO - Theo Nghị quyết vừa được thông qua, các cơ quan, đơn vị sẽ dành 0,5 lần quỹ lương cơ bản (0,5 lần của 0,8 quỹ thu nhập tăng thêm, tức khoảng 62,5%) để chi thu nhập tăng thêm hằng tháng cho toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức. Với 0,3 lần quỹ lương cơ bản còn lại để chi thu nhập tăng thêm cuối năm dựa theo đánh giá, xếp loại hàng năm.