Bất ngờ về quy định tăng mức phạt hơn 100 hành vi
Sáng 1/8, Phòng CSGT Công an Hà Nội thực thi Nghị định 46/2016/NĐ-CP, tăng mức phạt hơn 100 hành vi và nhóm hành vi vi phạm Luật Giao thông so với Nghị định 171, 107.
Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT Hà Nội cho biết, trong ngày ra quân, lực lượng tuần tra tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc tại các nút giao thông trọng điểm của thành phố. Trong đó, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm không tuân thủ hiệu lệnh tín hiệu đèn, vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe máy, xe đạp điện.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, ngày đầu CSGT ra quân, nhiều người dân Thủ đô chưa nắm được quy định mới này. Còn ở TPHCM trong ngày đầu ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm Luật Giao thông theo quy định của Nghị định 46 có hiệu lực từ 1/8, Phòng CSGT Đường bộ-Đường sắt, Công an TPHCM đã tổng kiểm soát 332 trường hợp vi phạm trong đó lập biên bản 301 trường hợp, tạm giữ 46 xe mô tô. Trong buổi sáng ra quân xử lý vi phạm, nhiều trường hợp khi bị lực lượng CSGT dừng xe xử phạt lỗi vượt đèn vàng rất bất ngờ vì chưa biết đến nghị định mới này.
Cùng ngày, trả lời báo chí, ông Võ Văn Hoan-Chánh Văn phòng UBND TPHCM đã có ý kiến liên quan đến vấn đề CSGT bắt đầu xử phạt vi phạm vượt đèn vàng tại các giao lộ theo Nghị định 46/2016 của Chính phủ. Theo ông Hoan, về nguyên tắc, đèn vàng là tín hiệu báo phải dừng trong điều kiện góc ngã ba, ngã tư của chúng ta rất nhỏ và hẹp.
Ông Hoan cũng khẳng định TPHCM sẽ quyết tâm thực hiện chủ trương xử phạt vượt đèn vàng nghiêm túc.
Khó xử lý lỗi vượt đèn vàng
Cũng theo ghi nhận của PV, dọc các tuyến phố Xã Đàn - Đại Cồ Việt, Trần Hưng Đạo - Phố Huế, Điện Biên Phủ - Trần Phú - Kim Mã, hàng loạt ôtô, xe máy vẫn vượt khi đèn tín hiệu chuyển sang màu vàng, khiến lực lượng tuần tra xử lý không xuể.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo đội CSGT số 4 cho biết, ngày đầu thực thi theo quy định mới, phần lớn người dân chưa nắm được quy định tăng mức phạt đối với các vi phạm phổ biến vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm, đặc biệt về quy định lỗi vượt đèn vàng.
Đại úy Nguyễn Minh Đức, Phó đội trưởng CSGT số 1 thì thừa nhận, việc xử lý lỗi vượt đèn vàng còn gặp khó khăn. Khi vượt tới trước vạch sơn, nhiều người điều khiển phương tiện mới quan sát đèn dẫn đến giảm tốc đột ngột gây dồn ứ phương tiện, va chạm giao thông. Nhiều xe dừng, vượt giữa ranh giới chuyển từ đèn xanh sang đèn vàng tại các nút giao không có camera giám sát, nảy sinh tranh cãi với CSGT.
Về chỉ đạo xử lý vi phạm trong giờ cao điểm, ông Đức cho biết, trước đây vào giờ cao điểm, cán bộ chiến sỹ tập trung phân luồng nên nhiều người lợi dụng vượt đèn đỏ, vi phạm luật giao thông nhiều. Khi dừng xe, cảnh sát buộc phải lùi thời gian xử lý vi phạm. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới, Ban chỉ huy Phòng CSGT chỉ đạo tăng cường các tổ tuần tra lưu động phối hợp với CSCĐ hỗ trợ xử lý triệt để vi phạm trong giờ cao điểm.
Nêu ý kiến về quy định tăng mức phạt với hơn 100 hành vi vi phạm Luật Giao thông, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội ủng hộ về chủ trương. Tuy nhiên, ông Liên cho rằng, việc tăng mức phạt sẽ là gánh nặng đối với người dân lao động.
“Nghị định 46 còn nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt về xử phạt lỗi vượt đèn vàng. Đèn vàng hoạt động trong 3 giây với ý nghĩa cảnh báo tài xế giảm tốc, dừng xe khi đèn tín hiệu sắp chuyển sang màu đỏ - cấm phương tiện vượt qua thì không thể xử phạt ngang lỗi vượt đèn đỏ. Ngoài ra, việc tăng mức phạt khiến nhiều người dân lo lắng công tác tuần tra kiểm soát không minh bạch, trong sáng dễ phát sinh vấn nạn tiêu cực” - ông Liên nói.
