Bên đồng thuận
Đầu tiên phải khẳng định, việc xử phạt lỗi vượt đèn vàng là không mới, nó đã xuất hiện ở các văn bản trước đây về xử phạt hành chính các lỗi khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên trước đây lực lược CSGT dường như bỏ qua lỗi này mà chỉ tập trung xử phạt người vượt đèn đỏ. Giờ đây khi quy định mới có mức phạt được nâng tầm lên ngang với đèn đỏ, người dân mới giật mình vì có thể phải nộp khoản tiền phạt lớn cho lỗi mà trước đây được mặc định là không sai luật.
Ở các trường dạy lái xe, các học viên khi học lái xe hơi đều được dạy rất kỹ về việc đèn xanh còn 3 giây thì dừng lại. Điều này thực tế không khác mấy so với việc dừng xe khi đèn vàng bật sáng, rất đúng luật và giúp giao thông an toàn hơn.
Chính vì vậy, khi mức phạt mới được đưa ra, nhiều người đồng thuận và cho rằng mức phạt này là xứng đáng, nó sẽ giúp giao thông trở nên an toàn hơn, giảm bớt tắc đường ở các ngã tư, khi các phương tiện lao vào dù đèn vàng đã sắp chuyển sang đỏ, dẫn tới xung đột giao thông.
Trên thực tế nhiều nước, việc có vượt đèn vàng hay không còn tùy vào khoảng cách của xe với vạch dừng. Nếu người lái cảm nhận được khi đèn chuyển sang vàng, họ đã vượt qua vạch dừng, thì họ có quyền và nên thực hiện việc đi tiếp, để tránh gây cản trở giao thông.
Còn nếu người lái cảm nhận được mình không kịp chạm vạch dừng khi đèn xanh còn ít giây và đèn vàng chuẩn bị bật sáng, họ nên chủ động giảm tốc và dừng lại. Điều này tất nhiên tùy thuộc rất nhiều vào ý thức người lái xe, thứ mà ở Việt Nam đang rất thiếu.
Bên phản đối
Bên cạnh những người lên tiếng ủng hộ phạt lỗi vượt đèn vàng như lỗi vượt đèn đỏ, rất nhiều ý kiến khác phản đối và cho rằng Việt Nam không thích hợp để áp dụng.
Theo những người phản đối, hạ tầng đèn giao thông tại Việt Nam còn rất nhiều nơi không có đồng hồ đếm ngược đèn xanh, đèn đỏ, đèn vàng, dẫn tới lái xe bị phân vân khi sắp tới nơi giao cắt mà không biết khi nào đèn vàng sẽ bật tắt. Nhiều người cũng cho rằng đèn vàng là để báo hiệu sắp có đèn đỏ, nên họ mặc nhiên được phép đi tiếp.
Số đông đi xe máy cũng lo lắng khi dừng đèn vàng, bởi họ có thể bị tông từ phía sau do các ô tô, xe máy phía sau không dừng đèn vàng. Trước đây, nhiều trường hợp dù dừng... đèn đỏ cũng bị húc vào đuôi xe chỉ vì người phía sau không muốn dừng đèn đỏ. Đây là thực tế ở nhiều điểm giao thông, đặc biệt là các ngã 3, nơi tuy có đèn đỏ nhưng các phương tiện vẫn mặc nhiên đi thẳng vì... cảm thấy an toàn.
Không ít người phản đối khác cho rằng, nếu phạt lỗi đèn vàng như đèn đỏ, thì nên bỏ luôn đèn vàng và chỉ để đèn xanh và đèn đỏ cho đỡ ... nhầm lẫn.
Nên phạt để tăng ý thức giao thông?
Vì một môi trường giao thông an toàn và nâng cao ý thức người tham gia giao thông, việc tiến hành phạt nặng cho lỗi không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, trong đó có vượt đèn vàng và đèn đỏ, là hết sức cần thiết tại Việt Nam.
Nếu chỉ vài chiếc xe hơi, xe máy cố gắng tăng ga vượt đèn vàng hay vượt đèn đỏ ở những giây đầu, họ sẽ chiếm diện tích tham gia giao thông của các chiều đi khác, khiến giao thông ùn tắc, đặc biệt là trong giờ cao điểm khi lượng xe lưu thông là rất lớn.
Ngoài ra, nếu nhiều người cùng không có ý thức và thói quen dừng đèn vàng, việc "húc đuôi" nhau sẽ thường xuyên xảy ra. Phạt lỗi vượt đèn vàng, nếu được thực hiện nghiêm túc, sẽ khiến giao thông ổn định và an toàn hơn nhiều.
Tuy nhiên, những bất cập về hạ tầng giao thông như chưa có đèn đếm ngược, cần được khắc phục ngay, để người dân có thể thực hiện việc dừng xe chính xác và an toàn nhất, tránh tâm lý thấp thỏm mỗi khi tới ngã tư có đèn báo giao thông.
Hi vọng trong tương lai gần, ý thức tham gia giao thông, văn hóa nhường nhịn sẽ sớm được xây dựng. Ở chiều ngược lại, phạt chính xác và phạt nặng cũng là cách để răn đe những cá nhân cố tình vi phạm luật giao thông, có thể gây nên tình trạng ùn tắc hoặc mất an toàn giao thông.