Xử phạt vượt đèn vàng được thực hiện từ lâu
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại tá Đào Vịnh Thắng cho biết, theo Điều 10, Luật Giao thông Đường bộ 2008, tín hiệu đèn giao thông có 3 màu: Xanh là được đi; đỏ cấm đi; vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường.
“Quy định xử lý đối với vi phạm tín hiệu đèn đã có trong Luật Giao thông Đường bộ từ năm 2008. Việc xử lý vi phạm tín hiệu đèn trong đó có đèn vàng đã được triển khai từ lâu chứ không phải bây giờ, Nghị định 46/2016 chỉ nhắc lại và điều chỉnh mức phạt” - đại tá Thắng nói.
Về những ý kiến cho rằng, xử phạt trường hợp vi phạm đèn vàng có những bất cập, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đại tá Thắng cho rằng: Trong Luật Giao thông đã quy định rõ, đối với người điều khiển phương tiện khi tới ngã ba, ngã tư phải giảm tốc độ quan sát nhằm đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
CSGT là lực lượng thi hành công vụ, trước mắt sẽ thi hành luật nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, TNGT cũng như nâng cao ý thức người tham gia giao thông. “Trường hợp khi thực hiện nếu phát sinh bất cập sẽ có những cơ quan như Bộ Tư pháp, Quốc hội… xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn” - ông Thắng nói.
Về vấn đề trên, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia nói: Theo Nghị định 34/2010, quy định phạt lỗi vượt đèn vàng đã được tiến hành chứ không phải bây giờ mới phạt. Theo đó, năm 2010 xử phạt vượt đèn vàng ở mức 300.000 - 400.000 đồng.
Đề cập đến mức xử phạt năm 2008 có quy định khác nhau giữa đèn vàng và đèn đỏ, ông Hùng cho rằng, mức phạt là do Chính phủ quy định chứ không phải Luật Giao thông quy định.
Ngày 1/8, trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp HĐND thành phố, Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc CATP Hà Nội khẳng định, việc tuyên truyền cho người dân đã được thực hiện rất kỹ trước khi áp dụng xử phạt vi phạm vượt đèn vàng. Theo ông Hải, từ trước đến nay có sự “châm chước, thông cảm” nên đã tạo ra thói quen thấy đèn vàng vẫn cho xe chạy. Đó là một thói quen “rất dở”.
“Luật giao thông của tất cả các nước trên thế giới đều quy định khi đèn vàng các phương tiện phải dừng lại. Việc chuyển tiếp giữa hai làn là quy định bất di bất dịch trên thế giới nhưng từ lâu nay chúng ta dễ cảm thông, chia sẻ nên dần dần thành quen. Trong việc thực hiện xử lý vi phạm cả đèn vàng, tôi cho rằng sẽ thuận lợi hơn cho lực lượng thực thi nhiệm vụ; pháp luật được thực thi nghiêm chỉnh hơn, mọi người sẽ có ý thức chấp hành tốt hơn”, ông Hải nói.
* Điều 5, Nghị định 46/2016 quy định: Phạt tiền từ 1.200.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi sau: Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông… Các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe máy từ 300.000- 400.000 đồng…
Nên dừng xử phạt vượt đèn vàng
Liên quan đến việc CSGT phạt lỗi người đi đường vượt đèn vàng, nhiều chuyên gia đề nghị nên dừng vì quy định này thiếu tính khoa học.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, đồng thời là một chuyên gia về ô tô cho rằng: Luật Giao thông Đường bộ hiện hành quy định tín hiệu đèn giao thông có 3 màu với các ý nghĩa như sau: Tín hiệu xanh là được đi; tín hiệu đỏ là cấm đi; tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp.
Theo TS Tạo, quy định như vậy có thể hiểu: Người lái xe có thể đi qua vạch dừng khi đèn tín hiệu màu vàng và tín hiệu màu vàng chỉ cảnh báo cho lái xe nhanh chóng dừng lại trước vạch dừng vì sắp có tín hiệu đèn màu đỏ chứ không cấm người lái xe chạy qua vạch dừng. Ý nghĩa khoa học của đèn vàng là tạo ra quãng thời gian để phương tiện có thể dừng, hoặc vượt vạch dừng một cách an toàn. Cụ thể, phương tiện không thể dừng được ngay mà phải di chuyển trong một “quãng đường phanh”.
“Khi đèn đã chuyển từ xanh sang vàng nhưng quãng đường phanh không đủ để phanh an toàn, người điều khiển phương tiện buộc phải vượt đèn vàng. Như vậy, người lái xe có ý thức tuân thủ Luật Giao thông, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi vẫn phải vượt đèn vàng. Chính vì lẽ đó mà phạt lỗi vượt đèn vàng là không thực tiễn, không đúng với ý nghĩa khoa học của việc quy định thời lượng cần thiết của đèn vàng” - TS Tạo phân tích.
Sỹ Lực